Nhắc đến Huế là nhắc đến những lăng tẩm, công trình kiến trúc, địa danh, mang đậm màu sắc cung đình xưa. Song, nhiêu đó thôi, sẽ chưa thể nói lên hết về mảnh đất cố đô. Mà chỉ cần di chuyển ra khỏi trung tâm, ta còn thấy được một Huế nguyên sơ với thiên nhiên, mây trời, biển núi, một vẻ đẹp có phần sống động hơn, nhưng không đánh mất đi nét mộng mơ vốn có.
Khu rừng ngập mặn quý hiếm duy nhất tồn tại của hệ thống phá Tam Giang
Từ thành phố Huế, chạy một quãng đường chừng hơn 15km, du khách sẽ đến với khu rừng ngập mặn Rú Chá, thuộc làng Thuận Hòa, xã Hương Phong. Trong hệ thống đầm phá thuộc phá Tam Giang, đây là khu rừng ngập mặn nguyên sinh duy nhất còn giữ lại được cho đến tận bây giờ.
Sở dĩ có cái tên Rú Chá là bởi, trong tiếng Huế gọi rừng là “rú”, còn chá là loại cây được trồng phổ biến ở đây, chiếm khoảng 5ha. Mỗi mùa, khu rừng ngập mặn lại có một màu sắc riêng, khi thì xanh mướt mắt, lúc lại nhuộm màu vàng báo hiệu thu sang, có lúc chìm vào màu trắng khi tới mùa lá rụng.
Theo người dân địa phương, năm nay, nơi này bước vào mùa thay lá sớm hơn mọi khi, bình thường phải chờ tới khoảng giữa tháng 9, đầu tháng 10. Chỉ mới giữa hè mà ta đã được chứng kiến cả khu rừng chuyển từ màu xanh sang vàng, rồi trắng. Hàng ngàn cây chá mọc san sát nhau, tạo nên một mảng màu xám trắng lớn, nổi bật một góc trời.
Đây cùng là lý do mà nhiều gia đình xếp Rú Chá vào danh sách những điểm đến nhất định phải tới khi ghé thăm Huế trong chuyến du lịch hè.
Các hoạt động cho gia đình khi tới rừng Rú Chá
Lần đầu tiên đặt chân tới khu rừng ngập mặn, cảnh quan độc đáo cùng vẻ đẹp hoang sơ, bí ẩn khiến không ít người phải choáng ngợp và mong muốn chinh phục. Tại đây, ngoài các góc check in tuyệt đẹp còn có nhiều hoạt động phù hợp cho cả gia đình cùng hoạt động.
Đi xuyên rừng
Những cây chá khẳng khiu với bộ rễ to, dài, ôm trọn lấy con đường đã được rải nhựa phẳng phiu. Các gia đình có thể đi bộ, hoặc đạp xe men theo con đường để đi xuyên vào khu rừng ngập mặn. Gam màu xám trắng của cây cối, kết hợp với nắng vàng của mùa hè, đem đến cho du khách cảm giác vừa ma mị, vừa ấm áp, khác hẳn với khi đến đây vào mùa đông.
Ảnh:Lê Đình Hoàng /Visit Hue, Nguyễn Thùy Dương, @olyysun.ju_19
Thả hồn trên thuyền
Đi hết con đường xuyên rừng, mở ra trước mắt chúng ta sẽ là một Rú Chá với sông nước mệnh mông, rộng lớn của những đầm nuôi cá, tôm, thủy sản. Mọi người cũng có thể thuê một chiếc thuyền, lênh đênh cảm nhận cảnh sắc nơi đây. Thậm chí, người lái thuyền sẽ đưa bạn đi khám phá những ngóc ngách sâu nhất mà nếu chỉ đi bộ sẽ không thể đặt chân tới được.
Ảnh: @haanhtr, @ttmphuong99
Thu toàn khu rừng ngập mặn vào tầm mắt khi đứng trên đài quan sát
Một đài quan sát với chiều cao lên tới hàng chục mét đã được dựng lên từ cách đây vài năm, nay cũng trở thành nơi ngắm cảnh lý tưởng của du khách. Đứng từ đây, phóng tầm mắt ra xa, ta không chỉnhìn thấy cả con đường xuyên rừng lấp ló sau những hàng cây chá mà còn thu trọn vào tầm mắt những rừng đước, bần hay vẻ đẹp mênh mang, hùng vĩ của sông nước.
Cảm giác như chỉ cần đứng vào bất cứ góc nào ở Rú Chá cũng có thể thu về những bức hình độc đáo. Ảnh: @Vuphamphuonganh, @milo.dhn, Hà Phương.
Ngoài ra, cuối cuộc hành trình khám phá rừng Rú Chá , không thể bỏ qua tục đi lễ ở ngôi miếu thờ Bà Đức Thánh Mẫu. Mọi người tới đây thường cầu bình an và thưởng thức kiến trúc cổ của công trình tâm linh nằm giữa khu rừng ngập mặn.
Nên đến vào lúc nào là lý tưởng nhất?
Những năm qua, hạ tầng giao thông đã được cải thiện đáng kể, bởi đó mà đường tới khu rừng ngập mặn Rú Chá cũng cực kỳ dễ dàng, bằng phẳng. Các gia đình có thể gọi xe, hoặc tự di chuyển bằng phương tiện cá nhân. Từ trung tâm thành phố Huế, đi dọc theo quốc lộ 49B, hướng đi biển Thuận An, sẽ có biển chỉ dẫn tới phá Tam Giang, đi qua cầu Tam Giang và đập Thảo Long là tới Rú Chá.
Ảnh: Thùy Dương, @uyenphuong1101
Lý tưởng nhất là hãy tới rừng Rú Chá từ sáng sớm và tham gia các hoạt động, sau đó nghỉ ngơi, thưởng thức các món ngon từ thủy sản ở quanh đó. Không nên tới đây khi mặt trời đã xuống núi, bởi vừa không có ảnh đẹp mà còn vắng khách, lẻ loi giữa khu rừng hoang sơ rộng lớn.