Bệnh tiểu đường, mỡ máu, tăng huyết áp có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta nếu không được điều trị kịp thời.
Để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh mạn tính và tăng cường sức khỏe các chuyên gia y tế khuyến cáo mọi người nên xây dựng và duy trì một chế độ ăn uống cân bằng dinh dưỡng, lựa chọn các thực phẩm tốt cho sức khỏe và tập thể dục thường xuyên.
Theo đó, một loại gia vị quen thuộc được người Việt sử dụng từ lâu trong các món ăn, có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, hạ huyết áp và mỡ máu hiệu quả.
Nhiều nghiên cứu khác nhau đã chỉ ra rằng quế – một loại gia vị phổ biến – có thể đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe bao gồm kiểm soát lượng đường trong máu, phòng ngừa bệnh tim mạch.
Lợi ích sức khỏe của quế
1. Quế có dược tính mạnh
Quế là một loại gia vị được làm từ vỏ bên trong của cây quế, được phơi khô và sử dụng ở dạng thanh dài hoặc nghiền thành bột quế. Quế đã được sử dụng từ thời Ai Cập cổ đại.
Ngày nay, quế có giá cả phải chăng và được bày bán rộng rãi ở hầu hết các siêu thị và chợ. Quế cũng được sử dụng trong nhiều món ăn khác nhau của các quốc gia trên thế giới.
Quế có hàm lượng hợp chất cinnamaldehyde cao, tạo ra mùi và vị đặc trưng riêng biệt. Quế cũng chứa nhiều chất chống oxy hóa giúp bảo vệ cơ thể khỏi tổn thương do các gốc tự do gây ra.
Một nghiên cứu cho thấy bổ sung quế có thể làm tăng đáng kể mức độ chống oxy hóa trong máu, đồng thời giảm viêm hiệu quả.
2. Quế giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch
Quế có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim, nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn cầu.
Theo một đánh giá, việc bổ sung ít nhất 1,5g hoặc khoảng 3/4 thìa cà phê bột quế mỗi ngày có thể làm giảm mức chất béo trung tính, cholesterol toàn phần, cholesterol LDL (có hại) và lượng đường trong máu ở những người mắc hội chứng chuyển hóa.
Một đánh giá khác dựa trên 13 nghiên cứu cho thấy quế có thể làm giảm mức chất béo trung tính và cholesterol toàn phần, cả hai đều là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Quế cũng đã được chứng minh là làm giảm huyết áp khi tiêu thụ liên tục trong ít nhất 8 tuần, từ đó giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ và bệnh thận.
3. Quế giúp ổn định đường huyết
Insulin là một trong những hormone quan trọng giúp điều chỉnh quá trình trao đổi chất và sử dụng năng lượng. Một số nghiên cứu cho thấy quế có thể làm giảm tình trạng kháng insulin và hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn.
Nghiên cứu cho thấy thêm 6 gam quế vào khẩu phần ăn có thể giúp giảm lượng đường trong máu tăng đột biến.
Tác giả của nghiên cứu kết luận: “Kết quả cho thấy quế có khả năng làm tăng lượng protein liên quan đến quá trình truyền tín hiệu sản sinh insulin, vận chuyển glucose và phản ứng chống viêm/chống tạo mạch”.
Một đánh giá khác chỉ ra rằng sử dụng quế hàng ngày trong vòng 4-18 tuần có thể giúp làm giảm đáng kể lượng đường trong máu.
4. Quế giúp phòng ngừa bệnh thoái hóa thần kinh
Bệnh thoái hóa thần kinh xảy ra khi các tế bào thần kinh mất dần cấu trúc hoặc chức năng. Trong đó, bệnh Alzheimer và bệnh Parkinson là hai loại thoái hóa thần kinh phổ biến nhất.
Các chuyên gia y tế cho biết một số hợp chất được tìm thấy trong quế dường như có tác dụng ức chế sự tích tụ 1 loại protein có tên là tau trong não. Đây là một trong những dấu hiệu đặc trưng của bệnh Alzheimer.
Trong một nghiên cứu khác trên những con chuột mắc bệnh Parkinson, thêm quế vào chế độ ăn của chúng có thể giúp bảo vệ tế bào thần kinh, cải thiện mức độ dẫn truyền thần kinh và cải thiện chức năng vận động ở chuột.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho biết chúng ta vẫn cần thực hiện thêm nhiều nghiên cứu sâu rộng hơn để khẳng định tác dụng này của quế.
5. Quế giúp phòng ngừa ung thư
Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện để tìm hiểu về tiềm năng của việc sử dụng quế trong phòng ngừa và điều trị một số loại ung thư.
Tuy nhiên, các nghiên cứu này mới chỉ được thực hiện trên động vật và trong ống nghiệm. Kết quả nghiên cứu cho thấy chiết xuất quế có thể bảo vệ cơ thể chống lại ung thư bằng cách hạn chế sự phát triển của tế bào ung thư.
Một nghiên cứu trên chuột mắc bệnh ung thư buồng trứng cho thấy cinnamaldehyde trong quế có thể ngăn chặn một số protein liên quan đến sự phát triển của ung thư.
Ngoài ra, các nghiên cứu trong ống nghiệm chỉ ra rằng cinnamaldehyde trong quế có thể làm giảm sự phát triển và lây lan của tế bào ung thư buồng trứng.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần nghiên cứu thêm để đưa ra các bằng chứng chắc chắn về lợi ích phòng ngừa ung thư của quế.
6. Hoạt chất trong quế có thể ngăn ngừa nhiễm trùng do vi khuẩn và nấm gây ra
Cinnamaldehyde, hoạt chất chính của quế, có thể giúp cơ thể chống lại nhiều loại bệnh nhiễm trùng.
Các nghiên cứu trong ống nghiệm cho thấy dầu quế có thể giúp tiêu diệt một số loại nấm gây nhiễm trùng đường hô hấp.
Quế cũng có thể ức chế sự phát triển của một số vi khuẩn, bao gồm vi khuẩn Listeria và vi khuẩn Salmonella.
7. Quế có đặc tính chống virus
Một số nghiên cứu cho thấy quế có thể giúp bảo vệ cơ thể chống lại một số loại virus bao gồm virus gây bệnh cúm, sốt xuất huyết,…
Kết luận
Như vậy, thêm quế vào chế độ ăn có thể là cách hiệu quả để điều chỉnh lượng đường trong máu, ổn định huyết áp, giảm mỡ máu và phòng ngừa bệnh tật hiệu quả.
Tuy nhiên, Dịch vụ y tế Quốc gia Anh (NHS) khuyến nghị mọi người cũng nên duy trì thêm chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng, tập thể dục thường xuyên để tăng cường sức khỏe và giảm thiểu bệnh tật.
Nguồn tin: https://cafef.vn/loai-gia-vi-la-than-duoc-giup-ha-huyet-ap-phong-tieu-duong-ung-thu-nguoi-viet-them-vao-mon-an-tu-lau-188240115200551882.chn