Ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc có cụ bà Lương Tôn Phân được người dân gọi là “cụ bà bị thời gian bỏ quên”. Năm nay, cụ Lương đã 104 tuổi nhưng vẫn rất khỏe mạnh và minh mẫn. Không những thế, bác sĩ còn cho biết dù đã ở độ tuổi ngoài 100, mạch máu của bà Lương vẫn hoàn toàn khỏe mạnh, huyết áp bình thường và tuổi mạch máu của cụ tương đương những người ở độ tuổi 60. Điều này khiến mọi người tò mò về bí quyết giúp “trẻ hóa” và sống lâu của bà cụ này.
Chia sẻ với mọi người, bà Lương cho biết bà có một thói quen từ khi còn trẻ, có thể chính những thói quen này đã giúp bà sở hữu thể chất trường thọ. Theo đó, bà cụ này thường thêm giấm vào quy trình nấu ăn của mình. Bà Lương cho biết mỗi khi ăn bánh bao, trộn các món nguội, món xào và nấu mì, bà luôn thêm giấm để món ăn đậm vị và thơm ngon hơn. Không những thế, bà còn cho thêm một ít giấm vào nước đun sôi để uống buổi sáng và buổi tối.
Con gái bà cụ kể: “Trước đây, tôi mua giấm theo hộp nhưng không đủ. Bây giờ, tôi mua theo thùng và chỉ hết sau vài ngày”.
Các chuyên gia cho biết khi tiến hành nghiên cứu và khảo sát ở những khu vực trường thọ trên thế giới, họ khám phá ra rằng cư dân của những vùng đất này thường ăn ít muối và dùng nhiều giấm. Điều này có thể là bí quyết giúp họ kéo dài tuổi thọ của mình.
Theo đó, khoáng chất kali có trong giấm có thể đào thải lượng natri dư thừa ra khỏi cơ thể, ngăn ngừa và điều trị huyết áp cao, xơ cứng động mạch, bệnh tim, đột quỵ và các bệnh khác. Không những thế, nó còn rất có lợi cho chức năng giải độc của gan, có thể ngăn ngừa ung thư , các bệnh mãn tính của người già.
Dưới đây là những lợi ích nổi trội mà loại gia vị này mang đến cho sức khỏe:
1. Giảm huyết áp
Một số dữ liệu nghiên cứu đã phát hiện ra rằng dùng một thìa giấm mỗi ngày có thể kích thích các tế bào mạch máu của cơ thể tiết ra oxit nitric, có thể làm giãn mạch máu và đảm bảo lưu lượng máu thông suốt, từ đó hạ huyết áp.
2. Kiểm soát lượng đường trong máu
Một nghiên cứu ở Hoa Kỳ cho thấy dùng 30ml giấm có hàm lượng axit axetic 6% trước bữa ăn 5 phút không chỉ có thể làm giảm lượng đường trong máu, insulin và chất béo trung tính mà còn làm chậm quá trình hấp thu glucose trong ruột và giúp hạ đường huyết. Những người bị bệnh tiểu đường nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng loại gia vị này để kiểm soát insulin.
3. Giúp tăng cường hấp thu canxi
Dùng một ít giấm vừa phải còn có tác dụng thúc đẩy quá trình hấp thu canxi, rất có lợi cho xương. Nguyên nhân là vì giấm có thể hòa tan canxi chứa trong cơ thể động vật mà chỉ có canxi đã hòa tan mới được ruột non của cơ thể người hấp thụ. Do đó, khi chế biến các thức ăn là động vật như xương sườn, vịt nên thêm một chút giấm để cơ thể hấp thụ canxi tốt hơn.
4. Giảm sự xuất hiện của sỏi thận
Sử dụng giấm có thể giúp ngăn ngừa sự hình thành sỏi canxi oxalate. Một nghiên cứu năm 2019 cho thấy axit axetic trong giấm giúp điều chỉnh citrate và canxi trong nước tiểu – cả canxi và citrate đều giúp ngăn ngừa hình thành sỏi thận
5. Khử trùng
Trong y học cổ truyền Trung Quốc, giấm được xem là một chất khử trùng tự nhiên khi có khả năng ức chế vi khuẩn mạnh mẽ, tiêu diệt liên cầu khuẩn staphylococcus pyogenes và các vi khuẩn khác trong thời gian ngắn. Từ đó có tác dụng phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm đường ruột như sốt thương hàn và kiết lỵ. Dùng nhiều giấm vào mùa hè có thể có tác dụng diệt khuẩn, khử trùng, ngăn chặn hiệu quả sự lây nhiễm của vi khuẩn đường tiêu hóa.
6. Giúp tiêu hóa
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh giấm có khả năng cải thiện hệ tiêu hóa. Theo đó, giấm chứa các chất dễ bay hơi và axit amin, có tác dụng kích thích trung tâm thần kinh của não, khiến cơ quan tiêu hóa tiết ra một lượng lớn dịch tiêu hóa, tăng cường chức năng tiêu hóa, cải thiện tình trạng khó tiêu.
(Tổng hợp)