Bỏ bữa sáng
Bữa sáng không chỉ khởi động ngày mới mà còn ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe của bạn. Tuy nhiên, do khoảng thời gian buổi sáng khá eo hẹp nên nhiều người thường bỏ qua hoặc gộp bữa sáng và bữa trưa thành một cho tiết kiệm.
Thực tế, việc làm này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ thể chất và tinh thần. Các nghiên cứu chứng minh rằng khi chúng ta ngủ, cơ thể và tâm trí vẫn hoạt động bình thường. Do đó, sau một giấc ngủ dài từ 6-8 giờ, cơ thể có xu hướng mất nước và cần cung cấp dinh dưỡng. Bữa sáng với các món bổ dưỡng giúp cơ thể kịp thời bổ sung năng lượng và khởi đầu ngày mới năng động hơn. Bỏ bữa sáng không chỉ khiến cơ thể thiếu hụt dinh dưỡng, ảnh hưởng ngay lập tức mà còn gây ra các bệnh nặng và lâu dài.
Nghiên cứu đăng tải trên Tạp chí của Học viện Dinh dưỡng và Ăn kiêng, các chuyên gia cho rằng bỏ bữa sáng làm tăng khả năng mắc bệnh tim mạch. Khi không nhận được dưỡng chất để duy trì hoạt động sau một đêm, cơ thể có thể điều chỉnh bằng cách làm chậm tốc độ trao đổi chất, từ đó dễ tăng cân. Tăng cân và tích tụ mỡ, nhất là ở vùng bụng, làm tăng nguy cơ gây ra hội chứng chuyển hóa liên quan đến huyết áp, cholesterol, tiểu đường.
Do không có nguồn năng lượng bổ sung cho cơ thể vào lúc sáng sớm nên cơ thể buộc phải lấy năng lượng dự trữ từ gan, khiến gan luôn ở trong tình trạng quá sức. Nếu bạn nhịn ăn sáng thì đến khoảng 9 – 10 giờ trưa, cơ thể sẽ xuất hiện sự cồn cào và nôn nao, huyết áp hạ thấp, gây tổn hại nghiêm trọng đến hệ tiêu hóa. Nếu bỏ bữa sáng liên tục sẽ khiến khả năng miễn dịch và sức đề kháng của cơ thể suy giảm trầm trọng.
Với tất cả những tác hại kể trên, bạn đang vô tình tự rút ngắn tuổi thọ của chính mình mà không hề hay biết.
Dậy quá sớm
Ai cũng biết rằng, thói quen đi ngủ sớm rồi thức dậy sớm có thể đảm bảo cho bạn có một sức khỏe tốt trong dài hạn, nhưng nếu bạn thức dậy vào buổi sáng với phương pháp không đúng, nó sẽ làm cho bạn gặp nguy hiểm nhiều hơn là việc thức khuya.
Nếu bạn đi ngủ vào 12h đêm nhưng choàng tỉnh rồi thức dậy lúc 4h sáng, mặc dù đây là một kiểu dậy sớm, nhưng nếu duy trì thói quen này lâu dài, nó sẽ gây ra những tác hại. Khi bạn không ngủ đủ, nồng độ cortisol – một loại hormone liên quan đến căng thẳng trong cơ thể gặp biến động. Cortisol khiến con người phản ứng mạnh hơn trước những kích thích bên ngoài, khiến họ dễ cáu kỉnh và mệt mỏi. Những người thiếu ngủ, giấc ngủ gián đoạn có thể dẫn đến tinh thần trì trệ, mệt mỏi sau khi thức dậy, suy giảm nhận thức, trầm cảm và nặng hơn là mất phương hướng hoặc lú lẫn…
Cùng với đó, sau một thời gian dài ngủ không đủ giấc có thể còn có thể khiến chức năng miễn dịch của cơ thể mất cân bằng, tăng nguy cơ mắc các bệnh khác nhau về đường tiêu hóa, béo phì, bệnh tim mạch và mạch máu não, bệnh Alzheimer…
Dậy quá sớm cũng có thể khiến bạn bị đau nhức cơ bắp, tay chân mềm nhũn thiếu sinh khí, dẫn tới cảm giác bị kiệt sức.
Vậy nên thay vì duy trì một thói quen thiếu khoa học như trên, bạn cần đi ngủ đủ 7-9 tiếng mỗi đêm. Chúng ta nên duy trì thói quen đi ngủ và thức dậy vào một khung giờ cố định. Nếu ngày nào bạn cũng ngủ lúc 10 giờ và thức dậy lúc 6h, não bộ sẽ bắt đầu thiết lập đồng hồ sinh học để làm quen với việc này.
Ngủ đủ giấc mỗi ngày giúp bản quản lý cân nặng của mình tốt hơn, những người ngủ ít thường có khả năng bị béo phì. Ngoài ra, việc ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày giúp bạn bảo vệ và tăng cường trí nhớ, tư duy sáng tạo
Đặc biệt, chất lượng của giấc ngủ có liên quan đến tuổi thọ của con người. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Sleep cho thấy những người ngủ 5 giờ mỗi đêm tăng 12% nguy cơ tử vong sớm. Người ngủ trong 8 đến 9 giờ có nguy cơ thấp hơn nhiều.
Nhịn đi tiểu
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, nhịn tiểu trong khoảng thời gian nào cũng không tốt cho sức khỏe, nhưng không đi vệ sinh vào buổi sáng là có hại hơn cả. Theo y học hiện đại, khi nước tiểu không được thải ra kịp thời sẽ làm giảm khả năng trao đổi chất của cơ thể. Sự tích tụ các chất có hại trong gan trong một thời gian dài thực sự sẽ làm hỏng chức năng trao đổi chất bình thường của gan.
Do nước tiểu tụ trong một thời gian dài sẽ không chỉ giải phóng amoniac, làm cho chúng có mùi đặc hơn mà còn trở thành nơi sinh sản của vi khuẩn, một lần nữa chảy ngược lại niệu quản và xâm nhập vào thận, gây nhiễm trùng, viêm thận.
Do đó, giữ nước tiểu trong một thời gian dài sẽ có tác động nhất định đến cơ thể. Bạn không nên nhịn tiểu vào buổi sáng để tránh các bệnh nguy hiểm về gan và thận.
Nguồn tin: https://cafef.vn/nguoi-tuoi-tho-ngan-thuong-lam-3-viec-nay-vao-buoi-sang-neu-ban-khong-co-thi-xin-chuc-mung-188240609203437348.chn