Bà Trần năm nay 71 tuổi, bà về hưu ở tuổi 55 với mức lương hơn 6.000 NDT (gần 20 triệu VNĐ). Chồng bà là một nhà giáo, gần đây ông cũng đã về hưu. Vốn cặp vợ chồng già dự định sẽ cùng nhau tận hưởng cuộc sống hưu trí, không ngờ chồng bà đột nhiên bị bệnh và qua đời ít lâu sau đó. Mỗi khi nghĩ đến chồng, bà lại rơi nước mắt.
Con trai bà nhận thấy cứ để mẹ tiếp tục sống như vậy không phải là ý hay, anh đề nghị bà về sống chung: “Mẹ, từ nay mẹ hãy đến sống cùng chúng con, đừng quay lại ngôi nhà cũ đó nữa.”
“Sống thử” cùng các con
Bà Trần yêu thương con dâu và thấy cảm kích vì cô luôn quan tâm, chăm sóc bà. Tuy nhiên, sau một thời gian, bà cảm thấy kiệt quệ về cả thể chất và tinh thần, nguyên nhân chính là do mẹ ruột của con dâu, bà ấy đã ly hôn và cũng sống chung để chăm sóc cháu trai.
Nhà không nhiều phòng nên hai bà phải ở chung. Ban đầu nhìn chung vẫn khá vui vẻ, tuy nhiên 2 bà thông gia lại có thói quen sống đối ngược. Nhiều chuyện vặt vãnh khác cũng tích tụ lại, bà Trần tâm sự với con trai, bà xui thì nói chuyện với con gái, kết quả là đôi vợ chồng trẻ thường xuyên cãi vã không dứt vì hai bà. Bà Trần cảm thấy một trong hai người nên rời đi, trả lại sự bình yên cho ngôi nhà nhỏ, và đó là bà.
Bà dọn sang ở cùng gia đình con gái nhưng cũng nhanh chóng rời đi sau một năm. Tính tình con rể nóng nảy, có phần hách dịch khiến bà không thể hòa hợp được. Anh ta nhiều lần kêu ca ngay trên bàn ăn rằng “cơm khô quá, nước hầm quá mặn, món này không nên cho ớt, món kia lại nhiều dầu mỡ”, thật ích kỷ và vô lễ.
Bảo mẫu hay viện dưỡng lão?
Cô con gái lo lắng rằng bà Trần ở nhà một mình ăn uống không đầy đủ chất nên đã thuê một người giúp việc. Người này chưa đến 50 tuổi, làm việc nhanh nhẹn, vui vẻ và nhiệt tình, bà Trần rất ưng ý. Nhưng khi phát hiện ra người này có thái độ cư xử không đúng mực, bà Trần đã phải xem xét lại.
Người giúp việc thường xuyên dùng “ké” đồ của bà Trần mà không một lời xin phép. Cuối cùng, bà quyết định sa thải và thuê người mới. Tuy nhiên hai người liên tiếp sau đó cũng có vấn đề.
Người con gái càng lo lắng cho bà hơn và đề xuất bà thử vào viện dưỡng lão. Bà Trần đã chọn một viện dưỡng lão có giá vừa phải ở một thị trấn nhỏ. Bà được sắp xếp ở trong một căn phòng đôi, nhưng ngay đêm đầu chuyển đến, bà đã không thể ngủ ngon vì tiếng ngáy của bạn cùng phòng.
Một tháng ở viện dưỡng lão khiến tâm trạng bà trĩu nặng, bầu không khí ở đây thật dễ khiến người ta chán nản vì xung quanh đều là người già, đau ốm. Bà gọi điện và nhờ con gái làm thủ tục để được trở về nhà.
Bạn cùng nhà
Sau một khoảng thời gian sống một mình, bà Trần cảm thấy thật cô đơn, nhưng giờ đây bà không muốn đến nhà các con, viện dưỡng lão hay thuê bảo mẫu, vậy bà phải làm sao đây?
Nhà của bà vốn có ba phòng ngủ và một phòng khách, đồ đạc đã cũ và nhà khá rộng nên trông càng trống trải. Gần nhà bà có khá nhiều công ty, biết được tin một nữ nhân viên đang tìm phòng nên bà đã quyết định cho thuê.
Nữ nhân viên Tiểu Hà là một cô gái ngoan ngoãn, năm nay 28 tuổi, sau khi tan sở không thích giao du mà thường ở nhà. Tiểu Hà thường dậy sớm tập thể dục vào buổi sáng, ăn sáng ở bên ngoài rồi đi làm, buổi trưa ăn cơm miễn phí tại công ty, và buổi tối nấu ăn tại nhà, cô nấu canh làm gian bếp thơm lừng, căn nhà như có sức sống trở lại.
Bà Trần thấy mùi thơm liền vào bếp để xem, cô gái trẻ cũng không ngần ngại mời bà cùng ăn. Sau bữa ăn, bà Trần đưa ra đề nghị: “Nếu cháu sẵn sàng giúp ta nấu hai bữa một ngày, cháu sẽ không cần trả tiền thuê nhà nữa. Nếu cháu giúp ta dọn dẹp nhà cửa tôi sẽ trả cho cháu một mức lương nhất định hàng tháng.”
Tiểu Hà không ngờ rằng cô vừa có nhà “miễn phí”, lại có thể kiếm tiền bằng cách tự nấu ăn, dọn dẹp nên sẵn sàng đồng ý.
Kể từ đó, hai người chung sống hòa hợp cùng nhau, mỗi sáng Tiểu Hà làm đồ ăn, đến trưa bà chỉ cần cho thức ăn vào lò vi sóng và hâm nóng. Tối đến, Tiểu Hà đi làm về thì hai người cùng nấu ăn, trò chuyện vui vẻ trong căn bếp nhỏ.
Tiểu Hà là một cô gái rất có trách nhiệm, cô ấy không bao giờ đưa đàn ông về nhà, mỗi tối, cô ấy đi làm về đúng giờ để nấu ăn cho bà. Thỉnh thoảng, khi có những cuộc gặp gỡ đi chơi với bạn bè, cô sẽ gọi điện báo trước.
Một ngày nọ, khi thức dậy bà bỗng cảm thấy chóng mặt, không dám cử động nên đã lớn tiếng gọi Tiểu Hà. Cô gái nghe thấy tiếng động liên vội vã đến phòng và gọi cấp cứu giúp bà.
Thời gian bà ở viện, cô cũng đến thăm và thường xuyên gọi điện hỏi han. Hai người thân thiết như những người bạn cùng nhà.
Bà Trần cũng nghĩ về tương lai, khi Tiểu Hà rời đi lấy chồng, sinh con, liệu bà sẽ thế nào, bà có tìm được một người như vậy nữa không? Tiểu Hà mỉm cười động viên bà, đừng nghĩ đến những điều xa vời như vậy nữa, hãy sống hết mình mỗi ngày cho hiện tại là điều tốt nhất.
Theo Sohu