Theo báo cáo của Quỹ Dân số Liên hợp quốc năm 2022 (UNFPA), Việt Nam thuộc nhóm 20 nước có tỷ lệ phá thai vị thành niên cao nhất thế giới với khoảng 300.000 ca/năm. Trong số này 30% là phụ nữ từ 15 – 19 tuổi, với 70% là học sinh, sinh viên. Còn theo thống kê của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, mỗi năm cả nước có 1,2 – 1,6 triệu ca nạo phá thai, trong đó 20% ở lứa tuổi vị thành niên. Đáng nói, có những sản phụ chỉ mới 12 -13 tuổi, độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” và cơ thể các em còn chưa phát triển hoàn thiện. Vì nhiều lý do khác nhau, chẳng hạn như bị xâm hại tình dục, thiếu hiểu biết về kiến thức về sức khỏe sinh sản mà dẫn tới những hậu quả vô cùng đau lòng.
Tình trạng này cho thấy, việc giáo dục giới tính cần được thực hiện sớm trong gia đình và nhà trường. Đây cũng là một trong những lý do dự án giáo dục giới tính S Project ra đời.
Không để trẻ em một mình
Giáo dục về giới tỉnh và bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại tình dục là một trong những khía cạnh cực kỳ quan trọng của việc nuôi dưỡng và phát triển sự an toàn, tự tin và khỏe mạnh cho các thế hệ trẻ. Việc cung cấp kiến thức và kỹ năng cần thiết giúp trẻ em hiểu rõ về cơ thể của mình, nhận biết được những rủi ro và nguy hiểm có thể đối mặt, đồng thời biết cách bảo vệ bản thân mình.
Nhận thức về kiến thức giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản không chỉ giúp trẻ em hiểu về sự toàn vẹn và quyền của bản thân đối với cơ thể, giúp các em phát triển nhận thức về việc đồng ý và biết cách tôn trọng người khác cũng như yêu cầu người khác phải tôn trọng mình. Qua những kiến thức và hiểu biết này, trẻ em có thể xây dựng được ranh giới cá nhân và học cách bảo vệ mình trước những tình huống đe dọa.
Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại tình dục đòi hỏi sự tập trung không chỉ từ phía trường học và gia đình mà còn từ cộng đồng và xã hội. Việc tạo ra môi trường an toàn, mở cửa cho trẻ em cảm thấy thoải mái khi chia sẻ và tìm kiếm sự giúp đỡ là cực kỳ quan trọng. Đồng thời, việc giáo dục người lớn nhận biết và phản ứng đúng đắn khi phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào của xâm hại tình dục cũng đóng vai trò không thể phủ nhận.
Những hậu quả đau lòng xảy ra phần nhiều vì sự xấu hổ và né tránh vấn đề nhạy cảm, nên trong tiềm thức trẻ khi gặp phải các tình huống xâm hại đều im lặng hoặc không biết cách tự bảo vệ mình. Tỉ lệ mang thai ngoài ý muốn ở trẻ vị thành niên không chỉ dừng ở giáo dục giới tính, nâng cao điều kiện sống, mà còn cần tuyên truyền tình dục an toàn, sử dụng các biện pháp tránh thai, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản sớm và phá thai an toàn…
Qua việc cung cấp kiến thức, kỹ năng và môi trường an toàn, chúng ta không chỉ bảo vệ trẻ em khỏi nguy cơ bị xâm hại tình dục mà còn xây dựng nền tảng vững chắc cho các em phát triển toàn diện và tự tin, góp phần vào sự phồn thịnh của xã hội.
Sự thiếu hụt kiến thức giáo dục giới tính của các em do nhiều nguyên nhân. Kể cả khi các em muốn tìm hiểu cũng chưa có cách tiếp cận đúng và ngược lại, người lớn còn e ngại né tránh và chưa tìm được cách truyền tải phù hợp. Chính vì thế, dự án S Project ra đời trước hết muốn cung cấp cho các em học sinh hệ thống kiến thức cơ bản, chính xác, hữu ích về giới tính. Từ đó, giúp các em không còn e ngại, sợ hãi trước những dấu hiệu biến đổi tâm sinh lý trong giai đoạn dậy thì và hình thành ý thức bảo vệ cơ thể khỏe mạnh.
Dự án cũng mong muốn bước đầu giúp các em hình thành nhận thức căn bản, đúng đắn để có trách nhiệm trong các mối quan hệ từ sớm, tránh được những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. Khi học sinh càng có hiểu biết sớm, các em sẽ càng có suy nghĩ chín chắn và biết cách bảo vệ bản thân trước những dấu hiệu của việc xâm hại tình dục hay quan hệ ngoài ý muốn.
Một điều quan trọng trong mục tiêu của S Project là hướng tới phá bỏ rào cản giữa cha mẹ và con cái, giữa nhà trường và học sinh về vấn đề bảo vệ sức khỏe giới tính và sinh sản. Từ đó, tìm ra tiếng nói chung để các bên có thể cởi mở trao đổi khi nói về chủ đề giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản. Đó cũng là điều cần thiết giúp các em được bảo vệ một cách lành mạnh hơn.
Đặc biệt, trong kỷ nguyên công nghệ số 4.0, các cạm bẫy trên mạng xã hội truyền thông nhiều vô kể, việc trang bị kiến thức giáo dục giới tính là điều vô cùng quan trọng khi hàng ngày các em tiếp xúc với môi trường mạng.
“Cùng em học cách trưởng thành”
Được thành lập vào tháng 10/2015, dự án tình nguyện về giáo dục giới tính và bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại tình dục mang tên S Project rất tâm huyết triển khai lý tưởng cũng như mục tiêu của mình. Với thông điệp “Cùng em học cách trưởng thành”, S Project mang đến cho trẻ em trong độ tuổi từ 6 – 15 các kiến thức về giới tính, trang bị kỹ năng bảo vệ bản thân và cung cấp nền tảng sức khỏe sinh sản cho vị thành niên.
S Project ưu tiên tiếp cận trực tiếp đối với trẻ em và phụ huynh học sinh thuộc các địa bàn đang triển khai hoạt động. Ngoài ra, thông qua hoạt động truyền thông online trên các nền tảng, dự án còn tiếp cận trực tiếp với phụ huynh, đối tác và các bạn trẻ quan tâm đến vấn đề này.
S Project đề cao sự bảo mật danh tính, có sự xin phép nhà trường/phụ huynh/các em nhỏ khi tham gia các chương trình về việc sử dụng hình ảnh cho mục đích truyền thông của dự án. Bên cạnh đó, dự án có các cam kết cho thành viên dự án và cam kết với nhân vật của Story of S (là người >18 tuổi) để đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm đối với cá nhân và dự án.
S Project cũng đã thu hút được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp/ cá nhân trong suốt chặng đường triển khai dự án. Lộ trình hoạt động được xây dựng rõ ràng, các quyền lợi cam kết tài trợ được đảm bảo, đồng thời thông tin cá nhân của trẻ em và gia đình được bảo mật, không cung cấp cho bên thứ 3 khi chưa có sự cho phép.
Giáo dục giới tính là lĩnh vực rộng lớn đồng thời có tầm quan trọng mật thiết với sự phát triển toàn diện của trẻ em. Thực trạng cho thấy công tác giáo dục giới tính chưa được đẩy mạnh ở trường học, ngoài ra, các bậc phụ huynh vẫn còn mang tâm lý khó xử, ngại ngùng trước việc giáo dục giới tính cho con. Hiểu được những hạn chế này, S Project đã phát động lộ trình “Cùng em học cách trưởng thành”.
Trong khoảng thời gian đầu thành lập, S Project đã nhận được sự bảo trợ của Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP). Dự án đã tiến hành hoạt động Giảng dạy tại 5 trường Tiểu học và THCS trên địa bàn Hà Nội và tổ chức cuộc thi đồng hành “Giáo dục giới tính: Vẽ đi – Đừng ngại!” trên cả nước. Giai đoạn này đã nhận được phản hồi tích cực từ phía nhà trường, học sinh và phụ huynh tham gia. Cụ thể, trong 3 tháng diễn ra sự kiện, dự án đã nhận được hơn 100.000 lượt tiếp cận trên mạng xã hội; nhận được hơn 200 bài dự thi cuộc thi vẽ đồng hành trong vòng 1 tháng.
Tiếp đó, dự án đã mang thông điệp đi xa hơn. S Project đã giảng dạy cho người khuyết tật ở Trung tâm Nghị lực sống (Hoàng Mai, Hà Nội), giảng dạy tại 6 trường Tiểu học và THCS tại Quảng Bình, tiến hành tập huấn Đại sứ cho S Project tại các trường Tiểu học và Trung học cơ sở tỉnh Quảng Bình. Ra mắt thành công Bộ ảnh “Giáo dục giới tính: Đừng để quá muộn!”.
Ở chặng cuối của S Project giai đoạn 2, dự án đã tổ chức thành công ngày hội triển lãm và trao giải tranh: “Phòng chống xâm hại tình dục, tôi có thể và bạn cũng thế” tại làng trẻ SOS, TP. Đồng Hới, Quảng Bình. Sự kiện không chỉ là sân chơi bổ ích dành riêng cho các em nhỏ của làng trẻ SOS mà còn thu hút sự quan tâm của rất nhiều phụ huynh và các em nhỏ tỉnh Quảng Bình. Cụ thể, sự quan tâm được thể hiện qua gần 4 nghìn lượt thích và 300.000 lượt tiếp cận trên mạng xã hội. Dự án cũng nhận được hơn 100 bài dự thi cuộc thi vẽ không chỉ của các em ở Làng trẻ SOS Quảng Bình mà còn nhận được sự quan tâm của Quỹ Bảo trợ trẻ em Quảng Bình và các ban ngành khác, như: Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Bình, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Bình, Phòng Giáo dục TP. Đồng Hới, Đại diện Làng trẻ SOS Quảng Bình,…
Đến giai đoạn 3, dự án lan tỏa thông điệp tới các em nhỏ ở Nghệ An. Các hoạt động gồm: Giảng dạy ở trường Tiểu học, THCS; Tổ chức thành công ngày hội “Share to share”; Cuộc thi viết đồng hành “Những lá thư chưa gửi”; Bộ truyện tranh “Vẽ tâm tư – Tô ước muốn” ở TP Vinh, Nghệ An. Trong 4 tháng tổ chức sự kiện, dự án nhận được 5 nghìn lượt thích và hơn 100.000 lượt tiếp cận; đồng thời tổ chức cũng nhận được hơn 100 bộ truyện tranh và 200 bài viết dự thi, thu hút hơn 400 em học sinh và phụ huynh tham gia ngày hội.
Các chương trình do S Project thực hiện có sự tham gia của PGS. TS. Nguyễn Ngọc Oanh – Cố vấn dự án, Á hậu 1 Ngô Thanh Thanh Tú – Đại sứ dự án, các khách mời của chương trình: Ca sĩ Hoàng Bách, ThS, BS tâm lý Trần Thị Hương Nhài, Ca sĩ nhí Ruby Bảo An và Anh Quân. Ngoài ra, dự án cũng nhận được sự quan tâm của các cơ quan ban ngành trên địa bàn và các kênh truyền thông, thông tin truyền hình và báo chí.
Những quả ngọt thu được và tiềm năng hướng đến tương lai
Sau 4 năm thành lập và hoạt động (2015 – 2019), S Project đã đạt được những thành tựu trong các hoạt động của mình. Cụ thể, dự án tiếp cận trực tiếp đến hơn 10.000 em nhỏ thông qua các hoạt động giảng dạy và 2 sự kiện tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Bình, Nghệ An,… ; tiếp cận gián tiếp khoảng 1.000 em nhỏ và các phụ huynh thông qua các cuộc thi vẽ, viết thuộc chuỗi sự kiện đồng hành.
Tổ chức thành công 5 CLB giới tính tại các trường Tiểu học và THCS trên cả nước. Các CLB tổ chức các hoạt động tìm hiểu về giới và phòng chống xâm hại tình dục trẻ em; chương trình phát thanh măng non tại trường học; tham dự các cuộc thi sáng kiến cho em trẻ (có 1 nhóm CLB thuộc trường THCS Mỹ Trạch, Quảng Bình đạt giải Nhì cấp quốc gia năm 2016 – 2017, 2 nhóm CLB đạt giải cấp tỉnh, thành phố năm 2016 – 2017 và 2017 – 2018).
Ngoài ra, S Project là một trong 8 CLB/Đội/Nhóm đạt Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia do TW Đoàn Thanh niên và UN Volunteer tổ chức năm 2018; đạt Giải Nhì Giải thưởng thanh niên kiến tạo năm 2019 do CSDS và Quỹ Irish Aid tổ chức.
Có lẽ, những thành quả trên là rất nhỏ trong lĩnh vực giáo dục giới tính cho trẻ em ở Việt Nam. Tuy nhiên, dự án S Project là một hạt giống đẹp cần được nhân rộng khi hướng đến những giá trị tích cực, nhân văn và cần thiết.
Giáo dục giới tính là một vấn đề cần được thẳng thắn nhìn nhận và quan tâm kịp thời, đặc biệt trong bối cảnh hiện tại với lối sống hiện đại chúng ta lại càng nên trang bị đủ đầy kiến thức. Phòng chống xâm hại tình dục trẻ em là một điều cần thiết được triển khai trong mọi thời điểm, đặc biệt với giai đoạn công nghệ bùng nổ, chúng ta càng thêm chú ý để bảo vệ các em trên môi trường mạng.
Cùng với sức trẻ nhiệt huyết của dự án, có sự tham vấn của các chuyên gia tâm lý, nhà báo dày dặn kinh nghiệm trong quá trình làm việc với trẻ em, S Project đã rất cố gắng hoàn thiện tốt các hoạt động của mình.
Những điều này cũng cho thấy, những dự án như S Project cần được cộng đồng, xã hội bảo trợ, nhân rộng và yêu thương nhiều hơn nữa.
“Giải thưởng Hành động vì cộng đồng – Human Act Prize” do Báo Nhân Dân chỉ đạo tổ chức, với sự tham gia đồng hành của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng sự phối hợp tổ chức của Công ty Cổ phần VCCorp và nhà tài trợ Kim cương Bắc Á Bank. Giải thưởng nhằm tôn vinh các cá nhân, tổ chức có những đóng góp tích cực cho xã hội thông qua những sáng kiến, dự án cộng đồng uy tín, mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững.
Không chỉ tôn vinh và lan tỏa, Giải thưởng Hành động vì cộng đồng – Human Act Prize còn ra đời với mục tiêu đồng hành, định hướng và kết nối mọi cá nhân và tập thể đã, đang và sẽ mang trên vai trách nhiệm vì cộng đồng trong hành trình của họ.
Trong khuôn khổ vòng chung kết của Giải thưởng, Triển lãm Hành động vì cộng đồng 2023 sẽ được diễn ra từ ngày 24/11 – 3/12 Tại Văn Miếu Quốc Tử Giám – Hà Nội, và Gala trao giải sẽ được diễn ra vào 11/12 tại Nhà hát Hồ Gươm – Hà Nội. Đêm Gala của Human Act Prize là nơi quy tụ các sáng kiến về CSR và phát triển bền vững nổi bật năm 2023 của các doanh nghiệp, tổ chức lớn trong nước như Tập đoàn TH, Ngân hàng Quân đội (MB), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Công ty CP Sữa Việt Nam Vinamilk…
Đêm Gala cũng nhận được sự đồng hành và cổ vũ từ những tập đoàn lớn trong nước như Ngân hàng TMCP Bắc Á, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank)…
Rất mong nhận được sự quan tâm và ủng hộ của cộng đồng!
Website chính thức: https://humanactprize.org