Trong khi nhiều người lớn chúng ta còn đang phải chật vật học ngoại ngữ thì có không ít những em bé nhỏ mới vài tuổi, thậm chí còn chưa đi nhà trẻ đã có thể nói thêm ngôn ngữ khác ngoài tiếng Việt. Giờ đây, không khó để bắt gặp những “em bé đa ngôn ngữ” như vậy trên các nền tảng như TikTok, Facebook. Điều đáng nói là không phải bé nào cũng sinh ra trong gia đình đa ngôn ngữ, có bố mẹ là người nước ngoài và không phải bé nào cũng được học ở trường lớp song ngữ. Khả năng ngoại ngữ trời phú của các bé có thể đến tự nhiên, nhưng để kích thích phát triển thì trước tiên cần sự định hướng của bố mẹ trước.
Xu hướng cho con tiếp xúc tiếng Anh từ nhỏ
Bé Chloe (tên thật: Bạch Dương, đến từ Đà Nẵng) mới chuẩn bị lên lớp 1 và sắp tròn 6 tuổi nhưng đã có khả năng giao tiếp tiếng Anh trôi chảy, xem phim hoạt hình nước ngoài không cần đọc phụ đề khiến nhiều người lớn phải ngưỡng mộ. Các clip Chloe nói tiếng Anh siêu dễ thương đã và đang gây bão trên TikTok suốt thời gian qua. Chị Thanh Tịnh – mẹ của bé cho biết ngay từ lúc 4 tuổi, Chloe đã thể hiện năng khiếu về ngôn ngữ.
Để không bỏ lỡ độ tuổi từ 0-6 là thời điểm vàng để có thể cho con học ngoại ngữ, gia đình chị đã có kế hoạch dạy bé tiếng Anh một cách tự nhiên mỗi ngày. Chloe được theo học trên app dạy tiếng Anh bằng AI để biết thêm nhiều từ vựng khác nhau. Chị Tịnh luôn nói chuyện, đọc truyện, cho con nghe tiếng Anh thụ động hàng ngày, xem những kênh YouTube có chọn lọc về ngữ điệu tình huống ngữ cảnh để rèn luyện cho bé tự sắp xếp nội dung khi nói chuyện 1 cách mạch lạc và rõ ràng cũng như chuẩn hơn về mặt ngữ pháp.
Tương tự, bé Nguyễn Ngọc An Nhiên (4 tuổi, Hà Nội), tên ở nhà là Xoài cũng có thể nói tiếng Anh chuẩn ngữ điệu và quá trình học của bé bắt đầu từ khi mới chỉ 20 tháng tuổi.
Chị Ngọc, mẹ bé Xoài cho biết đã bắt đầu nói được tiếng Anh từ lúc 20 tháng tuổi. Lúc đầu chỉ từ những từ tiếng Anh đơn giản như: Hello (xin chào), Mama (mẹ), Papa (bố),… nhưng lâu dần khả năng sử dụng tiếng Anh của bé càng được cải thiện một cách rất tự nhiên. Đến nay, Xoài có thể nói được nhiều câu phức tạp và phản xạ cũng nhanh hơn trước rất nhiều.
Bí kíp của gia đình bé Xoài cũng tương tự Chloe, đó là cho con tiếp xúc với tiếng Anh một cách tự nhiên mỗi ngày. “Bí quyết giúp con sử dụng tiếng Anh thành thạo là cho con tiếp xúc nhiều với môi trường tiếng Anh như: nghe nhạc, đọc sách, tìm hiểu kiến thức về nhiều lĩnh vực khác nhau bằng tiếng Anh và hàng ngày nói chuyện nhiều với con bằng tiếng Anh nữa. Hơn nữa, cha mẹ để con trải nghiệm nhiều, luôn quan sát, hướng dẫn, đồng hành và tôn trọng con” , chị Ngọc chia sẻ.
Dạy con tiếng Anh từ lúc chưa biết nói
Chị Phượng, mẹ của bé Phạm Ngọc Minh Anh (sinh năm 2017, tên ở nhà Ruby) cũng có cách tiếp cận cho con học tiếng Anh từ thuở lọt lòng. Nhờ phương pháp chuẩn, cùng với sự quan tâm sát sao của mẹ, cô bé Ruby hiện có thể giao tiếp tiếng Anh cực trôi chảy, tự tin và hoạt ngôn hơn cả người lớn.
Ngay từ khi Ruby còn nhỏ, cụ thể là khi mới chỉ 3 tháng tuổi, chị Phượng đã dạy con học tiếng Anh. Cách dạy của chị là bắt gặp bất kỳ thứ gì xung quanh, chị đều chỉ vào và nói song song cả tiếng Anh và tiếng Việt để con nghe. Điều đáng nói là lúc này bé Ruby còn lâu mới biết nói, tức con chỉ có thể nghe mà thôi.
“Mọi người trong nhà nhìn mình dạy Ruby cứ cười và bảo mình là như bị hâm. Lúc đó nhìn bản thân lúc nào cũng như đang nói chuyện một mình thôi vì Ruby làm gì đã nói được đâu. Bắt gặp cái gì mình cũng giới thiệu và nói chuyện với con bằng tiếng Anh. Mình nghĩ chính cách ấy đã giúp con ‘ngấm’ ngôn ngữ một cách tự nhiên nhất” , chị Phượng tâm sự. Sau thời gian dài kiên trì mỗi ngày, giờ đây chị Phượng có thể tự tin phương pháp “mưa dầm thấm lâu” của mình đã đúng và phát huy tác dụng.
Trẻ nhỏ học ngoại ngữ quá sớm có bị loạn ngôn ngữ?
Việc cho con tiếp xúc với ngôn ngữ không phải là tiếng mẹ đẻ ngay từ nhỏ khiến các ông bố bà mẹ trẻ đôi khi bị nghi ngờ và chỉ trích, nhất là với những người thuộc thế hệ trước. Có một số người cho rằng việc học ngoại ngữ khi chính khả năng tiếng Việt của bé còn chưa hoàn thiện rất dễ xảy ra vấn đề loạn ngôn ngữ, là ép trẻ học quá sớm. Nặng nề hơn thì có bình luận cho rằng dạy trẻ thành các “em bé đa ngôn ngữ” dù là người Việt 100% là sính ngoại, vô tình tạo ra xu hướng không tốt.
Đối mặt với vấn đề này, các bố mẹ của những “em bé đa ngôn ngữ” đều khá nhất quán. Chị Thảo – mẹ của em bé tam ngữ Nemie nói được cả tiếng Trung lẫn tiếng Anh rất hot trên TikTok cho biết: “Với con trẻ, ngoài kiến thức của bậc phụ huynh, chúng ta còn phải có kỹ năng giáo dục tức phải làm sao để tạo được sự hứng thú, vui vẻ khi các con tiếp cận với kiến thức và cái mới. Chỉ sợ rằng xu hướng này vô hình trung tạo nên áp lực cho phụ huynh, từ đó cha mẹ vô tình gây áp lực cho con cái vì chưa có kỹ năng sư phạm mà thôi. Có rất nhiều phụ huynh biết đến kênh TikTok Nemie hỏi làm sao để ‘dạy’ Nemie nói được 3 ngôn ngữ khi còn nhỏ như vậy trong khi họ là những người có trình độ ngoại ngữ tốt hay có vợ/chồng là người ngoại quốc, thì chìa khóa mà mình nhắc đến ở đây là hãy tập trung vào phương pháp và kỹ năng”.
Đối với việc có sợ bé bị áp lực phải học khi vẫn còn ở tuổi chơi, mẹ bé Nem khẳng định thực chất gia đình không dạy bé tiếng Anh hay tiếng Trung, mà chỉ đơn giản là “dạy con nói” mà thôi. Với trẻ em ở độ tuổi này, những gì bé nghe thấy và tiếp xúc mỗi ngày đều được “ngấm” vào não bộ một cách tự nhiên nên khó có thể khiến trẻ bị áp lực hay không thoải mái.
Theo chị Ngọc, mẹ bé Xoài, phụ huynh phải xác định rõ được rằng việc con bị loạn ngôn ngữ trong quá trình học nhiều thứ tiếng cùng lúc sẽ luôn tiềm ẩn. Tuy nhiên, tất cả vấn đề đó sẽ được giải quyết nếu như có sự quan tâm, theo dõi sát sao từ phụ huynh. Nếu cha mẹ làm tốt điều đấy thì chắc chắn sẽ không có tình trạng rối loạn ngôn ngữ xảy ra.
Tổng hợp
Nguồn tin: https://cafef.vn/loat-em-be-noi-vai-ba-ngon-ngu-khi-con-chua-soi-tieng-viet-khong-so-loan-ngon-vi-bo-me-deu-co-bi-kip-chung-188240125201051454.chn