Có không ít phương pháp được con người áp dụng để có thể sống khỏe và sống thọ. Bên cạnh đó cũng tồn tại nhiều câu hỏi thể hiện sự thắc mắc của con người về chủ đề này. Nhiều người tự đặt ra câu hỏi nên nghỉ ngơi đều đặn hay tập thể dục chăm chỉ. Liệu đâu mới là điều giúp chúng ta có cơ thể khỏe khoắn và tăng tuổi thọ.
Diễn đàn Toutiao đã xuất hiện bài đăng giải thích về trường hợp này. Theo thông tin từ BMJ, nhóm nghiên cứu đã chọn ra 36.383 trường hợp cụ thể, chủ yếu là những người đã về hưu để nghiên cứu. Sau khi quan sát, theo dõi, họ phát hiện ra rằng so với những đối tượng không tập thể dục, người dành 6,23 giờ/ngày để hoạt động thể chất nhẹ nhàng (đi bộ, đứng, dọn dẹp…) sẽ giảm 50%-60% nguy cơ tử vong.
Sau đó, họ khám phá mối quan hệ giữa việc ngồi/nằm lâu và nguy cơ tử vong và nhận thấy rằng thời gian ngồi/nằm càng lâu thì nguy cơ tử vong càng tăng. Dữ liệu cho thấy khi một người ngồi tới 10 giờ mỗi ngày, nguy cơ tử vong tăng đến 48% và khi thời gian ngồi vượt quá 12 giờ mỗi ngày, nguy cơ tử vong tăng lên 192%.
Như vậy, nghiên cứu đã chỉ ra rằng người chăm tập thể dục có khả năng sống thọ hơn người lười vận động. Nhiều người cho rằng cả ngày họ đã làm việc mệt mỏi, tối là thời gian nghỉ ngơi nên ngồi/nằm rất nhiều. Tuy nhiên đây là thói quen sai lầm khiến cơ yếu đi, thiếu sức bền, dễ gặp các bệnh liên quan tới đường huyết, dễ tăng cân hơn.
Trong khi đó, chăm vận động vừa tác động tới sức khỏe vừa ảnh hưởng mạnh mẽ đến tinh thần con người. Không chỉ giúp cải thiện sức khỏe, đẩy lùi bệnh tật, khi tích cực vận động, tập thể dục bạn còn cảm thấy sảng khoái, thoải mái và minh mẫn hơn.
Dù vận động là “chìa khóa vàng” để có được sức khỏe dẻo dai, tinh thần minh mẫn, nâng cao tuổi thọ. Thế nhưng nếu vận động sai cách, cơ thể bạn sẽ bị ảnh hưởng xấu. Vì thế, khi vận động cần chú ý khởi động trước khi tập luyện. Nếu thiếu đi bước này, các cơ của bạn đang ở trạng thái căng có thể bị co hoặc giãn quá mức, gây chấn thương.
Đặc biệt, với người lớn tuổi, khi vận động cần chú trọng bước khởi động hơn các đối tượng khác. Người cao tuổi nên thực hiện các bài khởi động trong 5-10 phút trước khi tập, chẳng hạn như nâng cao chân, gập và duỗi đầu gối… Trong quá trình khởi động, xương và cơ bắp của người cao tuổi sẽ dần được “đánh thức”, độ dẻo dai cũng được cải thiện rõ rệt , lúc này vận động nhẹ nhàng 1 chút sẽ giảm thiểu đáng kể nguy cơ chấn thương.
Người có tuổi cũng cần chú ý tới môn thể thao mà họ tập luyện. Lúc này cơ thể đã dần lão hóa, các chức năng suy yếu nên không phù hợp với những bài tập cường độ cao. Khi đó, 1 số bài tập có cường độ thấp sẽ là lựa chọn phù hợp. Người cao tuổi có thể đi bộ hàng ngày, tập yoga, chơi cầu lông… để đảm bảo duy trì sức khỏe mà không quá sức.
Khi áp dụng các phương pháp này chúng ta cũng cần lưu ý không thực hiện quá sức, vận động đúng cách để tránh chấn thương. Bên cạnh đó, sau khi tập luyện cần bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể và nghỉ ngơi đầy đủ, đúng giờ để cơ thể không bị mệt mỏi.
Đối với mỗi người dù ở trong độ tuổi nào thì việc vận động cũng vô cùng quan trọng. Đây là 1 trong những cách hữu hiệu để duy trì sức khỏe ổn định, kéo dài tuổi thọ và khiến cơ thể lúc nào cũng tràn đầy sức sống, năng lượng tích cực.
Theo Toutiao