Khi con đạt được thành tích cao trong học tập, bố mẹ nào cũng vui mừng, hạnh phúc cả. Có người trao thưởng cho con rồi động viên con tiếp tục phát huy việc học. Nhưng cũng có người vì quá vui mà đi khoe khoang khắp nơi, từ mạng xã hội đến ngoài đời. Sự khoe khoang quá mức nhiều khi gây ra những câu chuyện, tình huống oái oăm.
Một phụ nữ ở Trung Quốc đã rơi vào tình cảnh này. Sau khi con thi đại học được số điểm cao, chỉ vì khoe khoang mà chị đã vô tình khiến người khác khó chịu và khiến chính mình rơi vào cảnh bẽ bàng.
Người phụ nữ chia sẻ lại câu chuyện của mình như sau:
Tôi tên là Lưu Hiểu Lan, 42 tuổi, là một bà nội trợ bình thường. Con trai tôi năm nay 18 tuổi, vừa thi đại học vào tháng 6 năm nay. Thằng bé từ nhỏ đã thông minh, điểm số lúc nào cũng tốt. Tôi và chồng rất tự hào về cháu. Chúng tôi cũng mong cháu được nhận vào một trường đại học tốt và thực hiện được ước mơ của mình.
Kỳ thi tuyển sinh đại học năm nay là một bất ngờ ngoài dự kiến đối với chúng tôi. Con trai tôi luôn hồi hộp và lo lắng trước kỳ thi, lo lắng nó sẽ không thể làm bài như ý. Chúng tôi cũng cố gắng hết sức an ủi, để con thấy thư giãn và là chính mình.
Thật bất ngờ, con tôi đã thể hiện xuất sắc trong phòng thi, và đạt 621 điểm. Trước đó trong các kỳ thi thử, con chưa bao giờ đạt quá 600 điểm. Khi biết điểm của con, hai vợ chồng tôi vui đến chảy nước mắt. Trong khoảnh khắc đó, tôi cảm thấy tất cả những nỗ lực của mình đều đáng giá.
Nhưng tôi đã nhầm, lẽ ra tôi nên giữ niềm vui và sự xúc động này trong lòng, thầm chúc con nhập học suôn sẻ thì hơn. Nhưng vì sĩ diện, tôi đã khoe kết quả thi đại học của con khắp nơi. Tôi nghĩ đây là điều vinh quang nhất trong đời tôi, và cũng là vốn liếng thuyết phục nhất của tôi đối với người khác. Tôi không quan tâm đến cảm xúc và phản ứng của người khác, chỉ muốn họ ghen tị và ngưỡng mộ tôi.
Ban đầu, tôi đăng một bức ảnh của con trai và điểm số của nó trên ứng dụng WeChat, kèm theo một câu khoe khoang: “Cảm ơn ông trời đã cho tôi một đứa con trai xuất sắc như vậy. Cảm ơn các giáo viên đã vất vả, và cảm ơn con trai vì đã cô gắng học tập. 621 điểm, con là niềm tự hào của gia đình chúng ta!”.
Dù là người thân, bạn bè, đồng nghiệp hay hàng xóm, hễ có dịp là tôi lại vô tình nhắc đến việc con trai tôi học giỏi, thông minh và có triển vọng như thế nào. Tôi khoe con có thể đến Bắc Kinh hoặc Thương Hải để học đại học.
Tôi nghĩ bằng cách này có thể khiến người khác ghen tị, ngưỡng mộ và khen ngợi hai mẹ con tôi, đồng thời nó cũng thỏa mãn lòng tự cao tự đại của tôi. Tôi nghĩ đó là điều bình thường và là một người mẹ, tôi chỉ muốn mọi người biết con trai tôi tuyệt vời như thế nào.
Nhưng tôi không ngờ, việc làm đó đã khơi dậy sự oán giận của mọi người.
Có lẽ tôi đã không quan tâm đến cảm xúc của người khác. Xung quanh tôi, nhiều người cũng có con thi đại học nhưng điểm số không được như ý. Một số thậm chí không đủ điểm để vào đại học. Họ đã rất lạc lõng, buồn bã và hẳn đã rất khó chịu khi nghe tôi khoe khoang về việc con trai tôi giỏi như thế nào.
Họ cảm thấy rằng tôi đang cố tình thể hiện, kích thích họ, thể hiện cảm giác vượt trội của tôi và coi thường họ.
Cuối cùng, tại một bữa tiệc với họ hàng, tôi đã nhận ra sai lầm của mình. Hôm đó là sinh nhật của em gái tôi và em ấy đã mời gia đình chúng tôi cùng một số họ hàng khác đến nhà ăn tối. Vốn dĩ tôi muốn nhân cơ hội này khoe kết quả thi đại học của con trai một lần nữa và khiến tất cả phải ghen tị. Nhưng điều tôi không ngờ là thái độ của họ đối với tôi và con trai rất lạnh lùng, chiếu lệ. Thay vì dành cho chúng tôi những lời chúc mừng, khen ngợi, họ lại nói những lời mỉa mai, chế giễu.
Chẳng hạn, một người họ hàng nói: “Ồ, con trai của chị rất tốt. Người bình thường làm sao có thể so sánh được? Sau này đừng coi thường chúng tôi nhé”; “Con thông minh như thế thì sau này nhớ phải hiếu thảo, đừng quên công ơn sinh thành của cha mẹ nhé. Đừng giống nhiều người, vừa vào đại học đã quên hết cha mẹ, gia đình”;….
Sau khi nghe những lời này, tôi cảm thấy rất khó chịu và xấu hổ. Cảm giác như bị dội một chậu nước lạnh vào người, toàn thân lạnh cóng. Tôi chỉ ước có một cái lỗ dưới đất để chui xuống. Dường như mọi người đang cô lập và tẩy chay tôi.
Tôi hiểu vì sao mọi người lại làm thế, bởi vì đã khoe khoang, coi thường và không quan tâm đến cảm xúc của họ. Cuối cùng tôi đã nhận ra sai lầm của bản thân cũng như chân lý: Khi tự hào không khoe khoang, khi thất vọng không nói vòng vo.
Khi về đến nhà, tôi nói với con rằng: “Mẹ đã sai, mẹ đã làm con xấu hổ. Thành tích của con là do chính sự nỗ lực của con, không phải công lao của mẹ, chứ đừng nói là thứ vốn liếng để mẹ đem ra khoe khoang.
Mẹ không nên khoe khoang và so sánh thành tích của con. Mẹ nên tôn trọng sự lựa chọn và mong muốn của con, hỗ trợ con tiếp tục học tập chăm chỉ. Mẹ mong con sau này đừng như mẹ, có thành tích nhỏ là chạy đi khoe với người khác”.
Nói xong những lời này, trong lòng tôi chợt cảm thấy nhẹ nhõm. Cuộc đời luôn có những lúc thăng trầm, chúng ta nên có một tâm hồn thanh thản, đừng vì thành công nhất thời mà tự cao tự đại, và cũng đừng vì thất bại nhất thời mà nản lòng. Khiêm tốn làm cho con người tiến bộ, còn kiêu ngạo làm cho con người trì trệ.
Chúng ta nên học cách khiêm tốn để được người khác tôn trọng và yêu mến! Đó là những gì tôi đã học được.