Có 6 người con nhưng từ ngày nghỉ hưu đến nay vợ chồng ông Vũ Hữu Giao, 86 tuổi, quyết định ở riêng, tự chủ hoàn toàn về tài chính và sinh hoạt.
Ông Giao từng là giảng viên trường đại học Nông lâm Thái Nguyên còn bà trước là công nhân. Lương hưu của hai ông bà gần 15 triệu đồng mỗi tháng.
Giải thích về chuyện vì sao mấy chục năm nay chỉ có vợ chồng chăm nhau mà không sống cùng con cháu, ông Giao nói mình vẫn có sức khỏe tốt, trí não minh mẫn và có thể tự phục vụ bản thân. “Không gì bằng độc lập tự do”, ông nói, khi đang ngồi trong nhà ở Đồng Hỷ, Thái Nguyên.
Hàng ngày ông giáo về hưu làm thơ, đọc sách, tham gia CLB thơ, rồi hội khuyến học địa phương, dòng họ hoặc phụ vợ việc vặt trong nhà để bà nấu ăn, chăm vườn rau.
Ông vẫn chạy xe máy gom quần áo từ thiện cho đồng bào Mông ở cách nhà hơn 30 km, lên tỉnh họp hay đến thăm bạn bè khác xã. Sống riêng, ông bà ăn theo nhu cầu, làm theo sở thích.
“Thời đại công nghệ thông tin phát triển, nếu có ốm đau chỉ cần gọi một cái là con cháu kéo đến ngay, không việc gì phải ở chung”, ông Giao nói.
Hơn 30 năm qua, vợ chồng bà Nguyễn Hồng Hạnh, 77 tuổi, ở Nam Từ Liêm, Hà Nội sống riêng trong một căn chung cư rộng hơn 70 m2. Hai con trai và một con gái của ông bà đều thành đạt và ở riêng nơi khác. Hàng ngày ông bà thuê người tới nấu ăn, dọn dẹp. Thời gian rảnh, ông đọc sách lịch sử, bà tham gia lớp học thêu hoặc học đàn.
“Ở riêng con cái vui mà mình cũng vui. Việc gì phải ở chung để gây xung đột”, bà Hạnh nói.
PGS.TS. Huỳnh Văn Chẩn, trưởng khoa Công tác xã hội (ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP HCM), phó chủ tịch hội Tâm lý học Việt Nam cho rằng người già chủ động không sống cùng con cháu như ông Giao hay bà Hồng Hạnh đang là xu hướng của xã hội Việt Nam hiện đại thay cho mô hình gia đình ba, bốn thế hệ trước kia.
Theo thống kê của Viện Dân số sức khỏe và Gia đình công bố năm 2020, 19% trong 6.000 người cao tuổi được khảo sát sống riêng hai vợ chồng, 8,6% người cao tuổi ở một mình, trong đó hơn một nửa ở gần con cái như sống cùng phường, cùng xã để tiện đi lại, chăm sóc.
Trong một nghiên cứu khác của Viện nghiên cứu Gia đình và Giới, tỷ lệ người cao tuổi sống cùng bạn đời cũng tăng từ 9,48% vào năm 1992-1993 lên 50,4% vào năm 2017. Tỷ lệ người cao tuổi sống cùng con từ gần 80% năm 1992 giảm xuống 28% vào năm 2017.
Ông Chuẩn cho rằng ngày nay, nhiều người già có sức khỏe tốt lại có tài chính, hiểu biết và tư tưởng cởi mở hơn, thích riêng tư, muốn tự do. Họ hiểu về những nguy cơ, hệ lụy do bất đồng quan điểm giữa các thế hệ khi ở chung và tôn trọng không gian riêng tư con cái.
Người già cũng không muốn thành gánh nặng của con mà để thế hệ sau tập trung cho công việc và gia đình riêng.
Ở một số gia đình, người trẻ lên thành phố sống và lập nghiệp, cha mẹ không muốn rời xa quê hương nên chọn sống riêng. “Ngày nay có nhiều dịch vụ chăm sóc cho người già nên họ có thể sống tách riêng mà không cần phụ thuộc vào sự chăm sóc của con cháu”, ông Chẩn nói.
Ông giáo về hưu Vũ Hữu Giao đồng ý với quan điểm này khi cho biết, nếu sau này sức khỏe suy giảm nhưng vẫn minh mẫn, ông bà sẽ thuê giúp việc chăm sóc thay vì ở chung một ngôi nhà nhiều thế hệ.
Vợ chồng bà Hồng Hạnh cũng tuyên bố với các con nếu sức khỏe quá tệ, ông bà sẽ thuê dịch vụ y tế chăm sóc tại gia. “Chúng tôi cũng nghĩ sẽ tìm một viện dưỡng lão cao cấp để ở nếu chẳng may những dịch vụ kia không đáp ứng được”, bà nói. Ông bà cũng đã lên sẵn kế hoạch khi qua đời như lập di chúc, mua đất nghĩa trang, chuẩn bị tiền mai táng.
Họ từng sống chung với vợ chồng người con cả khi con mới lập gia đình. Cũng từ đó, xung đột thế hệ bắt đầu nảy sinh. Chồng bà Hạnh bị huyết áp cao nên phải ăn nhạt, bà có dấu hiệu tiểu đường nên không ăn được đồ ngọt, chuyển từ cơm thường sang cơm gạo lứt. Hàng ngày, để đỡ phiền các con, ông bà tự chuẩn bị bữa riêng, ăn trước nhưng vẫn không thoải mái khi nhà bốn người có tới ba chế độ ăn.
Ông bà muốn ngủ sớm, dậy sớm thể dục để giữ sức khỏe, nhưng mất ngủ vì cháu nhỏ khóc đêm hay tiếng ồn vì con cháu ngủ muộn. Ở chung một nhà nhưng các thành viên hiếm khi trò chuyện, gặp gỡ.
“Dù chẳng ai ghét ai đâu, nhưng lịch sinh hoạt không trùng nhau làm người này khó chịu với người kia. Mỗi người một câu, thành ra không khí ngột ngạt, căng thẳng”, bà Hạnh kể.
Sống chung được hơn một năm, vợ chồng con trai đề nghị được ra ở riêng. Ông bà ủng hộ, rút tiết kiệm cho con một khoản mua nhà. Hai con mua căn chung cư khác tòa nhà nhưng chung một khu để tiện qua lại thăm bố mẹ.
Kết quả điều tra của Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam năm 2020 về tiêu chí gia đình hạnh phúc tại TP HCM chứng minh thêm điều đúc kết của bà Hạnh. Theo đó, cứ 2,2 người thì có một người không hạnh phúc khi chung sống với con cháu.
PGS.TS Huỳnh Văn Chẩn cho rằng khi ở riêng, người già cảm thấy mình được làm chủ cuộc sống, không phải phụ thuộc con cháu. Họ cũng duy trì độc lập tài chính. Trong khi đó con cháu cũng giảm được áp lực phải chăm sóc cha mẹ, ông bà và có thời gian tập trung vào cuộc sống, sự nghiệp.
“Sự độc lập của người già có thể tạo không gian cho mối quan hệ giữa hai thế hệ phát triển một cách tích cực”, ông Chẩn nói.
Từ ngày ở riêng, mâu thuẫn mẹ chồng – nàng dâu của bà Hồng Hạnh và con dần xóa nhòa. Vào dịp cuối tuần, các con về ăn cơm cùng ông bà, nấu những món hai người già thích hoặc cả nhà đi du lịch cùng nhau.
“Vợ chồng tôi không còn bị mất ngủ, sinh hoạt điều độ nên sức khỏe và tâm lý tốt hơn, thành ra cũng vui vẻ với các con hơn”, bà nói và thừa nhận ra ở riêng là cách vun đắp cho hạnh phúc của chính mình lẫn các con.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia người già sống riêng có thể đối mặt với cảm giác cô đơn, thiếu sự chăm sóc từ người thân. Vì vậy, để vui khỏe, họ nên tham gia vào các hoạt động xã hội, CLB hoặc lớp học để tăng cơ hội giao tiếp và kết nối. Cha mẹ và con cái ở riêng có thể duy trì tình cảm bằng cách thường xuyên gặp gỡ, trò chuyện, tham gia các hoạt động cùng nhau.
Các tổ chức xã hội và cộng đồng có thể cung cấp, hỗ trợ người già sống riêng thông qua các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ tài chính và các hoạt động xã hội.
Cứ cuối tuần, các con cháu lại thay nhau tụ về nhà ông Vũ Hữu Giao chơi cùng ông bà. Mỗi năm, gia đình ông Giao có hai ngày con cháu tề tựu đông đủ nhất là dịp 2/9 và ngày mùng 2 Tết. Lễ Quốc khánh trùng với ngày giỗ, cũng là dịp để ông trao phần thưởng từ quỹ khuyến học cho các cháu. Còn Tết là dịp người trẻ về mừng thọ ông bà, cả gia đình trò chuyện, thăm hỏi nhau, là cơ hội kết nối mọi thành viên.
Chưa bao giờ vợ chồng ông Giao buồn khi ở riêng, bởi lịch trình bận rộn và vui nhộn. Sáng thức giấc, ông bà tập thể dục, tối nghe nhạc, xem thời sự trước khi đi ngủ. Trong ngày, mỗi người tất bật với sở thích của riêng mình, gặp gỡ bạn bè, hàng xóm.
“Tôi đọc sách thấy bảo làm thơ giúp rèn luyện trí não nên mỗi tuần làm một bài đăng lên mạng xã hội, dù biết thơ mình chẳng hay đâu”, ông cười nói.
Phạm Nga
Nguồn tin: https://vnexpress.net/cha-me-gia-song-rieng-4733033.html