Bạn đã bao giờ thấy điện thoại của mình bất chợt đổ lên một hồi chuông rồi dừng? Nếu điều đó xảy ra, và đó là một số điện thoại lạ thì tốt nhất đừng gọi lại. Rất có thể, bạn đã trở thành mục tiêu của trò lừa đảo qua điện thoại có tên “1 lần chuông”.
Không phải lúc nào mục tiêu của những kẻ lừa đảo cũng là khiến nạn trả lời cuộc gọi. Đôi lúc, chúng sẽ tìm cách khiến họ phải gọi lại.
Số 1 cám dỗ
Theo chuyên gia công nghệ tiêu dùng Matthew Hughes (đến từ Liverpool, Anh), trò lừa này còn có tên gọi là Wangiri, nó được vạch kế hoạch nhằm đánh vào sự tò mò mang tính bản năng của con người. Nhiều người sẽ gọi lại khi thấy có cuộc gọi nhỡ mà không hề đề phòng, thậm chí cả khi đó là một số điện thoại quốc tế đầy bí ẩn.
Có nhiều trường hợp mà nạn nhân nhận được tới hàng chục cuộc gọi nhỡ trong một ngày. Bản chất lặp đi lặp lại của trò lừa đảo này chính là gia tăng thêm áp lực và kích thích sự tò mò của nạn nhân.
Nếu nạn nhân gọi lại, cuộc gọi đó có thể sẽ được chuyển hướng tới một số điện thoại có cước phí cao. Sau đó, nạn nhân sẽ bị thao túng để giữ máy càng lâu càng tốt. Đáng nói, nạn nhân giữ máy càng lâu, những kẻ lừa đảo càng kiếm được nhiều tiền.
Để thực hiện kế hoạch này, những kẻ lừa đảo đã sử dụng phương thức tấn công tác động trực tiếp tới tâm lý con người.
Một số nạn nhân cho biết, khi gọi lại, họ được thông báo rằng mình đã giành được một giải thưởng (thường là tiền) và được khuyến khích giữ máy để chờ tới lượt nhận giải.
Tuy nhiên, có những kẻ lừa đảo chỉ muốn kiểm tra sự kiên nhẫn của nạn nhân bằng cách để họ nghe nhạc chờ mà không có bất cứ “mồi nhử” nào khác.
Hình thức lừa đảo Wangiri bắt nguồn từ Nhật Bản. Wangiri được diễn giải theo nghĩa “rung 1 lần rồi dập máy”. Đây là một chiêu trò lừa đảo mang quy mô quốc tế khi nó đã được tiến hành ở nhiều nơi trên thế giới. Các phương tiện truyền thông của Anh, Canada, Ireland, New Zealand, Mỹ đều đã đưa ra cảnh báo về chiêu trò lừa đảo này.
Theo bài viết trên tờ “Which?”, các nạn nhân đã nhận được một loạt cuộc gọi nhỡ từ những số điện thoại có mã vùng của nhiều quốc gia, thậm chí từ các nước châu Phi đang phát triển như Mauritania, Liberia, Comoros, Chad, và một số nước/vùng lãnh thổ ở Thái Bình Dương như Nauru và Quần đảo Cook.
Hàng nghìn cư dân của Vương quốc Anh, thậm chí cả chuyên gia Hughes – người đưa ra cảnh báo này, cũng bị tấn công bởi các cuộc điện thoại lừa đảo có mã vùng Thụy Sĩ.
Làm gì để đảm bảo an toàn?
Theo chuyên gia Hughes, chỉ có một cách duy nhất giúp bảo vệ bạn khỏi chiêu trò lừa đảo này, đó là tránh gọi lại khi thấy cuộc gọi nhỡ từ số lạ, đặc biệt là những cuộc gọi có đầu số quốc tế. Những người có chuyện gấp hoặc chuyện quan trọng cần trao đổi với bạn thường có xu hướng để lại tin nhắn nếu không liên hệ được với bạn.
Nếu bạn bị “mê hoặc” bởi những cuộc gọi bí ẩn, hãy dành chút thời gian tra cứu số điện thoại lạ thông qua Google hoặc các trang web tra cứu ngược số điện thoại. Điều đó sẽ giúp bạn xác định xem đây có khả năng là một tình huống lừa đảo hay không.
Một số trang web sẽ tập hợp các số điện thoại lừa đảo và spam do nhiều người dùng cá nhân báo cáo thông qua các trang cộng đồng.
Nếu liên tục nhận được các cuộc gọi Wangiri, bạn hãy cân nhắc đổi số điện thoại. Những kẻ lừa đảo thường lấy được số điện thoại của bạn thông qua những thông tin rò rỉ. Trong vài năm qua, hàng triệu (thậm chí hàng tỷ người) đã bị rò rỉ thông tin cá nhân trên internet do các biện pháp bảo mật vụng về.
Bạn cũng có thể liên hệ với công ty cung cấp dịch vụ điện thoại để yêu cầu chặn tất cả các cuộc gọi đến từ đầu số quốc tế.