Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy các chất gây dị ứng nhạy cảm thường xuyên là do gián, phấn cỏ, nấm mốc, vật nuôi, động vật gặm nhấm và đặc biệt là mạt nhà ở bệnh nhân hen suyễn dị ứng.
Ba loại mạt bụi nhà phổ biến ở cả 3 miền nước ta là Dermatophagoides pteronyssinus, Dermatophagoides farinae và Blomia tropicalis.
Một người có thể mẫn cảm, dị ứng với 1, 2 và hoặc cả 3 loại trên, thường nhất là D.pteronyssinus và D. farinae.
Mạt bụi nhà có kích thước khoảng 0,3-0,4 mm, do đó, mắt thường khó nhìn thấy được. Lượng mạt bụi nhà có trong bụi có thể từ 10 đến cả nghìn microgram/gram bụi. Số lượng mạt bụi nhà nhiều hay ít sẽ tùy thuộc vào từng khu vực, cũng như giữa những căn phòng trong cùng một căn nhà, vùng nông thôn ít hơn thành phố.
Mạt bụi nhà dùng hơi ẩm trong môi trường làm nguồn nước, biểu bì của người và thú nuôi làm thức ăn và có thể cộng sinh với các loại nấm mốc.
Do đó, mạt nhà thường sống ở những nơi có con người hoặc vật nuôi thường lui tới. Khi chúng ta nằm trên giường, gối, ngồi trên sofa, hơi ẩm từ cơ thể sẽ là nguồn nước và biểu bì da bong ra từ cơ thể sẽ là nguồn thức ăn cho mạt bụi nhà.
Bên cạnh đó, giấy, gỗ cũng có thể là nguồn thức ăn cho mạt nhà. Chúng cũng thường có ở những nơi có nhiều sách báo cũ, gỗ mục, những nơi ẩm thấp khác.
Mạt bụi nhà gây ra các phiền toái như viêm mũi dị ứng, hen suyễn, viêm da cơ địa khó kiểm soát và thậm chí có thể là sốc phản vệ trong một số ít trường hợp.
Triệu chứng dị ứng mạt bụi
Theo thông tin từ Bệnh viện Vinmec, dị ứng mạt bụi là phản ứng dị ứng với những côn trùng tí hon này. Các triệu chứng thường thấy là hắt xì và sổ mũi. Nhiều người bị dị ứng với mạt bụi cũng có các triệu chứng gần với hen suyễn như khò khè và khó thở.
Cụ thể, các triệu chứng của dị ứng mạt bụi gây viêm mũi bao gồm:
– Hắt hơi
– Chảy nước mũi
– Mắt bị ngứa, đỏ hoặc chảy nước mắt
– Nghẹt mũi
– Ngứa mũi, ngứa vòm miệng hoặc ngứa họng
– Chảy dịch mũi sau
– Ho
– Nặng và đau mặt
– Đối với trẻ nhỏ, trẻ hay đưa tay cọ mũi
Nếu dị ứng mạt bụi gây hen suyễn, các triệu chứng thường gặp bao gồm:
– Khó thở
– Tức ngực hoặc đau ngực
– Âm rít hoặc khò khè lúc thở ra khi nghe phổi.
– Khó ngủ do khó thở, ho hoặc khò khè
– Những cơn ho hoặc khò khè nặng hơn do nhiễm vi rút đường hô hấp như cảm lạnh hoặc cúm
Dị ứng mạt bụi có thể từ mức độ nhẹ đến nặng. Dị ứng mạt bụi nhẹ thỉnh thoảng gây chảy mũi, chảy nước mắt và hắt hơi. Nhưng với những trường hợp nặng, người bệnh có triệu chứng kéo dài (mãn tính), gây hắt hơi, ho, nghẹt mũi, nặng mặt liên tục hay đợt hen cấp nặng.
Nguyên nhân
Dị ứng là tình trạng hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng lại các yếu tố ngoại lai như phấn hoa, lông vật nuôi hay mạt bụi. Hệ thống miễn dịch tạo ra các protein được gọi là kháng thể, bảo vệ chúng ta khỏi những kẻ xâm lược không mong muốn có thể khiến chúng ta bị bệnh hoặc gây nhiễm trùng. Khi bạn bị dị ứng, hệ miễn dịch sản xuất các kháng thể nhận định dị nguyên này như một vật gây hại, dù chúng vô hại. Khi có tiếp xúc với dị nguyên, hệ miễn dịch tạo ra phản ứng viêm trong đường mũi hoặc phổi. Phơi nhiễm kéo dài hoặc thường xuyên với dị nguyên có thể gây viêm mãn tính, dẫn đến hen suyễn.
Mạt bụi ăn các chất hữu cơ như tế bào da chết, và thay vì uống nước, sinh vật này hấp thu nước từ độ ẩm trong không khí. Bạn có biết rằng bụi trong nhà chúng ta cũng chứa chất thải và xác mạt bụi, chính các protein này là thủ phạm của dị ứng mạt bụi.
Cách phòng tránh mạt nhà
Trả lời trên Tuổi Trẻ, TS Trịnh Hoàng Kim Tú, Đại học Y dược TP.HCM, cho biết với những người đã biết chắc chắn mình bị dị ứng với mạt nhà và có những triệu chứng liên quan nên phòng tránh bằng cách giảm nồng độ mạt bụi nhà hoặc giảm tiếp xúc với mạt nhà bằng cách giặt đồ bằng nước ấm (≥ 55 độ C), phơi nắng có thể diệt gần như toàn bộ lượng mạt nhà, nhiệt độ thấp (-15 độ C) ít nhất 48 giờ có thể diệt mạt nhà và trứng mạt.
Đối với đồ chơi của trẻ, nên lau rửa bằng nước ấm thường xuyên, hoặc bỏ đồ chơi vào trong ngăn đông ít nhất 2 ngày, và sau đó rửa sạch trước khi cho trẻ chơi lại.
Ngoài ra, cần duy trì độ ẩm 45-50% để kiểm soát sự phát triển của mạt nhà, sử dụng các dụng cụ lọc không khí phù hợp cho thấy giảm triệu chứng hô hấp ở bệnh nhân dị ứng.
Hút bụi bằng máy phù hợp 1 lần/tuần, có thể đeo khẩu trang đối với người bị dị ứng và đi ra khỏi phòng trong vòng 20 phút sau hút bụi, nếu nhà có trẻ bị dị ứng thì hút bụi 1 tuần/lần khi không có trẻ trong phòng.
Chọn loại vỏ bọc gối có thể giặt bằng nước ấm, phơi nắng, nếu có điều kiện có thể sử dụng các loại vải bọc giường chuyên dụng chống lại mạt nhà.
Tuy nhiên, dị ứng mạt nhà không phải lúc nào cũng liên quan đến triệu chứng bệnh, do đó cần được bác sĩ khám để xác định rõ có bị dị ứng với mạt nhà hay không để áp dụng biện pháp phòng tránh.
Theo BV Vinmec