Những năm vừa qua, tệ nạn bắt cóc, mua bán trẻ em vẫn diễn ra đầy nhức nhối và để lại nỗi đau quá lớn cho nhiều gia đình có con trở thành nạn nhân. Điều này cũng gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh các bậc phụ huynh về việc nên bảo vệ con cái ra sao, dạy kỹ năng gì cho chúng để tránh tối đa việc rơi vào tay kẻ xấu.
Liên quan đến câu chuyện này, cô Trương – một phụ huynh đến từ Trung Quốc đã chia sẻ lại câu chuyện gia đình mình từng trải qua. Theo đó, cách đây ít năm, khi đó hai cậu con trai sinh đôi của cô Trương mới 3 tuổi. Một ngày nọ, cô Trương đưa hai bé đến công viên gần nhà để chơi. Tại đây, cô tình cờ gặp lại người bạn từng học đại học của mình, vì rất bất ngờ nên cô và người này đã lập tức ngồi xuống hàn huyên tâm sự một cách hăng say. Vì trò chuyện quá nhập tâm nên đến lúc giật mình nhớ ra hai cậu con trai, cô Trương phát hiện hai đứa trẻ đã biến mất.
Cuối cùng, cô Trương quyết định gọi cảnh sát. Thông qua camera theo dõi tại công viên, cô phát hiện con mình đã lên một chiếc xe lạ. Tuy nhiên, khi cảnh sát lần theo biển số xe và tìm ra nó thì hai cậu con trai của cô Trương không hề có trên xe. Cả gia đình cô vô cùng lo lắng, thậm chí cô Trương còn ngất lên ngất xuống, khóc nhiều đến nỗi không thể đứng nổi vì ân hận, sợ con xảy ra chuyện gì.
May mắn thay, tới tối khuya cùng ngày, cảnh sát đã đưa được hai đứa trẻ trở lại. Hỏi ra mới biết, hai đứa trẻ được đưa lên xe một thời gian ngắn sau đó bọn buôn người tính di chuyển sang xe khác nên đưa hai đứa trẻ xuống. Không ngờ vừa xuống, người anh nhìn thấy một người đàn ông rất giống bố mình nên đã quay về phía người đàn ông đó và hét lên: “Bố đến rồi kìa!”. Đám buôn người nghe thấy tưởng bố mẹ hai đứa trẻ đã tới nên vội vàng bỏ chạy.
Lắng nghe câu chuyện, ai nấy đều không khỏi cảm thán. May mắn là nhờ một chút hiểu lầm nhỏ mà người anh đã vô tình cứu được cả hai anh em. Tuy nhiên, nhiều người cũng chỉ trích cô Trương vì quá sơ ý khi đã tạo cơ hội cho bọn buôn người phạm tội.
Cha mẹ cần phải làm gì để bảo vệ con?
1. Hãy quan tâm đến con nhiều hơn
Khi đưa con ra ngoài chơi, cha mẹ luôn phải chú ý xem trẻ có đang ở bên cạnh hay trong tầm mắt của mình không. Một số cha mẹ khi đưa con đi chơi, khi gặp người quen hoặc có điều thú vị là mải mê tán gẫu hoặc cắm mặt vào điện thoại đến độ quên luôn con mình khiến trẻ vô tình bị lạc.
Cha mẹ hãy cố gắng không đưa con đến những nơi quá đông người hay có tình hình phức tạp, bởi đây là nơi kẻ xấu dễ lợi dụng sơ hở để bắt cóc trẻ. Khi cha mẹ có việc đột xuất, tuyệt đối không để người lạ trông con dù chỉ trong thời gian ngắn.
Đồng thời, cha mẹ nên chú ý xem con mặc quần áo màu gì, đeo những phụ kiện gì và những đặc điểm nổi bật khác để có thể nhờ sự giúp đỡ ngay khi tai nạn xảy ra. Cha mẹ cũng không nên thêu tên trẻ lên quần áo, viết tên trẻ lên đồ dùng trẻ thường mang theo, đề phòng bị người lạ xưng là người quen hoặc cha mẹ lừa gạt trẻ.
2. Nâng cao cảnh giác trong những giai đoạn nhạy cảm
Các kỳ nghỉ lễ như nghỉ Tết, nghỉ hè hay sau giờ học là thời điểm dễ xảy ra nạn bắt cóc. Nếu cha mẹ bận công việc không có thời gian chăm sóc trẻ, buộc phải để trẻ ở nhà một mình thì phải dặn trẻ không được mở cửa nếu có người lạ gõ cửa, không được nhận lời mời đi chơi/đi ăn… của người lạ. Điều này áp dụng ngay cả khi người lạ được cho là bạn của cha mẹ.
Phụ huynh cũng nên thỏa thuận với giáo viên trong trường rằng không ai khác sẽ đón con bạn ngoại trừ bạn và người bạn chỉ định, đồng thời cho giáo viên biết phương thức liên lạc của bạn để liên lạc kịp thời nếu có tình huống xấu xuất hiện.
3. Dạy con cách chống lại cám dỗ
Cha mẹ nên cho trẻ học cách không bị cám dỗ bởi bất cứ thứ gì người lạ cho, không ăn uống đồ ăn thức uống do người lạ đưa, không đi theo người lạ đến những nơi xa lạ, không được tin lời của người lạ, nhất là câu “Cô/chú/bác là bạn của bố/mẹ con”. Thay vào đó, cha mẹ nên dạy trẻ cách nói rõ ràng với người lạ rằng bố mẹ bé đang ở gần đây hoặc sử dụng câu nói “Bố/Mẹ sẽ đến đón con ngay bây giờ đấy” để dọa kẻ xấu.
Hãy nói với trẻ: Nếu người lạ còn quấy rầy con, con chỉ cần gây tiếng động, nhân lúc họ không chú ý, con phải chạy đến chỗ đông người, kêu cứu để thu hút sự chú ý của người qua đường. Điều đặc biệt cần lưu ý là hãy dặn con đừng hoảng sợ khi có chuyện xảy ra và đừng bao giờ đi theo người lạ đến những nơi vắng vẻ hoặc nhà của người đó.
4. Dạy con cách xử lý khi phát hiện có người theo dõi
Cha mẹ cần chuẩn bị kỹ năng bảo vệ bản thân cho con trong mọi trường hợp. Nếu con phát hiện mình bị người khác theo dõi khi đi một mình, cha mẹ cần hướng dẫn con tìm cách cắt đuôi. Cách đơn giản nhất là tìm đến một ngã tư và hỏi đường các chú cảnh sát giao thông, hoặc nói thẳng rằng có kẻ xấu đang theo dõi bé.
Việc dạy trẻ biết cách kêu cứu khi gặp nguy hiểm là hết sức quan trọng.
5. Dạy con cách xử lý khi không tìm thấy bố mẹ
Khi trẻ trên 4 tuổi, phụ huynh đã có thể dạy cho trẻ nhớ địa chỉ nhà, số điện thoại của cha mẹ cũng như cách sử dụng điện thoại công cộng. Nếu trẻ trên 5 tuổi, trẻ cần học được cách nhận biết đường, xác định phương hướng, biết tên điểm xe buýt gần nhà nhất.
Nếu trẻ bị tách khỏi cha mẹ lúc đang ở sân chơi, công viên, hãy dạy trẻ đứng yên tại chỗ chờ đợi một lúc, sau đó có thể nhờ nhân viên đến phòng phát thanh để phát thông báo hỗ trợ.
Đừng đợi bi kịch xảy ra rồi mới biết hối hận, mất con thì gia đình cơ bản sẽ đổ vỡ, cha mẹ phải chăm sóc con cái thật tốt, nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng ngừa an toàn. Chúng ta không thể loại bỏ kẻ xấu, chúng ta có thể chỉ cố gắng hết sức để tránh trở thành mục tiêu của kẻ xấu.