Nhà Thanh có thể xem là sự kết thúc của chế độ phong kiến hơn 2.000 năm ở Trung Quốc, cũng là triều đại được các tác phẩm điện ảnh và truyền hình hiện đại yêu thích nhất, đặc biệt là những câu chuyện xoay quanh hậu cung phi tần và Hoàng đế.
Song chúng ta cũng nên biết rằng nhà Thanh là chế độ thuộc về tộc người Mãn ở Trung Quốc, không phải người Hán. Hoàng đế Mãn tộc, nhưng hậu cung không phải chỉ có phụ nữ người Mãn, còn có không ít người Hán.
Vậy thì có một câu hỏi được đặt ra, hậu cung nhà Thanh có nhiều phi tần như vậy, làm sao phân biệt được ai là người Mãn, ai là người Hán? Thực ra nếu để ý kỹ, có 2 điểm tạo nên sự khác biệt giữa phi tần thuộc 2 tộc người này:
1. Đôi tai
Người Mãn có nguồn gốc từ tộc người Nữ Chân và phong tục của họ rất khác với người Hán. Khi mới sinh ra, người Mãn được xỏ 3 lỗ khuyên ở hai bên tai. Đeo khuyên tai đã trở thành phong tục đặc trưng của họ. Hơn nữa, việc lựa chọn chất liệu khuyên tai cũng rất đặc biệt, bao gồm vàng, bạc, ngọc, cộng thêm tay nghề tinh xảo, hình dáng khác nhau, thậm chí một bên tai còn có thể đeo 4-5 chiếc khuyên.
Chất liệu của khuyên tai càng tốt thì thân phận, địa vị càng cao. Hầu hết những chiếc khuyên tai mà phụ nữ Mãn Châu bình thường đeo đều được làm bằng đồng. Do đó, không cần kiểm tra đối phương là người tộc nào, chỉ cần nhìn vào số lượng khuyên tai cũng có thể đại khái đoán được thân phận của một người phụ nữ sống ở thời nhà Thanh.
Người Hán không có thói quen này, dù có đeo khuyên tai thì đa số đều một tai một lỗ. Từ điểm này có thể phân biệt sự khác biệt giữa phụ nữ người Mãn và người Hán.
Điều đáng nói là sau khi người Mãn Châu thống trị thiên hạ Trung Quốc lúc bấy giờ, họ đã giữ vững phong tục này, tục lệ đeo khuyên tai đã được đưa vào hệ thống quy định và phụ nữ Mãn Châu phải thực hiện theo. “Một tai ba khuyên” dần trở thành quy củ!
2. Bàn chân
Nhìn đôi bàn chân là có thể phân biệt phụ nữ người Hán hay người Mãn.
Chúng ta đều biết người Mãn Châu giành lấy thiên hạ lúc bấy giờ bằng cách “cưỡi ngựa bắn cung”. Xuất thân từ tộc Nữ Chân nổi tiếng thiện chiến, bất kể phụ nữ hay nam giới, ai cũng đều giỏi cưỡi ngựa. Đương nhiên, tập tục “ba tấc kim liên” không được thực hiện, vì việc bó chân gây ảnh hưởng đến quá trình vận động mạnh như cưỡi ngựa, bắn cung, săn thú.
Người Hán thì khác! Từ thời Nam Tống, “ba tấc kim liên” trở thành một phong tục của nữ giới, người thời bấy giờ cho rằng phụ nữ có bàn chân nhỏ mới duyên dáng, xinh đẹp. Vì vậy, phụ nữ người Hán đều thực hiện bó chân từ khi tuổi còn nhỏ để ngăn cản sự phát triển của bàn chân. Phong tục này tiếp tục cho đến thời nhà Thanh.
Sau này, Hiếu Trang Hoàng hậu thời nhà Thanh từng ban hành mệnh lệnh: Cấm phụ nữ bó chân, người nào bó chân mà còn dám tiến cung sẽ bị trảm đầu. Thuận Trị năm thứ hai lại ban hành pháp lệnh nghiêm cấm bó chân. Khang Hi năm thứ nhất, Hoàng đế ban hành một mệnh lệnh rất nghiêm khắc: Người nào phạm tội thì cha mẹ của họ, nhẹ thì bị đánh 40 gậy, nặng thì bị đày 10 năm.
Song phong tục bó chân đã hình thành từ rất lâu đời, không phải muốn dừng là dừng. Mặc dù giai cấp thống trị lúc bấy giờ đã nhiều lần ra lệnh không cho phép bó chân nhưng người dân vẫn tiếp tục. Thậm chí sau này, phụ nữ Mãn Châu cũng bị ảnh hưởng bởi tục bó chân.
Nguồn: Sohu