Cà chua là một trong những thực phẩm hàng đầu được Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyên dùng để giúp kiểm soát huyết áp, đặc biệt là vì loại quả này rất giàu kali, vốn được thừa nhận là có tác dụng làm giảm huyết áp.
Gần đây, trong một nghiên cứu có sự tham gia của hơn 7.000 người trưởng thành trong độ tuổi từ 55 đến 80, với gần 60% là phụ nữ, các nhà nghiên cứu ở Tây Ban Nha đã phát hiện ra rằng ăn một quả cà chua lớn mỗi ngày có thể giảm tới 36% nguy cơ huyết áp cao.
Đồng tác giả Rosa Maria Lamuela-Raventós, giám đốc Viện Nghiên cứu Dinh dưỡng và An toàn Thực phẩm và phó giáo sư tại Đại học Barcelona, viết: “Cà chua là một trong những loại rau được ăn nhiều nhất, rất sẵn và giá cả phải chăng trên toàn thế giới và chúng là một thành phần quan trọng của những chế độ ăn uống tốt nhất, chẳng hạn như chế độ ăn Địa Trung Hải. Ăn cà chua có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa và kiểm soát huyết áp cao.”
Nghiên cứu được công bố vào tháng 11 năm nay trên Tạp chí Tim mạch Dự phòng Châu Âu, đã theo dõi những người tham gia trong suốt 3 năm.
Chỉ hơn 82% người tham gia đã bị huyết áp cao khi bắt đầu nghiên cứu, nhưng tất cả những người tham gia đều có các vấn đề tiềm ẩn nguy cơ cao mắc bệnh tim, chẳng hạn như tiểu đường, hút thuốc, cholesterol cao, béo phì, tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch khởi phát sớm, …
Ăn nhiều cà chua giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim
Các nhà nghiên cứu chia những người bị huyết áp cao thành 3 nhóm:
-Tăng huyết áp độ 1, tâm thu 140 đến 159 mmHg và tâm trương 90 đến 99 mmHg
-Tăng huyết áp độ 2, tâm thu 160 đến 179 mmHg và tâm trương 100 đến 109 mmHg
-Tăng huyết áp độ 3, tâm thu từ 180 mmHg trở lên và tâm trương từ 110 mmHg trở lên
Theo AHA, huyết áp bình thường là tâm thu dưới 120 và tâm trương dưới 80.
Trong quá trình nghiên cứu, những người tham gia cũng trả lời các bảng hỏi về chế độ ăn uống và hoạt động thể chất. Mức tiêu thụ cà chua hàng ngày được xác định từ các món trong bảng hỏi thực phẩm như cà chua sống, nước sốt cà chua và gazpacho, một loại súp cà chua lạnh của Tây Ban Nha trộn với dầu ô liu nguyên chất, tỏi và các loại rau khác.
Các cá nhân được phân loại thành 4 nhóm tiêu thụ cà chua hàng ngày, trong đó nhóm thấp nhất ăn dưới 42,5 gram cà chua và nhóm cao nhất ăn trên 113 gram
Nhìn chung, Tiến sĩ Lamuela-Raventós và các cộng sự đã nhận thấy mối liên kết giữa việc ăn nhiều cà chua và chỉ số huyết áp thấp hơn.
Ngoài việc giảm tới 36% nguy cơ tăng huyết áp tổng thể ở nhóm tiêu thụ nhiều cà chua nhất so với nhóm tiêu thụ thấp nhất, các nhà khoa học còn ghi nhận mức giảm đáng kể về chỉ số tâm trương (giảm 0,65 mmHg) giữa những người ăn một lượng cà chua vừa phải và những người ăn ít cà chua nhất.
Họ cũng nhấn mạnh rằng việc giảm cả huyết áp tâm thu và tâm trương chỉ rõ rệt ở những người trong nhóm tăng huyết áp độ 1, chứ không phải ở những nhóm có mức huyết áp cao hơn.
“Việc ăn nhiều cà chua nhưng chưa ghi nhận mức giảm đáng kể ở nhóm tăng huyết áp độ 2 và độ 3 có thể là do tính chất cao tuổi của các đối tượng này, hầu hết trong số họ đều đã bị tăng huyết áp lâu dài, cũng như có các yếu tố nguy cơ tim mạch cao, dẫn tới kìm hãm những thay đổi đáng kể,” các tác giả viết.
Cà chua là một phần của chế độ ăn uống lành mạnh
Trong khi một số nghiên cứu trước đây cũng cho thấy cà chua mang lại lợi ích cho huyết áp, các tác giả trên nhận ra rằng tác động thực sự của cà chua đối với sức khỏe tim mạch còn chưa rõ ràng trong các nghiên cứu đó.
Tuy nhiên, họ suy đoán rằng cà chua có thể giúp cải thiện huyết áp vì chúng có các khoáng chất và hợp chất cụ thể như lycopene có tác dụng chống oxy hóa và chống viêm.
Ngoài ra, cà chua (chỉ số GI – 30) – ở mức thấp, rất phù hợp để bổ sung trong chế độ ăn của người bị tiểu đường. Cà chua không chỉ giúp ổn định đường huyết mà còn có thể giúp giảm cân hiệu quả.
Cà chua cũng không chứa tinh bột và nên có mặt trong danh sách thực phẩm tốt của người bệnh đái tháo đường vì chúng không làm tăng đường huyết. Một khẩu phần rau ít tinh bột chỉ chứa lượng đường bằng 6 – 7% và lượng carbohydrate bằng 26 – 30% so với một khẩu phần rau giàu tinh bột (khoai tây, khoai lang, ngô, đậu Hà Lan…). Ngoài “lợi thế” ít đường và carbohydrates, cà chua còn là một nguồn tuyệt vời cung cấp vitamin B (chẳng hạn folate), vitamin A, vitamin C, vitamin E và vitamin K.
Sean Heffron, bác sĩ tim mạch phòng ngừa và giám đốc khoa tim mạch tại Trung tâm Phòng ngừa Bệnh tim mạch tại New York, lưu ý rằng nghiên cứu này bị hạn chế ở chỗ phần lớn dữ liệu là tự báo cáo và kết quả dựa trên phân tích quan sát, thay vì được kết luận thông qua thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, trong đó mức tiêu thụ cà chua và huyết áp sẽ được đo lường cụ thể và thống nhất giữa một nhóm bệnh nhân được theo dõi chặt chẽ.
Tiến sĩ Heffron, người không tham gia vào nghiên cứu, cho biết: “Dù sao chúng ta vẫn đã có dữ liệu thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên để chứng minh rằng chế độ ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt, trái cây tươi và rau quả có thể giúp giảm huyết áp”. Những chế độ ăn uống như vậy cũng phù hợp với hướng dẫn của Trường Cao đẳng Tim mạch Hoa Kỳ và Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ.
Ông cảnh báo không nên chỉ tập trung vào cà chua như “thực phẩm thần kỳ sẽ chữa khỏi mọi bệnh tật”, thay vào đó, ông gợi ý rằng nên xây dựng một chế độ ăn uống đa dạng, trong đó có cà chua, để có lợi cho tim.