Theo thống kê của Globocan, trong năm 2020 Việt Nam ghi nhận hơn 3.200 ca mắc mới ung thư thực quản và hơn 3.000 ca tử vong do căn bệnh này. Bệnh có tỷ lệ xảy ra ở nam giới cao gấp nhiều lần nữ giới.
Ung thư thực quản là khối u ác tính xuất phát từ các tế bào biểu mô của thực quản. Ung thư thực quản được chỉ ra có mối liên hệ với chế độ ăn, uống.
Bác sĩ CKI Đinh Trần Ngọc Mai, Khoa Dinh dưỡng – Tiết chế, Bệnh viện Đại Học Y Dược TP.HCM cho biết, việc sử dụng đồ uống quá nóng có thể gây hại cho thực quản, thậm chí gây ung thư thực quản. Nguyên nhân là do các tế bào niêm mạc thực quản bị tổn thương khi tiếp xúc với thực phẩm nhiệt độ cao từ 65 độ C trở lên.
Thói quen ăn đồ quá nóng trở thành quá trình lặp đi lặp lại thường xuyên, dẫn đến tổn thương sẹo, tăng sinh bất thường của tế bào niêm mạc thực quản. Đây chính là yếu tố khởi đầu gây ung thư.
Ung thư thực quản (Ảnh minh hoạ)
Bác sĩ Mai phân tích, ung thư thực quản có nhiều yếu tố nguy cơ:
– Thói quen sử dụng bia rượu, hút thuốc lá;
– Một chế độ ăn uống sử dụng nhiều thực phẩm chứa nitrosamin như: dưa muối, cà muối;
– Ăn đồ ăn có các loại nấm chứa độc tố aflatoxin;
– Đồ uống và thực phẩm chế biến ở nhiệt độ cao;
– Thói quen ăn trầu, cau;
– Chế độ ăn ít chất xơ.
Bên cạnh đó, có các yếu tố khác được cho là tăng nguy cơ mắc ung thư thực quản như: béo phì, nhiễm Human Papilloma Virus (HPV), bệnh trào ngược dạ dày – thực quản hay tiền căn cắt dạ dày, viêm teo dạ dày, ung thư vùng miệng và cả yếu tố di truyền.
Theo các chuyên gia ung bướu, ung thư thực quản còn có liên quan tới tuổi tác, thường gặp ở những bệnh nhân lớn tuổi, phần lớn các bệnh nhân mắc bệnh ở tuổi 50, 60. Người có bệnh lý loét thực quản kéo dài cũng tăng nguy cơ bị ung thư thực quản.
Bác sĩ Mai cho hay: “Chế độ ăn nhiều rau củ, trái cây giúp cung cấp nhiều vitamin, chất xơ; hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn, các đồ chiên, nướng ở nhiệt độ cao, bia rượu và cai thuốc lá giúp giảm thiểu nguy cơ mắc ung thư thực quản”.
Để phòng tránh căn bệnh ung thư thực quản, bác sĩ Mai khuyên mọi người cần có kế hoạch tầm soát, khám sức khoẻ định kỳ để phát hiện sớm bệnh; cần phải điều trị các bệnh lý liên quan như trào ngược dạ dày – thực quản, viêm teo dạ dày, phòng ngừa nhiễm HPV; duy trì chế độ ăn uống và tập luyện hợp lý tránh béo phì cũng không kém phần quan trọng giúp phòng ngừa ung thư thực quản.
Dấu hiệu nhận biết bệnh ung thư thực quản
– Nuốt nghẹn là triệu chứng dễ cảm nhận và gặp ở đa số bệnh nhân ung thư thực quản.
– Thường xuyên có hiện tượng chảy nước bọt kèm theo hơi thở có mùi hôi khó chịu, ợ hơi, sặc khi ăn uống.
– Sụt giảm cân rõ rệt, xảy ra tình trạng mất nước và dần dần suy kiệt do không ăn và nuốt được.
– Thường xuyên bị đau lưng, phía sau xương ức hoặc hai xương bả vai.
– Có thể cảm thấy rát họng, ho kéo dài, thậm chí ho ra máu.
– Thường xuyên cảm thấy nôn, buồn nôn.
– Các biểu hiện khác có thể bắt gặp khi khối u phát triển như tức nặng, cảm giác vướng vùng họng, khó thở, khạc đờm, khàn giọng,…
Khi có các triệu chứng trên, người bệnh nên đi khám sớm để loại trừ nguy cơ mắc ung thư thực quản. Ung thư thực quản nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm và điều trị tiên lượng sẽ tốt.