Có nên cho nhựa vào lò vi sóng?
Nhựa là vật liệu xuất hiện trong mọi lĩnh vực cuộc sống hàng ngày. Công nghệ sản xuất nhựa đa dạng mang lại sự tiện dụng cho người dùng theo nhiều mục đích, nhưng cũng đặc biệt gây lo ngại về sức khỏe khi sử dụng để bảo quản thực phẩm.
Theo Bon Appétit, các nhà nghiên cứu mới đây đã phát hiện ra tổ hợp gây nguy hại hơn cả chính là kết hợp nhựa với lò vi sóng. Dân văn phòng thường có thói quen cho thực phẩm đựng trong hộp nhựa vào lò vi sóng để làm nóng nhưng không biết ảnh hưởng thực sự đến sức khỏe thế nào.
Trong một phát hiện tình cờ mới đây, Kazi Albab Hussain, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Nebraska–Lincoln, khi nghiên cứu các hạt nano bạc được giải phóng bởi một số loại bao bì thực phẩm bằng nhựa, ông nhận thấy một chất giống như “hoa giấy” dưới kính hiển vi, hay nói cách khác chúng chính là những mảnh nhựa nhỏ.
Là người mới làm cha, Hussain rất quan tâm đến điều này, đặc biệt lo lắng khi nhiều thực phẩm dành cho trẻ em được bảo quản bằng nhựa. Anh chuyển hướng nghiên cứu vì muốn biết: Con mình đã ăn bao nhiêu hạt trong số này?
Theo những phát hiện của anh, con số có thể lên đến hàng tỷ. Hussain đã mang một vài hộp nhựa tái sử dụng làm từ polypropylen mua tại cửa hàng và một túi đựng thực phẩm bằng nhựa có thể tái sử dụng làm từ polyetylen vào phòng nghiên cứu.
Anh đổ đầy nước và axit axetic 3% vào các hộp để mô phỏng các loại thực phẩm chứa nước và axit trong đời thực.
Sau khi bảo quản các hộp trong tủ lạnh hoặc ở nhiệt độ phòng trong 10 ngày, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy hàng triệu đến hàng tỷ hạt vi nhựa và nhựa nano trong chất lỏng.
Nhưng một điều đáng chú ý hơn là việc cho các hộp đựng vào lò vi sóng đã đẩy nhanh quá trình này đến mức đáng báo động: Trong vòng ba phút, một số hộp đựng đã giải phóng tới 4,22 triệu hạt vi nhựa (các hạt nhỏ hơn 5 mm) và 2,11 tỷ hạt nhựa nano (các hạt nhỏ hơn khoảng 70 lần so với chiều rộng của một sợi tóc người) trên một cm vuông diện tích bề mặt.
Nghiên cứu của Hussain chỉ ra rằng chúng ta đang ăn nhiều nhựa hơn những gì từng nghĩ trước đây. Vào năm 2019, một nghiên cứu đã tính toán rằng chúng ta có thể đang ăn khoảng 50.000 hạt vi nhựa mỗi năm.
Tác động sức khỏe của việc nuốt nhựa vào cơ thể vẫn chưa rõ ràng, nhưng các nhà nghiên cứu từ lâu đã nghi ngờ rằng chúng không hề tốt.
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy việc tiếp xúc nhiều với vi nhựa (và danh sách dài các hóa chất tạo ra chúng) có thể gây ra phản ứng miễn dịch, gây căng thẳng, cùng với các vấn đề về sinh sản, trao đổi chất và hành vi khác nhau.
Lò vi sóng làm gì với nhựa?
Nhựa là các chuỗi phân tử cacbon được gọi là polyme, thường có nguồn gốc từ dầu thô. Để tạo ra nhựa trong, đục, cứng hoặc mềm, các nhà sản xuất thêm vào hỗn hợp hóa chất.
Mặc dù có hơn 10.000 chất trong số đó, nhưng các nhóm được nghiên cứu kỹ lưỡng nhất là bisphenol, thường được tìm thấy trong các sản phẩm nhựa cứng (như hộp đựng thực phẩm và ống nước) và phthalates có trong các dạng mềm (như găng tay hoặc lớp lót nhựa bên trong hộp sữa).
Như Hussain đã phát hiện, vi nhựa và hóa chất có thể tích tụ trong thức ăn thừa của bạn theo thời gian, ngay cả khi bạn bảo quản những hộp nhựa đó trong tủ lạnh.
Nhưng việc nấu thức ăn ướt bằng nhựa trong lò vi sóng thậm chí còn mang lại tác dụng lớn hơn: Nhiệt tăng tốc độ thủy phân, quá trình mà các phân tử nước về cơ bản có thể phá vỡ các liên kết hóa học.
Phản ứng tăng áp này làm cho hộp nhựa thải ra các hạt vi nhựa và nhựa nano, cũng như thấm các chất phụ gia hóa học (bisphenol, phthalates, v.v.) vào thực phẩm. Và một khi những hạt vi nhựa đó được đưa vào cơ thể, chúng có thể phân hủy và lọc các chất hóa học trong cơ thể.
Nói cách khác, làm nóng nhựa về cơ bản làm cho chúng mềm và xốp hơn. Nếu bạn đã từng hâm nóng nước sốt trong bát nhựa, bạn sẽ thấy vết bẩn sau đó không thể lau sạch.
Tiến sĩ James Rogers, giám đốc nghiên cứu và thử nghiệm an toàn thực phẩm tại Consumer Reports, cho biết: “Các khe hở trong nhựa có thể mở ra để nước sốt lọt vào bên trong. Sự trao đổi ngược lại cũng xảy ra. Nếu thứ gì đó đi vào thì cũng có thứ đi ra tương tự”.
Gần như tất cả người Mỹ đều có lượng nhựa có thể đo được trong cơ thể. Các nghiên cứu trên động vật có vú cho thấy, khi vào bên trong, những hóa chất này hoạt động giống như những kẻ đột nhập lén lút tại một vũ hội hóa trang.
Chúng không được chào đón tại bữa tiệc nhưng cũng khó phân biệt được với những vị khách hợp pháp.
Đó là vì bisphenol và phthalates là những chất gây rối loạn nội tiết. Chúng có thể bắt chước, ngăn chặn hoặc can thiệp vào hormone của cơ thể, có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh khác nhau, bao gồm vô sinh, một số bệnh ung thư, bệnh chuyển hóa, tình trạng thần kinh và rối loạn chức năng hệ thống miễn dịch.
Theo Laura N. Vandenberg, Tiến sĩ, giáo sư khoa học sức khỏe môi trường tại Đại học Massachusetts Amherst: “Đó mới chỉ là danh sách ngắn.”
Hussain muốn tự mình xem hạt vi nhựa và nhựa nano có thể làm gì bên trong cơ thể. Nhóm của ông đã ngâm các tế bào thận phôi người trong một lượng lớn nhựa thải ra từ các thùng chứa mà họ đang thử nghiệm.
Trong vòng 48 giờ, 76% tế bào thận phôi đã chết – gấp khoảng ba lần so với tỷ lệ tế bào đặt trong dung dịch loãng hơn. Phát hiện của Hussain chứng thực một nghiên cứu khác được công bố năm ngoái, xác định rằng việc tiếp xúc trực tiếp với vi nhựa có thể gây chết tế bào, viêm nhiễm và stress oxy hóa.
Nếu hộp nhựa có chứng nhận “an toàn với lò vi sóng” thì sao?
Mặc dù nhiều loại nhựa khác nhau được đánh dấu là an toàn với lò vi sóng nhưng thuật ngữ này có phần gây hiểu nhầm.
Nó chỉ đơn giản đề cập đến các loại nhựa không bị nứt hoặc tan chảy khi đun nóng, chứ không liên quan đến ảnh hưởng bởi thành phần hóa học của chúng. Các sản phẩm được cho là an toàn với lò vi sóng vẫn có thể chứa bisphenol, phthalate và nhiều thành phần có hại khác.
Hầu hết các loại nhựa sẽ có đánh số (từ một đến bảy) ở đâu đó trên bề mặt, thường là ở mặt dưới của hộp đựng để phân biệt loại nhựa. Bảy loại này bao gồm:
Polyethylene terephthalate (PET hoặc PETE): loại nhựa bán cứng thường được sử dụng làm chai soda, lọ bơ đậu phộng và sợi quần áo.
Polyethylene mật độ cao (HDPE): loại nhựa được sử dụng phổ biến nhất, thường thấy trong hộp đựng chất tẩy rửa, bình sữa và hộp đựng bột protein.
Polyvinyl clorua (PVC): một loại nhựa đa năng (có thể chứa phthalate) được sử dụng trong các ngành công nghiệp như chăm sóc sức khỏe, xây dựng và thời trang. Có thể thấy nó trong đường ống dẫn nước, rèm tắm, túi đựng máu y tế và da tổng hợp.
Polyethylene mật độ thấp (LDPE): một loại nhựa siêu dẻo, thường ở dạng trong suốt, được sử dụng để làm túi mua sắm, màng bọc thực phẩm và chai nước trái cây.
Polypropylen (PP): một loại nhựa dẻo, có thể đúc được, thường được bán trên thị trường dưới dạng chịu nhiệt hoặc an toàn với lò vi sóng. Nó được sử dụng để làm hộp đựng thực phẩm, bình sữa trẻ em, đồ chơi, v.v.
Polystyrene (PS): loại nhựa nhẹ thường có bọt, có thể tan chảy ở nhiệt độ cao, thường làm hộp đựng thực phẩm dùng một lần.
Loại khác: Hỗn hợp này bao gồm polycarbonate, polylactide, acrylic, acrylonitrile butadiene, styrene, sợi thủy tinh và nylon. Nhựa thuộc loại này có thể chứa bisphenol và thường thấy ở bình nước cỡ lớn, một số chai nước ép cam quýt và nước sốt cà chua.
Rogers, người từng làm việc trong lĩnh vực an toàn thực phẩm tại Bộ Nông nghiệp Mỹ, cho biết khách hàng nên cố gắng tránh các loại nhựa được đánh số một hoặc sáu – những loại nhựa được sử dụng một lần.
Những loại nhựa này thường có điểm nóng chảy thấp, “có nghĩa là khi bạn cho chúng vào lò vi sóng, chúng sẽ giải phóng hóa chất thậm chí còn nhanh hơn cả nhựa cứng”, chuyên gia nhấn mạnh.
Loại ba và bảy cũng là những loại có nhiều khả năng chứa phthalates và bisphenol nhất. Nếu “ở trên một hòn đảo hoang và nhựa là tất cả những gì có sẵn”, Rogers nói rằng ông sẽ chọn loại hai và năm.
“Chúng có điểm nóng chảy cao hơn và cũng không có xu hướng sứt mẻ hoặc vỡ vụn nhiều”, Rogers nói. (Tuy nhiên, nhóm của Hussain nhận thấy những loại hộp đựng này vẫn thải ra rất nhiều hạt vi nhựa khi đun nóng.)
Mặc dù nghiên cứu về nhựa vẫn đang được tiến hành nhưng các chuyên gia đồng ý rằng việc hạn chế nhựa vẫn là tốt nhất, thay vào đó nên sử dụng các chế phẩm từ thủy tinh khi cho vào lò vi sóng.
Nguồn tin: https://cafef.vn/sai-lam-cua-dan-van-phong-khi-dung-lo-vi-song-de-quay-com-ho-dang-nuot-them-vo-so-hat-la-vao-nguoi-188231219091112932.chn