Chọn trường cho con chưa bao giờ là chuyện đơn giản. Chọn trường công hay trường tư, trường quốc tế? Cho con học lớp bình thường hay học chuyên? Đó chỉ là hai trong rất nhiều vấn đề mà cha mẹ sẽ phải đối mặt. Thực chất, mỗi một môi trường đều sẽ có những ưu nhược điểm riêng. Điều quan trọng là cha mẹ phải tìm ra môi trường phù hợp với năng lực học tập, tính cách của con, cũng như điều kiện kinh tế của gia đình, định hướng phát triển tương lai,…
Chị Phạm Thu Hằng, sinh năm 1974, là một bà mẹ 2 con, hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Con trai lớn của chị sinh năm 2000, hiện nay đang làm Tiến sỹ tại Đại học Boston (BU – Mỹ) chuyên ngành kinh tế, sau khi tốt nghiệp thủ khoa Đại học Virginia (UVA – Mỹ). Con gái sinh năm 2006, đang học chương trình dự bị đại học, trường Monash (Úc).
Thời phổ thông, con trai lớn của chị học trường công (cấp 1 trường Kim Đồng, cấp 2, 3 trường Ams) còn con gái thì học cấp 1 trường Đoàn Thị Điểm và Lý Thái Tổ, lớp 6-11 trường BVIS. Vì thế, chị Hằng đã rút ra được một số kinh nghiệm trong việc chọn trường cho con, cụ thể như sau:
CẤP 1
Lúc này, quyền quyết định hoàn toàn thuộc về cha mẹ vì con còn quá nhỏ. Thông thường, bạn sẽ có 3 lựa chọn: Trường công, trường dân lập hay trường quốc tế. Không có mô hình trường học nào hoàn hảo, đáp ứng được mọi thứ mà bạn muốn nên bạn cần sắp xếp theo thứ tự ưu tiên của gia đình.
Ngôi trường nào có nhiều điểm phù hợp với khả năng và điều kiện của con và gia đình sẽ là ngôi trường tốt nhất. Còn mỗi hệ thống giáo dục đều sẽ có những ưu, nhược điểm riêng.
– Trường công: Ưu điểm là có nhiều trường để bạn lựa chọn, thường là gần nhà, nhiều cô giáo dạy tốt, học phí rẻ nhất trong 3 lựa chọn. Tuy nhiên, nó cũng có một số nhược điểm như lớp đông, muốn học tốt thì con cần tính tự giác, kỷ luật và chịu được áp lực. Lớp đông, cô giáo không thể sát sao và chăm sóc chu đáo cho từng học sinh, hoặc có thể con bạn sẽ rơi vào lớp cô giáo không thực sự công tâm hoặc nghiệp vụ tốt, bạn bè nghịch ngợm.
– Trường dân lập: Ưu điểm: Lớp vắng hơn trường công nên con được quan tâm, chăm sóc tốt hơn. Thông thường, trường tốt đồng nghĩa với đầu vào khá cạnh tranh. Chị Hằng thường đùa vui “đây là trường chuyên cấp 1” vì giáo viên được tuyển chọn kỹ, chương trình học tương đối nặng, gia đình và nhà trường đều rất quan tâm tới điều kiện học của con.
Nếu con bạn được vào lớp chọn thì việc học khá hoàn hảo vì đa phần cô giáo có năng lực, các bạn cùng lớp kiến thức cũng rất tốt. Tuy nhiên, đây cũng là áp lực cho con và gia đình bạn. Nếu con không theo kịp, con sẽ đuối sức và nản. Nhưng nếu con giỏi thì sẽ có nhiều cơ hội tham gia các cuộc thi, giành được các giải thưởng vì đây cũng là cách mà các trường lựa chọn để xây dựng thương hiệu.
Nhược điểm: Đây là sự lựa chọn dung hòa giữa trường công và trường quốc tế. Nếu xét về học phí thì chỉ phù hợp với các gia đình có điều kiện. Tuy nhiên, chất lượng các trường dân lập chênh nhau khá nhiều, dễ nhận ra bởi quy định phải thi đầu vào. Phụ huynh sẽ gặp phải nhiều luồng ý kiến như: “trường đấy học nặng lắm, như học chuyên” hoặc “giáo viên trường đó chiều con lắm, toàn chơi, chẳng học gì”.
– Trường quốc tế: Ưu điểm: Lớp vắng, hầu như không có áp lực, chương trình học tương đối thoải mái, được thể hiện bản thân, sử dụng ngoại ngữ là chính. Nhược điểm: Tuy không có áp lực ganh đua nhưng các con lại đối diện với áp lực khó hơn là vượt lên chính mình. Bởi thầy cô ở đây không giục giã, nhắc nhở nhiều, con phải tự ý thức. Không phải trường nào cũng nhiều bạn nước ngoài, nên có thể con bạn sẽ không giỏi tiếng Anh như bạn kỳ vọng, hoặc không giỏi tiếng Việt vì sử dụng nhiều tiếng Anh hơn.
Học phí rất cao, chỉ phù hợp với gia đình nào có kinh tế thực sự mạnh. Nếu học công lập hoặc dân lập, con có thể chuyển sang trường quốc tế khá dễ dàng so với việc chuyển theo chiều ngược lại do nhiều bạn không thích nghi được. Một nhược điểm khác nữa là trường quốc tế có ít bạn, con bạn sẽ khó có bạn thân ổn định suốt cấp 1.
Lời khuyên đưa ra là nếu bạn có thời gian dạy con, điều kiện kinh tế tốt thì chọn trường nào cũng được. Nếu bạn ít thời gian, ưu tiên việc chăm sóc con hơn việc học, tài chính không phải bận tâm thì chọn trường quốc tế (Tuy nhiên bạn phải tính học phí cho 12 năm phổ thông và 4 năm đại học, đừng tính theo năm) hoặc những trường dân lập có liên kết với các trường nước ngoài.
Nếu bạn muốn con học hành vừa phải, điều kiện chăm sóc tốt, tài chính không quá cao thì có thể chọn các trường dân lập không yêu cầu thi đầu vào hoặc trường bán công. Nếu bạn ưu tiên việc học thì chọn các trường công có tiếng (đồng nghĩa với việc xin học trái tuyến, chọn lớp), hoặc chọn trường dân lập có thi đầu vào. Thường thì các bạn này sẽ có mục tiêu học chuyên từ cấp 2.
Còn nếu bạn không có điều kiện kinh tế, cũng không nhiều thời gian, thì nên cho con trường đúng tuyến, gần nhà, con có thể tự đi học. Nếu ở trường hợp này, nhà bạn ở khu vực có trường tốt thì quá may mắn. Còn nếu không thì bạn cũng không nên buồn vì thấy con mình chịu thiệt thòi. Con sẽ có nhiều bạn thân, và nếu có tố chất, con vẫn hoàn toàn có mục tiêu vào các trường chuyên cấp hai, cấp ba như các bạn khác.
Cá nhân chị Hằng chọn trường theo khả năng và cá tính của từng đứa con: mục tiêu cả 2 con cần phải sử dụng tốt tiếng Việt, ưu tiên việc học và có kỷ luật, sống hoà đồng, không cần phải được chăm sóc đặc biệt. Do đó, con trai học trường công. Con gái học dân lập. Khi con học lớp 3, chị Hằng mới đủ căn cứ để định hướng dài hạn cho các con. Do con trai thông minh, có tố chất nên mục tiêu sẽ học chuyên cấp 2 và cấp 3. Con gái đơn giản hơn, cũng thích được chiều chuộng, chị Hằng quyết định đầu tư cho con học tiếng Anh để lên cấp 2 sẽ học trường quốc tế. Mục tiêu chung của cả 2 con sẽ đi du học.
CẤP 2
Nếu con bạn học xuất sắc, hãy cố gắng động viên con thi chuyên. Môi trường này tuy có khen chê trái chiều, nhưng về cơ bản, đứa trẻ xuất sắc sẽ phát triển rất nhanh do môi trường đào tạo và bạn bè đa phần đều giỏi. Tự con sẽ biết phải đặt ra yêu cầu cao đối với bản thân.
Nếu con bạn học giỏi, có thể thi vào lớp chọn ở các trường công có tiếng về chất lượng, hoặc vào các trường dân lập có yêu cầu thi đầu vào cao. Môi trường này các bạn được rèn học không kém gì trường chuyên và tính kỷ luật tốt, chịu được áp lực. Nhưng bạn phải theo dõi con, nếu con không theo được, đừng sĩ diện, hãy chuyển con ra lớp bình thường càng sớm càng tốt, con sẽ không bị nhụt chí. Bố mẹ nên định hướng lại và thay đổi mục tiêu phù hợp.
Áp lực đỗ chuyên cấp 3 của các bạn học chuyên từ cấp 2 rất lớn, như một kỳ thi “trụ hạng”. Các bạn trường khác cũng chịu áp lực đỗ chuyên (nếu có dự định thi), nhưng dù sao, việc đỗ cũng chỉ là ước mơ, là mục tiêu. Con trai chị Hằng học Ams 2. Khi thi vào Ams 3, khẳng định “Con học để đỗ Ams 3 là vì danh dự Amser chứ không phải để thực hiện ước mơ, vì con đã có nó suốt 4 năm cấp 2 rồi. Con không thể trượt Ams 3”.
Trừ những bạn chuyển sang học quốc tế, các bố mẹ nên ưu tiên chọn trường gần nhà, môi trường học sinh ngoan kể cả công lập hay dân lập.
Ngoài ra, việc học nửa ngày hay học bán trú cũng cực kỳ quan trọng. Nếu con bạn xác định tiếp tục lên cấp ba của ngôi trường bán trú đang học thì đây là lựa chọn chính xác vì con bạn sẽ không phải chịu áp lực gắt gao của kỳ thi chuyển cấp. Nếu con bạn muốn thi chuyên cấp 3 thì bố mẹ nên ưu tiên chọn trường cấp 2 học nửa ngày, để có thời gian học thêm và làm bài tập.
Nếu học bán trú, bạn sẽ phải chứng kiến cảnh con học cả ngày, hết giờ lại nháo nhào tới các lớp học thêm, đêm về triền miên với bài tập. Khoảng thời gian này kéo dài 2 năm từ lớp 8 đến hết lớp 9 nên cha mẹ đừng chủ quan vì không phải đứa trẻ nào cũng chịu được áp lực này.
Còn nếu cấp 2, bạn chọn cho con học trường quốc tế, nhiều khả năng bạn sẽ phải xác định con muốn du học sớm vì đa số các bạn đều sẽ đi từ khi hết lớp 10. Một số bạn học giỏi ở trường quốc tế vẫn thi đỗ chuyên, hoặc ở lại học hết cấp 3 nhưng số này rất ít.
CẤP 3
Nếu con bạn vào chuyên, chúc mừng bạn. Học sinh trường chuyên thường có 3 lựa chọn: Thứ nhất, thi giải quốc gia để vào thẳng đại học bằng 1 môn học. Thứ 2 là xác định học theo yêu cầu nộp hồ sơ du học. Số còn lại thì thi lên đại học như tất cả học sinh cấp 3 khác.
Nếu chia mục tiêu như vậy, bạn sẽ dễ dàng chọn trường chuyên thuộc các trường Đại học hay chuyên của Thành phố. Nếu học chuyên các trường Đại học, sẽ bớt được việc phải đi học luyện thi đại học, đây cũng là ưu điểm (chuyên Su phạm, chuyên ngữ, chuyên của ĐHQG).
Nếu chọn Ams, để thi HSG QG thì phải qua vòng thi HSG TP, nhưng nếu du học thì các bạn Ams đi rất đông. Khi con du học, việc có bạn cùng đi, ở gần nhau cực kỳ quan trọng, và đây là điểm cộng lớn nhất của Ams.
Vì vậy nếu con bạn đỗ chuyên mà học bình thường (so với bạn học chuyên) thì xác định vẫn phải học đều các môn và đi học thêm bên ngoài để thi đại học. Nhưng cũng đừng vì thế mà từ chối trường chuyên, vì học trường chuyên vẫn là trải nghiệm đáng thử, chưa kể bạn bè ở môi trường này cũng rất ổn. Chưa kể, lịch sử, sự nổi tiếng của ngôi trường mà con đã học theo con suốt cả cuộc đời. Nó cũng là niềm tự hào của một thời học sinh mà không phải ai cũng có được.
Nếu con bạn không đỗ chuyên cũng đừng buồn, vì khả năng con bạn cũng khó có thể vào thẳng đại học bằng 1 môn. Nếu học đại học tại Việt Nam, con cũng không quá thiệt thòi vì các bạn học chuyên cũng học và thi đại học như vậy. Chỉ thiệt hơn chút khi đi du học, hoc sinh trường chuyên cũng là điểm cộng khi xét hồ sơ.
Quan trọng nhất ở cấp 3, là các bạn nên thường xuyên trao đổi với con để xác định mục tiêu: Du học hay học ở Việt Nam và ngành nghề con muốn làm sau này. Đối với bố mẹ, nên xem xét kỹ về tài chính, khẳng định chắc chắn khả năng có thể chi cho con bao nhiêu tiền/năm. Căn cứ vào đó và điểm số của con, cơ hội thành công sẽ cao hơn.
Ví dụ, hồ sơ rất tốt nhưng do tài chính eo hẹp, con có thể nộp hồ sơ lùi xuống 1 số trường xếp hạng thấp hơn để có nhiều cơ hội được hỗ trợ tài chính phù hợp. Nếu cha mẹ không lo tài chính thì con cứ nộp hồ sơ nhiều trường và chọn trường top cao. Tránh để con học hết hơi, tới khi trường gửi thông tin về tài chính thì gia đình lại không đủ, lúc đó, con cũng thất vọng và cũng không còn cơ hội để nộp trường xếp hạng thấp hơn.
Về phía các con, cần lên kế hoạch ngay từ lớp 10. Nếu chọn Mỹ, muộn nhất hết học kỳ 1 của lớp 11 phải có các chứng chỉ IELTS, TOEFL, SAT, các hoạt động ngoại khoá và các giải thưởng cập nhật dần để nộp hồ sơ vào đầu năm lớp 12.
Học kỳ 2 của lớp 11 để dành cho việc viết bài luận. Mọi nhu cầu cá nhân để sang lớp 12 thực hiện vì khoảng giữa lớp 12 là con đã có kết quả nộp hồ sơ du học rồi. Thời gian sau sẽ rất nhàn. Chưa kể các chứng chỉ Tiếng Anh, SAT,… hiện cũng được nhiều trường đại học top đầu dùng để tuyển sinh. Kết quả đỗ đại học trong nước cũng có sớm. Các con nên tìm hiểu các ngành học để chọn cho mình một trường đại học phù hợp.
Hãy cứ tin rằng: Mỗi đứa trẻ có một khả năng riêng. Những đứa trẻ sau này thành đạt có thể là học sinh giỏi hoặc có lực học bình thường, thậm chí học dốt! Vấn đề là cha mẹ nên hướng dẫn con biết cách đánh giá khả năng của con và điều kiện gia đình, lên kế hoạch thực hiện và sắp xếp việc học và chơi sao cho hiệu quả. Khi trưởng thành con sẽ tự tin hơn.
Việc này cần làm hàng ngày và thực hiện từ nhỏ chứ không thể mong một đứa trẻ được bao bọc hằng ngày tự nhiên lại trở thành một người năng động, nhanh nhẹn, biết việc khi rời xa bố mẹ.