Viêm nhiễm là tình trạng sức khỏe rất thường gặp. Đây là một phản ứng bình thường của hệ thống miễn dịch nhằm bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm khuẩn, chấn thương hoặc một bệnh lý cụ thể nào đó. Tuy nhiên, nếu viêm nhiễm kéo dài (viêm mạn tính) có thể dẫn tới nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, ví dụ như tiểu đường, tim mạch, ung thư…
Có rất nhiều yếu tố có thể dẫn tới viêm mạn tính, chẳng hạn như căng thẳng, hút thuốc lá, lạm dụng đồ uống có cồn và chế độ ăn uống không hợp lý.
Từ các nghiên cứu khoa học, chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ Lauren Manaker đã chỉ ra 10 thói quen trong ăn uống có thể dẫn tới viêm nhiễm, đó là:
Ăn quá nhiều đường
Theo chuyên gia Manaker, ăn nhiều thực phẩm chứa nhiều đường có thể làm gia tăng tình trạng viêm nhiễm trong cơ thể.
“Đường bổ sung, đặc biệt là những loại có trong thực phẩm và đồ uống đã qua chế biến, có liên quan chặt chẽ đến tình trạng viêm nhiễm. Những thực phẩm chứa nhiều đường này có thể làm gia tăng nồng độ cytokine gây viêm”, chuyên gia Manaker cho hay.
Một báo cáo đăng tải trên Frontiers in Immunology cũng nhấn mạnh rằng chế độ ăn nhiều đường chế biến có thể góp phần dẫn tới các bệnh viêm nhiễm, ví dụ như viêm khớp dạng thấp, viêm đường ruột, vẩy nến và đa xơ cứng.
Ăn ít rau củ, trái cây
Nếu bạn thường xuyên bị viêm nhiễm, hãy xem xét lại lượng rau, củ, quả mà mình đang tiêu thụ trong chế độ ăn uống hàng ngày.
“Thêm rau củ, trái cây vào chế độ ăn uống là chiến lược hiệu quả để chống lại viêm nhiễm. Nhóm thực phẩm này rất giàu chất chống oxy hóa và chất chống viêm, do đó có thể làm giảm đáng kể dấu hiệu của viêm nhiễm trong cơ thể chúng ta”, chuyên gia Manaker nói.
Các nghiên cứu khoa học cũng đã chứng minh lợi ích chống viêm của rau củ, trái cây. Một nghiên cứu được đăng tải trên The American Journal of Clinical Nutrition cho thấy tiêu thụ nhiều rau củ, trái cây không chỉ giúp giảm các dấu hiệu viêm nhiễm mà còn tăng cường sức khỏe hệ miễn dịch.
Ăn quá ít cá và các loại thủy hải sản khác
Nhóm thực phẩm từ thủy hải sản có rất nhiều lợi ích với sức khỏe con người.
“Các loại cá béo, ví dụ như cá hồi, cá thu, cá mòi rất có lợi trong việc chống viêm nhiễm. Chúng giàu axit béo omega-3, đặc biệt là EPA và DHA, đã được chứng minh có đặc tính chống viêm mạnh mẽ”, chuyên gia Manaker cho hay.
Theo Hướng dẫn chế độ ăn uống cho người Mỹ giai đoạn 2020 – 2025, mỗi người trưởng thành khỏe mạnh nên tiêu thụ ít nhất 0,23kg thủy hải sản mỗi tuần.
Tuy nhiên, cách thức chế biến nhóm thực phẩm này cũng rất quan trọng. Theo đó, nếu thường xuyên ăn cá hoặc hải sản chiên có thể khiến cho tình trạng viêm nhiễm nặng hơn.
Ăn quá nhiều đồ ăn nhanh
Đồ ăn nhanh thường được chế biến nhiều hoặc chiên, rán. Đó chính là lý do vì sao chuyên gia Manaker khuyên mọi người nên hạn chế tiêu thụ nhóm thực phẩm này nếu muốn giảm nguy cơ viêm nhiễm.
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Cell cho thấy việc ăn nhiều đồ ăn nhanh sẽ tạo ra phản ứng viêm và ảnh hưởng tới hệ miễn dịch.
Dùng nhiều thịt chế biến hơn thịt tươi sống
Chuyên gia Manaker cho biết: “Thịt đã qua chế biến, ví dụ như thịt xông khói, xúc xích, chứa nhiều AGEs (sản phẩm glycat hóa bền vững). Đây là thành phần có thể gây viêm nhiễm trong cơ thể”.
Các loại thịt chế biến sẵn có thể dễ bảo quản hơn, giúp tiết kiệm thời gian nấu nướng hơn thịt tươi sống. Tuy nhiên, để bảo vệ sức khỏe nói chung và tránh viêm nhiễm, mọi người nên hạn chế tiêu thụ nhóm thực phẩm này.
Sử dụng nhiều chất làm ngọt nhân tạo
Sử dụng nhiều đường có thể dẫn tới viêm nhiễm. Việc lạm dụng các sản phẩm làm ngọt thay thế cho đường cũng có tác hại tương tự.
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nature cho thấy các chất làm ngọt nhân tạo có thể thay đổi thành phần của vi khuẩn có trong đường ruột, đặc biệt là làm giảm số lượng vi khuẩn có lợi, từ đó làm tăng nguy cơ viêm nhiễm.
Chuyên gia Manaker gợi ý, mọi người có thể sử dụng những loại thực phẩm có vị ngọt tự nhiên, ví dụ như siro cây lá phong, để thay thế cho đường cũng như các chất làm ngọt nhân tạo khác. Tuy nhiên, mọi người cũng nên sử dụng những chất làm ngọt thay thế ở mức độ vừa phải, tránh lạm dụng.
Sử dụng quá nhiều bơ thực vật
Nhiều loại bơ thực vật có chứa chất béo chuyển hóa (trans fats) và gây viêm hệ thống. Do đó, khi sử dụng bơ thực vật để nấu ăn, mọi người cần xem kỹ nhãn của sản phẩm, tránh mua bơ thực vật có chứa chất béo chuyển hóa. Đồng thời, không nên sử dụng quá nhiều bơ thực vật khi nấu ăn.
Ăn quá nhiều bánh mì trắng
Bánh mì trắng là một trong những loại thực phẩm có carb đã qua chế biến nhiều và có thể dẫn tới một số vấn đề sức khỏe như viêm nhiễm.
Nguyên nhân là do loại carb này có thể khiến lượng đường trong máu tăng vọt sau khi tiêu thụ và có thể ‘châm ngòi’ cho quá trình viêm nhiễm.
Ăn khuya
Thời gian ăn cũng là vấn đề có liên quan tới viêm nhiễm. Những người thường ăn tối muộn hoặc ăn vặt trước khi đi ngủ có nguy cơ viêm nhiễm cao hơn.
Một nghiên cứu được công bố trên PLOS One cho thấy ăn quá nhiều vào bữa tối có thể gia tăng mức độ viêm nhiễm. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nồng độ CRP (dấu hiệu của viêm nhiễm và các bệnh mạn tính khác) trong cơ thể sẽ tăng theo số lượng calo mà chúng ta nạp vào sau 5 giờ chiều.
Ăn quá nhiều thịt đỏ
Thịt đỏ cũng là một trong những loại thực phẩm có hàm lượng AGEs cao nhất. Ngoài ra, mức AGEs trong thực phẩm cũng ảnh hưởng trực tiếp bởi phương pháp chế biến. Nướng, chiên, rán là những cách chế biến có thể làm tăng mức độ AGEs.
Thịt đỏ cũng chứa nhiều chất béo bão hòa. Cả AGEs và chất béo bão hòa đều có thể dẫn tới viêm nhiễm nếu tiêu thụ quá nhiều.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ăn nhiều thịt đỏ sẽ làm tăng nguy cơ ung thư, bệnh tim và đột quỵ. Tất cả các tình trạng này đều đi đôi với viêm nhiễm.
Nguồn: Eat This, Cleveland Clinic