Năm 2022, sau kỳ thi đại học ở Trung Quốc có một “học bá” nổi tiếng trên truyền thông với biệt danh rất đặc biệt là Lưu Thanh Hoa, đặt theo tên ngôi trường số 1 ở nước này là Đại học Thanh Hoa. Cậu tên thật là Lưu Chấn Ngạo, xuất thân từ một gia đình nông dân ở tỉnh Giang Tô.
Trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm nay, cậu đã được Đại học Thanh Hoa nhận với tổng số điểm là 685 điểm.
Giải thích về biệt danh này, Lưu Chấn Ngạo cho biết các bạn học gọi đùa cậu như vậy là vì chị gái của cậu học Đại học Thanh Hoa, bản thân Chấn Ngạo cũng học rất giỏi và đặt mục tiêu vào được ngôi trường này từ lâu. Cậu nói đùa: “Mọi người đều gọi tôi là Lưu Thanh Hoa, thi mà không đậu thì thật xấu hổ”.
Việc một gia đình ở vùng quê nông thôn thiếu thốn có tới 2 đứa con đỗ vào Thanh Hoa đã khiến mọi người quan tâm. Nhưng cha mẹ của Lưu Chấn Ngạo thậm chí còn nuôi dạy ba người con thành tài. Trước đó, vào năm 2013, chị cả của cậu đã được nhận vào Đại học Khoa học và Công nghệ Thông tin Nam Kinh, một trường danh tiếng cũng thuộc top đầu ở Trung Quốc.
Khi truyền thông tìm gặp cha mẹ của Lưu Chấn Ngạo và hỏi về kinh nghiệm nuôi dạy con cái của họ, họ cho biết hai người đều chỉ học hết cấp 1, người chồng quanh năm đi làm thuê, một mình người vợ tần tảo nuôi và chăm ba chị em ăn học. Bà chỉ khuyến khích các con học tập và dặn luôn phải sống thật thà.
Có lẽ với nhiều người, câu trả lời này là chưa đủ, vì nó quá đơn giản. Nhưng khi người ta xem video phỏng vấn gia đình nhà họ Lưu sẽ nhận ra nhiều điều không được nói thành lời.
Bất cứ khi nào Lưu Chấn Ngạo ở cùng khung hình với mẹ, cậu luôn đang giúp đỡ mẹ việc nhà gì đó. Cậu chia sẻ luôn biết bố mẹ vất vả. Mỗi khi mẹ hỏi có cần mua gì không, cậu đều kiên quyết từ chối.
“Tôi không có những gì người khác có, vì vậy tôi chỉ có thể cúi đầu và học hỏi” , Chấn Ngạo chia sẻ.
Dù xuất thân nghèo khó nhưng ở Lưu Chấn Ngạo có những thứ mà không tiền nào mua được: hoài bão của một thiếu niên và tấm lòng biết ơn luôn thấu hiểu những khó khăn của cha mẹ.
Bí quyết của nỗ lực chính là xuất phát điểm thấp
Năm 2017, có một nhân tài Thanh Hoa khác cũng được nhận vào trường với số điểm kỷ lục 744 là Bàng Chúng Vọng. Vào thời điểm đó, hiệu trưởng của Thanh Hoa đã không ngần ngại đích thân đến đón thí sinh mời về trường. Tuy nhiên, khi ông vừa đẩy cửa nhà Bàng Chúng Vọng ra, cảnh tượng trước mắt khiến ông sững sờ. Căn nhà dột nát thậm chí không có lấy một món đồ đạc tươm tất, tường dán giấy ố vàng.
Nam sinh xuất chúng này không chỉ xuất thân từ một gia đình nghèo khó, mà còn có cha bị bệnh tâm thần và mẹ bị liệt. Gia đình cậu sống bằng tiền gom phế liệu của ông bà nội đã già. Tuy nhiên, mỗi khi nói về gia đình mình, Bàng Chúng Vọng không hề cảm thấy xấu hổ mà trên khuôn mặt cậu tràn đầy hạnh phúc: “Tôi không nghĩ rằng có bất cứ điều gì trong gia đình mà tôi muốn thay đổi. Mẹ tôi rất tốt, ông bà nội tôi rất tốt, và tất cả những người thân của tôi đều rất tốt. Tôi không nghĩ mình thiệt thòi. Ngược lại, tôi nghĩ những người khác nên ghen tị với tôi”.
Khi Bàng Chúng Vọng 6 tuổi, cậu được chẩn đoán mắc bệnh tim bẩm sinh và cần được phẫu thuật ngay lập tức. Nhưng phí phẫu thuật 40.000 nhân dân tệ tương đương với cả gia tài đối với gia đình nghèo khó này. Vào thời điểm đó, nhiều người đã thuyết phục cha mẹ của cậu từ bỏ nhưng người mẹ nhất quyết ngồi trên xe lăn và dẫn con trai đi vay mượn từng nhà, cố gắng kiếm đủ tiền cho ca phẫu thuật. Sau đó, để trả nợ, cả gia đình đã cùng nhau làm việc quần quật ngày đêm.
Tất cả những điều này đã được cậu bé Bàng Chúng Vọng nhìn thấy và ghi nhớ. Và cậu đã cố gắng hết sức để báo đáp cha mẹ mình.
Cha mẹ của Bàng Chúng Vọng hay Lưu Chấn Ngạo chỉ là những bậc cha mẹ bình thường nhất ở Trung Quốc. Họ không được học hành, sức khỏe không tốt, không đủ tiền cho con đi học thêm, không thể hướng dẫn con tỉ mỉ cho việc lập kế hoạch cho cuộc đời. Nhưng họ lại dùng tình yêu chân thành nhất để hỗ trợ con tiến lên phía trước, nuôi dưỡng nên những đứa trẻ biết ơn và có hoài bão. Cuối cùng, những đứa trẻ được nuôi dạy trong tình yêu đã phá vỡ xiềng xích của số phận.
Trên thực tế còn có rất nhiều câu chuyện tương tự như thế này. Cha mẹ của những đứa trẻ nhà nghèo vượt khó đã dùng chính hoàn cảnh dưới trung bình của mình làm “cách giáo dục” tốt nhất. Họ dùng tình yêu thương sâu sắc nhất che mưa che nắng cho con, đồng thời dạy con cách biết ơn từ khi còn nhỏ. Vì muốn che chở cho những người mình yêu thương trong tương lai, sự nỗ lực của những đứa trẻ sẽ trở nên phi thường.
“Cho” con quá nhiều chưa chắc là điều tốt
Rất nhiều gia đình hiện nay không dạy được con một điều căn bản, đó là nuôi dưỡng lòng biết ơn.
Một cư dân mạng từng đăng câu chuyện của gia đình lên mạng nhờ xin tư vấn như sau: Em trai cô năm nay thi đại học. Trước kỳ thi, cô động viên em trai luôn học kém của mình rằng miễn là em đỗ thì cô sẽ thưởng cho em một chiếc điện thoại di động và một chiếc máy tính xách tay.
Cuối cùng, em cô chỉ đạt 301 điểm, dù vừa đủ điểm đỗ nhưng chỉ có thể vào những ngôi trường làng nhàng. Không ngờ, khi cả nhà đang đau đầu giúp người em nghiên cứu nên vào trường nào thì người em đang hào hứng ngồi chọn mua điện thoại và laptop mới. Cậu đòi mua chiếc laptop đắt đỏ. Bị người nhà mắng, cậu kiện quyết nói không muốn đi học tiếp nữa, mặc cho mẹ quỳ gối xin. Trong hơn 2 tiếng đồng hồ người mẹ khóc lóc, cậu vẫn ngồi khoanh chân và nhàn nhã nghịch điện thoại.
Du Mẫn Hồng, người sáng lập tập đoàn dạy thêm lớn nhất Trung Quốc – New Oriental, từng nói: “Trẻ em ngày nay được cho quá nhiều và đã quen với việc được cho, đến nỗi chúng coi ‘được cho’ là chuyện đương nhiên. Khi không còn được ‘cho’ nữa, chúng sẽ rất đau khổ và sinh ra oán trách”.
Theo ý kiến của ông, nếu một đứa trẻ coi tất cả những gì nó có là chuyện hiển nhiên, là những gì cha mẹ nên cung cấp cho mình thì một đứa trẻ như vậy sẽ không có tương lai trong đời.
Vì vậy, là cha mẹ, đặc biệt là những bậc cha mẹ bình thường đừng quên dạy trẻ biết quan tâm và chăm sóc cha mẹ. Một đứa trẻ có lòng biết ơn và trách nhiệm mới có thể sống có hoài bão và biết kiên trì.
Nguồn: Toutiao