Dù vượt qua phỏng vấn và được nhận nhưng Đức Cường quyết định gửi email từ chối đi làm vì thái độ khó chịu của trưởng phòng với cách ăn mặc của anh.
“Lúc đó tôi nghĩ không thể thay đổi phong cách yêu thích chỉ để đổi lấy một công việc”, Nguyễn Đức Cường, 23 tuổi, ở Hà Nội nói.
Cường mê hip hop nên chuộng phong cách bụi bặm với tóc nhuộm vàng, bấm khuyên mũi, khuyên tai và xăm hai bên cánh tay. “Tôi cũng hay mặc quần bò rách và bị chê ngổ ngáo”, anh nói.
Cách ăn mặc của Cường thường xuyên bị người đi đường soi mói với ánh nhìn phán xét. Nhưng anh nói hiểu được suy nghĩ của mọi người nên không thấy phiền lòng cho đến lần gặp rắc rối khi đi xin việc.
Năm ngoái, anh được gọi phỏng vấn vị trí nhân viên của công ty về công nghệ. Người phỏng vấn là nữ trưởng phòng khoảng ngoài 40 tuổi. “Vừa nhìn thấy tôi chị ấy đã tỏ thái độ khó chịu, mặc dù hôm đấy tôi mặc áo phông có cổ, không mặc quần bò rách nữa”, Cường nhớ lại.
Sau một số câu hỏi và bài thực hành tại chỗ, thấy ứng viên hoàn thành tốt, người phỏng vấn có vẻ cởi mở hơn. Tuy nhiên, chị nói sẽ tuyển Cường với điều kiện nhuộm lại tóc cho bớt rực hơn và tháo khuyên. Sau hai ngày suy nghĩ, chàng trai quyết định gửi mail từ chối làm việc.
Thanh Nga, 28 tuổi, không thể quên kỷ niệm buồn 6 năm trước khi còn là một cô giáo trẻ. Hôm đó cô vừa chạy xe đến cổng trường bị thầy hiệu phó quát: “Đi dạy mà ăn mặc như này à? Về thay bộ khác”.
Cô gái ngỡ ngàng, quay xe đi trong nỗi xấu hổ và tự ái. Vừa phóng xe đi vừa khóc, Nga không nghĩ ra được phải mặc như thế nào cho hợp ý thầy mà mình cũng tự tin nên quyết định xin nghỉ việc luôn.
Thanh Nga học ngoại ngữ ở Hà Nội. Cô có một hình xăm nghệ thuật ở cổ, nhuộm tóc và thích mặc váy xòe nữ tính. Sau hai năm làm việc ở thành phố, cô chuyển về quê tự mở lớp dạy tiếng Anh buổi tối để gần bố mẹ. “Ban ngày rảnh nên mọi người khuyên tôi nên đi làm để có mối quan hệ. Vì vậy tôi xin vào một trường cấp hai gần nhà”, Thanh kể.
Nhưng mỗi lần xuất hiện ở trường, cô luôn trở thành tâm điểm chú ý của thầy hiệu phó vì vẻ ngoài. Mặc dù ăn mặc kín đáo, lần nào cô đến trường cũng bị chê váy quá rộng hay quá sặc sỡ. “Có lẽ thầy đã không có thiện cảm với tôi ngay từ đầu vì hình xăm và tóc nhuộm nên mới gay gắt như vậy”, Nga kể.
Không gặp trục trặc trong công việc như Nga, Lê Như Quỳnh ở TP HCM lại rắc rối vì bị bố mẹ kịch liệt phản đối vì xăm hình và cách ăn mặc. Năm 18 tuổi, Quỳnh Như đánh dấu sự trưởng thành bằng một hình xăm bông hoa hướng dương, một em bé đang ngủ, một dấu vô cực có ghi chữ Family, dài hơn một ngón tay.
“Nhìn thấy hình xăm, mẹ tui chửi hoài, hỏi tham gia băng đảng nào sao không chịu xóa, bộ xóa là bị giết hả”, cô gái Gen Z, có ba mẹ là giáo viên ở TP HCM kể.
Đỉnh điểm của sự tức giận, mẹ bắt Quỳnh Như lên xe, đèo tới tiệm xóa xăm. Ai ngờ tiền xóa cao quá, bà phải gọi điện tham khảo ý kiến chồng. “Thôi để nó tự quyết. Sau này xin được việc làm hay không tự nó chịu trách nhiệm”, ba Quỳnh Như nói. Đương nhiên, con gái họ quyết định giữ lại hình xăm.
Vài năm gần đây, cô tập luyện và làm huấn luyện viên thể hình nên tự tin với cơ thể hơn. Quỳnh Như bắt đầu theo đuổi phong cách Sporty-chic như áo crop top, sport bra kết hợp với quần rộng hoặc quần thể thao. Nhìn con gái mặc đồ hở rốn, khoét ngực, mẹ Quỳnh Như cảnh báo “mặc hở vậy người ta nói mình không đàng hoàng”.
Không chỉ gia đình, những người xung quanh cũng nói “mất thiện cảm” khi thấy Quỳnh Như xăm hình. Cô gái thường bị nói thẳng mặt là đồ “học đòi, chơi với giang hồ”. Cũng như bố đẻ, nhiều người cảnh báo cô tự tước đi cơ hội công việc vì vẻ ngoài.
Chuyên gia tâm lý Hồng Hương (Hội bảo vệ quyền lợi trẻ em) cho biết, ngày nay, xã hội đã có cái nhìn cởi mở hơn về phong cách ăn mặc, lối sống của người trẻ nhưng sự khác biệt thế hệ vẫn gây nên bất đồng quan điểm.
“Nhiều bạn trẻ bị định kiến là hư hỏng chỉ vì thể hiện cá tính qua vẻ ngoài”, bà Hương nói.
Một khảo sát của VnExpress với gần 2.000 độc giả cho kết quả gần 50% cho biết không muốn làm việc chung với người có hình xăm trên cơ thể. Tuy nhiên, theo chuyên gia Hồng Hương, vẻ bề ngoài chỉ nói lên cá tính, phong cách, đôi khi là biểu đồ cảm xúc của một người chứ không thể đánh giá nhân cách của người đó.
“Quy chuẩn xã hội thay đổi theo thời gian, các trào lưu như một dòng nước. Không thể lấy quy chuẩn của thế hệ này áp đặt lên thế hệ khác”, bà nói.
Chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An, nghiên cứu sinh ngành Tâm lý học, trường ĐH Sư phạm TP HCM lý giải, “dán nhãn” người trẻ nhuộm tóc, xăm hình hay xỏ khuyên là đua đòi, hư hỏng thực chất là cơ chế “tiết kiệm năng lượng của não bộ” khiến ta thích những thứ đúng theo chuẩn chung và bất ngờ, thậm chí khó chịu khi ai đó làm khác đi.
Suy nghĩ theo kiểu bắc cầu này cũng thường xuyên được củng cố, chứng minh là đúng, khi xem báo, thời sự và dễ dàng bắt gặp hình ảnh thanh niên hư hỏng, tụ tập thành băng đảng có các biểu hiện tương tự.
Ông An cho rằng suy thẳng từ hình thức đến bản chất sẽ tạo định kiến, gây ức chế, bất công. Đặc biệt, trong giai đoạn người trẻ chưa trưởng thành, bị dán nhãn sẽ khiến họ thấy gia đình không còn là nơi an toàn, thấu hiểu, từ đó nới rộng khoảng cách thế hệ. “Sự ức chế có thể trở thành hành vi chống đối ngầm tiềm ẩn nguy hiểm”, ông An cảnh báo.
Trong công việc, theo bà Hồng Hương, khi bị phán xét như Cường hay Thanh, người trẻ sẽ cảm thấy bị tổn thương lòng tự trọng, không thể thích nghi với môi trường mới. “Ngược lại, nếu đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài, bạn sẽ bỏ lỡ cơ hội hiểu hơn về con người họ, mất cơ hội có một người bạn, người đồng nghiệp, người nhân viên tốt”, bà nói.
Tiến sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy, Học viện Hành chính Quốc gia, phân viện TP HCM cho rằng người trẻ đang là nhân tố chính định hình xã hội tương lai, thế hệ trước không nên áp đặt và cũng sẽ không thể áp đặt họ.
Thay vì phán xét, muốn người trẻ làm theo ý mình, người lớn nên chia sẻ về sự tôn trọng và quy tắc ứng xử. “Nên định hình cho người trẻ về ranh giới giữa sự bất cần và quyền tự do cá nhân”, bà nói.
Đồng quan điểm, chuyên gia Hồng Hương khuyên người trẻ thể hiện cá tính là tốt, nhưng phải thích nghi với từng môi trường, phù hợp với hoàn cảnh, đặc thù công việc để phát triển bản thân và góp phần vào tiến bộ xã hội.
Gen Z cũng nên thuyết phục, giải thích với người lớn về phong cách của mình, đồng thời lắng nghe với thái độ tôn trọng, chọn lọc và tiếp thu những lời khuyên có lợi, thay vì phản ứng gây xung đột.
Ban đầu kiên quyết với phong cách bụi bặm, nhưng sau vài lần bị phân biệt đối xử chốn công sở, Đức Cường chọn cách khác. Anh tháo khuyên mũi, khuyên tai khi đi phỏng vấn và trong những ngày đầu đi làm. Khi làm thân được với đồng nghiệp, chứng minh được năng lực, mỗi ngày cậu trở lại là mình thêm một chút.
“Vài tuần sau đi làm tóc tôi lại cháy, thêm vài ngày nữa thì đeo khuyên tai, rồi khuyên mũi. Giờ mọi người ở công ty đã quen với phong cách thật của tôi, chẳng ai khó chịu cả”, Cường nói.
Sau lần nghỉ việc vì bị mắng trước mặt đồng nghiệp, Thanh Nga nhận ra mình không có lỗi, chiếc váy không có tội, chỉ là quan điểm của thầy hiệu phó không phù hợp với người thích tự do và được là chính mình như cô. Cô gái hiện sống và làm việc ở Singapore quyết định chỉ tìm đến nơi phù hợp để trải nghiệm, tự do làm những điều mình thích, mà không khiến người khác khó chịu.
Còn Như Quỳnh vẫn giữ xăm hình và theo đuổi phong cách ăn mặc bị chê là “hư hỏng” nhưng lại tìm được một công việc thu nhập tốt, hiện đại. Ở đó, đồng nghiệp và sếp cô cũng xăm mình, xỏ khuyên và nhuộm tóc.
Phạm Nga
Nguồn tin: https://vnexpress.net/nguoi-tre-bi-dan-nhan-hu-hong-vi-ngoai-hinh-4732288.html