Trên thế giới có đến 8,2 tỷ người nhưng mỗi người sẽ có vẻ ngoài và tính cách khác nhau. Trong một gia đình, con cái thường được di truyền những đặc điểm của cha mẹ thông qua DNA. Vì vậy, chúng ta thường thấy con cái có những nét giống cha mẹ, như làn da trắng hay đôi mắt to,…
Những đặc điểm này chủ yếu xuất hiện trong gia đình hoặc giữa những người có chung huyết thống và ít khi xảy ra giữa những người không có quan hệ máu mủ.
Tuy nhiên, tại Ấn Độ có một ngôi làng kì lạ đã phá vỡ quy tắc này khi những người dân trong làng có ngoại hình tương tự nhau, như thể họ được “sao chép và dán” vậy.
Haragonnan là một ngôi làng nhỏ nằm ở bang Karnataka, phía nam Bangalore, Ấn Độ. Dân số trong làng khá ít, mọi người cùng sinh sống yên bình.
Sau đó, ngôi làng bất ngờ trở nên nổi tiếng với bí ẩn 237 người dân có ngoại hình giống nhau dù họ không có quan hệ huyết thống, không phải anh em của nhau khiến các nhà khoa học, nhà di truyền học vô cùng tò mò.
Sau nhiều nghiên cứu, các Chuyên gia phát hiện dù người dân có một số khác biệt về chiều cao, cân nặng và giọng nói, nhưng họ đều có chung các đặc điểm di truyền từ cha mẹ giống nhau như: chiếc mũi giống hình nón, lông mày cong, rậm và đôi môi dày.
Ảnh một gia đình tại làng Haragonnan
Khi được hỏi về sự giống nhau của ngoại hình, nhiều người già có tuổi trong làng tin rằng đây là điều tuyệt vời mà các vị thần đã ban tặng cho họ.
Sau nhiều tìm hiểu và phân tích, các nhà khoa học đã đưa ra lời giải thuyết phục nguyên nhân khiến người dân ở làng Haragonnan có ngoại hình giống nhau là do hiện tượng song trùng.
Hiện tượng song trùng (doppelgängers) là thuật ngữ mà các nhà khoa học dùng để chỉ những người không cùng huyết thống, không có bất cứ quan hệ họ hàng nào với nhau nhưng họ lại có ngoại hình giống hệt nhau.
Người dân làng Haragonnan
Hơn nữa, qua quá trình nghiên cứu các nhà khoa học cũng phát hiện tại làng Haragonnan đất và nguồn nước đều có nồng độ cao chứa các nguyên tố bismuth và bạch kim. Mà hai nguyên tố này có thể gây những ảnh hưởng nhất định đến cơ thể của phụ nữ mang thai trong làng, dẫn đến những thay đổi kỳ lạ trong sự phát triển của thai nhi.
Ngoài ra, một số nhà khoa học cũng nhận định nguyên nhân khiến dân làng giống nhau chủ yếu là do tập quán “hôn nhân khép kín” ở trong làng. Từ thời xa xưa, họ ít giao tiếp với bên ngoài và thường kết hôn với người cùng làng dẫn đến sự giống nhau ngày càng tăng về mặt ngoại hình qua nhiều thế hệ.
Người dân trong làng phân biệt họ dựa trên phong cách ăn mặc, tính cách, giọng nói…
Tuy mọi người trong làng trông giống nhau, nhưng theo lời bà Indira – một cụ bà 80 tuổi đã sống nhiều năm trong làng chia sẻ họ vẫn dễ dàng phân biệt mọi người nhờ vào tính cách, sở thích, giọng nói, hình dáng cơ thể và cách ăn mặc khác nhau.
Vậy nên, dù có ngoại hình giống nhau nhưng nhiều năm nay người dân trong làng vẫn sinh sống bình thường và không gặp bất kỳ khó khăn gì lớn trong cuộc sống.
Theo Sohu
Lưu Ly
Nguồn tin: https://cafef.vn/hon-200-nguoi-nguoi-khac-huyet-thong-nhung-giong-het-nhau-khoa-hoc-ly-giai-bang-4-tu-188241010231158013.chn