Chuyên gia giáo dục và nghề nghiệp người Mỹ, Robbie Bryant gợi ý những câu hỏi cần tránh ở cuối các cuộc phỏng vấn tìm việc và một số cụm từ có thể thay thế.
Bạn đang tìm kiếm điều gì ở ứng viên? Làm cách nào để gây ấn tượng?
Người phỏng vấn có thể đã nói chuyện với nhiều ứng viên trước khi gặp bạn và câu hỏi trên thường được nhiều người đặt ra. Vì vậy, nghe đi nghe lại một câu hỏi sẽ khiến họ nhàm chán, đánh giá bạn không cao.
Để nổi bật và khác biệt, Robbie khuyên nên rút ra điều gì đó cụ thể từ một loạt những trách nhiệm mà ứng viên ở vị trí đó phải làm được, sau đó đặt câu hỏi xoay quanh.
Ví dụ: “Một trong những trách nhiệm được kể ở đây là xây dựng mối quan hệ với các bên liên quan, anh có cho rằng đây là khía cạnh quan trọng nhất của vị trí này và là điều tôi cần đặc biệt tập trung không?”.
Câu trả lời cuối cùng cũng giống nhau, nhưng cách diễn đạt cho thấy bạn nghiêm túc với vị trí này.
Tôi có thể làm việc ở nhà không?
Dù thế giới doanh nghiệp đã thay đổi đáng kể sau dịch bệnh, nhưng đặt câu hỏi này sẽ hạn chế cơ hội vì cho thấy bạn không thích làm việc ở văn phòng.
Nếu công việc linh hoạt, làm việc tại nhà hoặc kết hợp chưa được công ty công bố rõ nhưng bạn cần biết thì có thể hỏi. Nhưng có nhiều cách để bạn có thông tin mà không cần nhắc đến một cách cụ thể.
Thay vì hỏi thẳng, hãy hỏi tổng quát hơn về lịch làm việc hàng tuần, môi trường làm việc như thế nào.
Công ty sẽ mang lại điều gì cho tôi?
Đây là điều không nên vì có thể mang ngụ ý bạn có yêu cầu cao khi làm việc hoặc chưa nghiên cứu kỹ về vai trò này.
Tất nhiên, là một nhân viên tiềm năng, bạn sẽ tò mò về mọi phúc lợi. Nhưng để khám phá điều đó, nếu không có sẵn trên mạng, hãy đặt câu hỏi với người tuyển dụng: “Anh tự hào nhất về chính sách nào của công ty?”.
Hỏi như vậy bạn có thể nhận được câu trả lời giúp hiểu rõ hơn về các lợi ích mà không bị đánh giá. Thêm vào đó, nó mang lại cho người phỏng vấn cơ hội thể hiện, vì không ai không thích nhấn mạnh những điểm tích cực của họ.
Lương có thể thương lượng được không?
Câu hỏi về lương là cần thiết, nhưng nên hoàn thành cuộc phỏng vấn trước, sau đó gửi email cảm ơn công ty đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn và hỏi về những bước tiếp theo.
Nếu bạn là một ứng viên sáng giá thì tốt nhất nên đợi giai đoạn sau của cuộc phỏng vấn để đàm phán.
Tại sao tôi nên làm việc cho công ty?
Phải hiểu bạn là người được phỏng vấn chứ không phải ngược lại. Nếu đã ứng tuyển vào vị trí này, có lẽ bạn muốn làm việc ở đó, cho nên đặt câu hỏi như vậy khiến mọi việc trở nên khó xử.
Thay vào đó, hãy cân nhắc câu hỏi như “Nhân viên công ty chúng ta thích điều gì nhất khi làm việc ở đây?”.
Hàng ngày tôi sẽ phải hoàn thành công việc lúc mấy giờ?
Trong cuộc phỏng vấn, nên thể hiện mình là người nhiệt tình và tận tâm, điều này đặc biệt quan trọng trong giai đoạn đầu. Cho nên theo Robbie, việc muốn biết hàng ngày bạn sẽ về nhà lúc mấy giờ có vẻ thể hiện sự thiếu tận tâm.
Nếu bạn muốn biết điều đó, bạn cần sự tinh tế. Ví dụ, bạn cũng có thể hỏi xem nhân viên công ty thích nhất điều gì ở đây. Các câu trả lời sẽ giúp vẽ nên một bức tranh về môi trường làm việc.
Tuy nhiên, Robbie cũng lưu ý, những cụm từ như ‘làm hết sức chơi hết mình’, ‘nhịp độ nhanh’, ‘chúng ta giống như một gia đình’ hoặc ‘phải xử lý tốt căng thẳng’ có thể là dấu hiệu cảnh báo về tình trạng kiệt sức. Đương nhiên còn phụ thuộc vào bối cảnh ngành của bạn và những gì bạn đang tìm kiếm.
Nhật Minh (Theo Metro)
Nguồn tin: https://vnexpress.net/nhung-cau-ung-vien-khong-nen-hoi-nha-tuyen-dung-4733468.html