Có ai đó đã từng nói ”Bố mẹ là lần đầu tiên làm bố mẹ và con cũng là lần đầu tiên làm con, thế nên chúng ta hãy cùng nhau đồng hành để sống một cuộc sống thật hạnh phúc”. Quả thực không ít ông bố, bà mẹ thừa nhận rằng họ đã từng cảm thấy quá khó khăn, nhiều lo lắng khi bản thân chưa sẵn sàng, chưa trang bị đủ kiến thức và lòng bao dung để chăm sóc và nuôi dạy các con.
Việc con cái có mặt trên cuộc đời này là lựa chọn của cha mẹ và họ có trách nhiệm chăm sóc, bảo ban, nuôi dưỡng những đứa trẻ khôn lớn. Trong quá trình ấy, trẻ phải học rất nhiều điều, nhưng ngay chính những người lớn cũng cần học: Học cách để trở thành cha mẹ tốt. Dưới đây là 2 điều mà cha mẹ càng nhận ra sớm thì càng dễ nuôi dạy con thành công.
1. Con cái chính là tấm gương phản chiếu của cha mẹ
Chúng ta đều biết 6 cấp độ nhận thức được sắp xếp theo mức độ từ đơn giản đến phức tạp, bao gồm: Nhớ, hiểu, vận dụng, phân tích, đánh giá và sáng tạo.
Con trẻ độ tuổi lên 4 lên 5 thì chỉ ở cấp độ tư duy đầu tiên, tức là nhớ. Cái sự nhớ của trẻ ở giai đoạn này hình thành chủ yếu do bắt chước. Chúng bắt chước một cách máy móc và rập khuôn để nạp dữ liệu cho cấp độ tư duy đầu tiên này. Do đó, sẽ tốt hơn nhiều nếu bố mẹ chào trước. Nếu con trẻ quên thì nhắc để con nhớ.
Việc cha mẹ thỉnh thoảng mất kiểm soát trước mặt con trẻ là những khoảnh khắc khó mà tránh khỏi. Có lúc sự giận dữ nhằm răn đe trẻ, có khi là để xả giận cho vấn đề khác, tuy nhiên cho dù vì bất kỳ lý do gì, các hành vi này đều sẽ để lại những ấn tượng tiêu cực khá sâu sắc cho con
Ngoài ra, các chuyên gia cũng bổ sung thêm quan điểm rằng những ảnh hưởng tiêu cực từ việc thường xuyên chứng kiến sự tức giận của người lớn xung quanh, có thể khiến trẻ mất tập trung học tập, thậm chí là giảm khả năng thích ứng với thế giới xung quanh. Trẻ con thường coi cha mẹ, những người thân thuộc nhất, là cả thế giới với các em. Do đó, khi cha mẹ cáu gắt, việc phải chứng kiến cha mẹ giải toả cảm xúc tiêu cực, đối với trẻ tương đương việc phải chứng kiến thế giới của chúng đang bất ổn.
Vậy nên, muốn con trở thành người như thế nào, trước tiên cha mẹ hãy cố gắng trở thành tấm gưỡng mẫu mực của con. Một người bố chỉ mê game không thể có đứa con thích đọc sách. Một người mẹ lười dọn dẹp nhà cửa không thể có đứa con chăm chỉ. Mọi thói quen đều do sự tích lũy từng ngày. Trẻ cũng sẽ học được rất nhiều điều trong quá trình chung sống với cha mẹ.
2. Con cũng là người thầy của cha mẹ
Khi đi qua những khó khăn, vất vả trong quá trình nuôi, dạy con, nhiều bậc phụ huynh thấy mình đã trưởng thành nhiều: biết lắng lại để nghe (nghe con, nghe vợ, nghe mọi người xung quanh), kiên nhẫn hơn (trong dạy con, trong công việc và trong cuộc sống), biết trân quý những điều mà trước đây nghĩ là bình thường (ngắm các con vui chơi, đi dạo cùng gia đình).
Trẻ rất ngây thơ, hồn nhiên, sống đúng với tuổi. Trong mắt con mọi thứ đều tươi đẹp, thuần khiết. Đó là điều mà người lớn chẳng có bởi cuộc sống của họ luôn tràn ngập khó khăn, mệt mỏi. Đôi khi bố mẹ cũng muốn nhìn mọi thứ dưới góc độ của con để sự việc trở nên dễ chịu và dễ giải quyết hơn.
Con cái cũng dạy cha mẹ sống trọn khoảnh khắc trong cuộc đời. Thay vì vừa chơi với con vừa nghịch điện thoại, những đứa trẻ dù không nói nhưng luôn mong bố mẹ tập trung sự chú ý vào con, dành cho con thời gian chất lượng nhất.
Con cũng dạy cho cha mẹ cách để luôn mỉm cười mỗi ngày, hạnh phúc đến từ những điều giản đơn trong cuộc sống. Ba mẹ nên học cách suy nghĩ và nhìn cuộc đời lạc quan của con. Từ khi có con, cuộc sống của cha mẹ thay đổi rất nhiều, cả tích cực lẫn khó khăn. Thế nhưng điều quan trọng là cha mẹ biết trân trọng những giây phút của sự hạnh phúc, rằng có con là điều tuyệt vời đến nhường nào.