Thay vì dùng bếp ga, hiện nay, nhiều gia đình chuyển sang dùng bếp điện từ (hay bếp từ). Không chỉ đảm bảo hiệu suất mà bếp từ còn an toàn với người sử dụng nữa, đặc biệt là nhà có em nhỏ khi chúng có khả năng nguội nhanh và khóa an toàn.
Tuy nhiên, dù nhiều ưu điểm đến mấy mà bạn lại sử dụng sai cách thì cũng có thể biến chiếc bếp từ thành “quả bom chậm” trong nhà.
Dưới đây là những sai lầm mà nhiều người thường mắc khiến chiếc bếp này trở thành mối nguy hại cho cả gia đình.
Rút nguồn điện ngay sau khi tắt bếp
Nhiều người lầm tưởng rằng hành động rút điện ngay sau khi dùng bếp từ giúp tiết kiệm điện. Song, việc này vô tình làm quạt tản nhiệt không hoạt động nữa. Quá trình làm mát của bếp bị chậm lại. Từ đó, dẫn đến nguy cơ xảy ra cháy chập một số linh kiện, bộ phận bên trong, gây ra nguy cơ cháy nổ.
Bởi vậy, nếu muốn rút nguồn điện bếp từ, bạn nên chờ cho đến khi quạt tản nhiệt dừng hoạt động mới tiến hành thao tác.
Vệ sinh bếp sai cách
Dọn dẹp ngay sau khi sử dụng bếp cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến bề mặt kính của bếp dễ bị nứt, vỡ. Nhiều gia đình chủ quan với những vết nứt này nên vẫn tận dụng sử dụng. Song dưới tác động của nhiệt kết hợp với độ rung của hệ thống điện-quạt của bếp, vết nứt sẽ càng mở rộng. Ngoài ra, khi nấu nướng, việc nước tràn – bắn lên mặt bếp không thể tránh khỏi. Nước sẽ theo đường nứt ngấm xuống bảng mạch điện tử phía dưới kính và gây ra chập – cháy – nổ
Để sử dụng bếp lâu dài và an toàn, bạn nên dọn dẹp sau khi cho bếp nghỉ, cũng như sử dụng nước ấm để lau dọn bếp.
Đặt bếp ở vị trí không phù hợp
Những vị trí đặt bếp không phù hợp như quá sát tường, gần các thiết bị điện cũng toả nhiệt cao hoặc quá gần nguồn nước.
Các chuyên gia giải thích việc đặt bếp sát tường làm cản trở quá trình lưu thông, tản nhiệt. Vị trí đặt bếp hợp lý là cách tường khoảng 5-10cm.
Đồng thời, bạn cũng cần đặt bếp từ cách xa thiết bị toả nhiệt khác trong căn bếp của mình. Bởi việc đặt các thiết bị toả nhiệt gần nhau khi nhiệt độ lên cao sẽ dẫn đến nguy cơ cháy nổ. Còn để một thiết bị điện như bếp từ gần nguồn nước dễ gây ra chập cháy.
Thay đổi nhiệt độ bếp một cách liên tục
Hiện nay, bếp từ được thiết kế bảng điều khiển nhiệt độ, cài đặt chức năng ngay trên bề mặt. Nhiều người sử dụng không đúng cách thường bấm các nút một cách liên hay thay đổi chế độ, nhiệt độ của bếp liên tục. Việc này khiến mạch điều kiển của thiết bị dễ bị rối loạn, từ đó quá tải và xảy ra sự cố chập, nổ nguy hiểm.
Để đảm bảo an toàn và tiết kiệm điện khi sử dụng bếp từ, bạn cần lưu ý một số điểm sau:
Điều chỉnh nhiệt độ tăng dần
Người dùng nên điều chỉnh nhiệt độ theo số tăng dần từ thấp đến cao, cách nhau khoảng 2 phút/lần khi nấu nướng. Như vậy bếp sẽ lan toả nhiệt từ từ, tiết kiệm điện năng.
Bạn nên hạn chế để bếp ở công suất cao quá lâu. Bởi việc này có thể khiến thiết bị quá tải, gây nguy hiểm với người dùng do bếp không có chế độ tự ngắt khi quá nhiệt.
Thường xuyên vệ sinh bếp
Nhiều gia đình thường bỏ quên công việc vệ sinh bếp điện. Việc này làm bếp hoạt động kém hiệu quả đồng thời ảnh hưởng tới thẩm mỹ căn bếp. Phần dầu mỡ hay thức ăn thừa bám lại trên mặt bếp thậm chí còn có thể khiến mặt kính của bếp bị rạn nứt khi hoạt động ở nhiệt độ cao.
Chính vì vậy, người dùng nên lau chùi bếp bằng các dung dịch làm sạch sau khi sử dụng xong. Nên để khoảng 15 phút cho bếp nguội bớt rồi bắt đầu dùng khăn mềm lau.
Tắt bếp sớm hơn vài phút
Nếu nấu các món hầm hoặc xào, người dùng có thể tắt bếp sớm hơn vài phút khi thức ăn sắp xong. Vì lượng hơi nóng còn lại từ bếp đủ để làm thức ăn chín hoàn toàn. Việc làm này cũng sẽ giúp tiết kiệm được một lượng nhỏ điện năng.
Tổng hợp
Nguồn tin: https://cafef.vn/thoi-quen-dung-bep-tu-cua-nhieu-nguoi-chang-khac-gi-dat-bom-no-cham-trong-nha-hoa-hoan-khong-kip-tro-tay-188240721171620503.chn