Không phải tất cả những người hạnh phúc và đạt được thành công trong công việc đều tự tin, có khả năng tổ chức hoặc giải quyết vấn đề xuất sắc. Thay vào đó, có một kỹ năng khác mang lại cho họ lợi thế cạnh tranh tại nơi làm việc, đó là năng lực tự nhận thức, hay nói đúng hơn là: Nhìn nhận lại bản thân.
Juliette Han, nhà thần kinh học được đào tạo tại Harvard đồng thời cũng là giảng viên tại Trường Kinh doanh Columbia, cho biết nhiều người thường lầm tưởng khả năng tự nhận thức là “hiểu được cảm xúc và khuyết điểm của bản thân”.
Trên thực tế, tự nhận thức là quá trình chúng ta nhận thấy được những điểm mạnh của mình, đồng thời biết cách sử dụng điều đó để phục vụ cho mục tiêu mà ta luôn hướng đến.
Tuy nhiên, dù được những người thành công sử dụng để thăng tiến trong sự nghiệp, kỹ năng này vẫn bị nhiều người đánh giá rất thấp. Dưới đây là 3 mẹo để xác định điểm mạnh và trau dồi khả năng tự nhận thức của bạn:
1. Khám phá kỹ năng và sở thích của bản thân
Bạn giỏi trong lĩnh vực nào? Bạn thích làm gì? Đây là hai trong số những câu hỏi quan trọng nhất mà bạn nên tự đặt ra tại nơi làm việc, cho dù đó là khi bạn đang tìm kiếm một công việc mới hoặc cảm thấy kiệt sức với công việc hiện tại.
Chẳng hạn, hãy tự đặt ra những câu hỏi như: “Bạn thích đứng đầu nhóm hay làm những việc được giao?”, “Mình giỏi nhất ở điểm nào trong công việc”… đồng thời lục lại ký ức xem bản thân đã được khen hay đạt được thành tựu nào để tự hào.
Theo Han, đáp án cho những câu hỏi này sẽ giúp bạn xác định được đâu là điều bạn yêu thích và có thể làm đi làm lại mà không chán.
Khi đã hiểu rõ về điểm mạnh của mình và công việc yêu thích, bạn có thể phát triển các kế hoạch cải thiện kỹ năng, hoặc tập trung vào các dự án và nhiệm vụ khiến bạn hứng thú.
2. Tiếp thu góp ý từ quản lý và đồng nghiệp
Vào lần tới, khi bạn gặp sếp hoặc có dịp đi uống cà phê với đồng nghiệp, hãy hỏi họ điều này: “Bạn có thể kể lại cụ thể về một lần mà tôi đã giúp ích cho công việc của bạn được không?”.
Dù câu trả lời là gì, họ cũng đã giúp bạn thu thập được thông tin gì đó về bản thân, tác động của bạn đối với những người làm việc cùng và cách mà mọi người nhìn nhận về bạn, Han giải thích.
Chưa hết, những cuộc trò chuyện tương tự cũng có thể giúp bạn xác định kỹ năng cần cải thiện. Ví dụ, nếu đồng nghiệp đề cập đến khả năng làm nhiều việc cùng một lúc của bạn, nhưng đó lại không phải là kỹ năng bạn dùng thường xuyên, hãy cân nhắc để thực hành kỹ năng đó nhiều hơn.
Bản thân tác giả nghiên cứu, Han, cũng đã từng hỏi những người bạn thân rằng mọi người nghĩ về mình như thế nào, và câu trả lời mà cô nhận được nhiều nhất là “hài hước”. Khi đó, Han nhận ra rằng khả năng tạo trò vui không chỉ giúp cô trở thành một người bạn tốt, mà còn là người quản lý thân thiện, dễ đồng cảm với cấp dưới của mình hơn.
“Đôi khi, bạn không nhận ra điểm mạnh của mình là gì cho đến khi biết được bản thân trong con mắt của người khác như thế nào”, Han cho hay.
3. Đặt mục tiêu và theo dõi quá trình thực hiện
Khi đã nắm được kỹ năng muốn cải thiện hoặc áp dụng vào công việc, bạn nên đặt mục tiêu và theo dõi tiến trình của mình, điều này sẽ mang lại động lực và thúc đẩy bạn làm việc hiệu quả hơn.
Tất nhiên, phải mất một khoảng thời gian rèn luyện dài mới mang lại hiệu quả rõ rệt, nhưng kỹ năng tự nhận thức này chắc chắn sẽ mang lại một kết quả xứng đáng cho công việc của bạn.
Nhìn chung, một người có thể sở hữu nhiều kỹ năng và sức thu hút khác nhau, nhưng nếu bạn hoàn toàn không hiểu rõ về bản thân mình, về cách bạn gặp gỡ và tương tác với thế giới thì việc xây dựng một môi trường làm việc tốt đẹp sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều.