Y2K là một sự kiện lớn xảy ra vào cuối năm 1999, chính xác là một “thảm họa” liên quan đến hệ thống máy tính toàn cầu. Thuật ngữ Y2K được lập trình viên David Eddy đặt ra vào năm 1995, với Y là Year và K là kilo (nghĩa là 1000), do đó 2K biểu thị năm 2000.
Vào những năm 1960, do thiết bị lưu trữ rất đắt đỏ, các lập trình viên mã hóa năm chỉ bằng hai chữ số cuối để tiết kiệm dung lượng. Chẳng hạn, năm 1965 được mã hóa thành 65.
Khi năm 2000 đến gần, họ phát hiện ra rằng máy tính không thể phân biệt giữa năm 2000 và năm 1900, gây ra nguy cơ lỗi hệ thống lớn. Điều này có nghĩa là các hoạt động dựa trên ngày tháng sẽ bị lỗi, khiến máy tính có thể chuyển từ ngày 31/12/1999 về 01/01/1900 thay vì 01/01/2000.
Dự đoán về Y2K cho rằng sự cố này có thể làm tê liệt mạng lưới máy tính toàn cầu, gây ra các hiện tượng như phóng tên lửa bất ngờ, sự cố hạt nhân, khủng hoảng tài chính, và ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều lĩnh vực như ngân hàng, giao thông, và quân đội.
Ngân hàng, nơi sử dụng máy tính để tính lãi suất hàng ngày, sẽ đối mặt với vấn đề nghiêm trọng khi thay vì tính lãi suất cho một ngày, máy tính có thể tính toán nhầm thành âm 100 năm. Các cơ sở hạt nhân cũng gặp khó khăn do việc bảo trì dựa trên kết quả đo đạc từng ngày. Giao thông, đặc biệt là hàng không, cũng bị ảnh hưởng nặng nề do sai sót trong lịch trình bay.
Các chiến dịch khắc phục sự cố Y2K đã được tiến hành một cách hối hả và ráo riết trên toàn cầu. Australia và Mỹ đã phải chi hàng triệu đô la để nâng cấp hệ thống máy tính trong các lĩnh vực quân đội, giao thông và tài chính. Người dân trên khắp thế giới bắt đầu lo lắng về sự khủng hoảng máy tính toàn cầu.
Tờ TIME khi đó đã đặt tiêu đề trang bìa là “The End of the World!?!” (Ngày tận thế!?!), và đài NBC thậm chí đã làm một bộ phim về thảm họa Y2K.
Ngày cuối cùng của thế kỷ 20 đã đến. Vào những giây phút cuối cùng của ngày 31/12/1999, cả thế giới nín thở chờ đợi và nhận ra rằng… chẳng có chuyện gì xảy ra cả. Ngày 01/01/2000 đã diễn ra giống hệt như tất cả những ngày trước đó và sau này. Không hề có một báo cáo nào về việc “sự cố Y2K” đã xảy ra ở đâu đó trên thế giới.
Nhiều chuyên gia IT đã thức trắng đêm 31/12/1999 để đảm bảo rằng hệ thống và luồng thông tin toàn cầu được luân chuyển một cách liền mạch. Bên cạnh một vài sự cố nhỏ, mọi thứ gần như đều ổn định.
Ngay cả các quốc gia không chuẩn bị trước cho sự cố như Ý, Nga và Hàn Quốc cũng không gặp tổn thất gì. Tất cả đều thở phào nhẹ nhõm và có lẽ cảm thấy tiếc nuối cho những gì đã bỏ ra để chuẩn bị cho “thảm họa” không có thật này.
Nguồn tin: https://cafef.vn/24-nam-truoc-mot-tham-hoa-may-tinh-suyt-xay-ra-noi-am-anh-tan-the-bao-trum-toan-cau-188240721071603537.chn