Mỗi chúng ta đều cần 1 công việc ổn định, mang lại mức thu nhập tốt và nuôi sống bản thân, gia đình. Các mối quan hệ trong công ty trở nên quan trọng với chúng ta vì ảnh hưởng trực tiếp tới công việc, sự nghiệp. Vì thế, chúng ta cần giữ 1 mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp, cấp trên.
Nhiều người vạ miệng vì những lời nói thiếu tinh tế, khiến đồng nghiệp xa lánh, cấp trên đánh giá thấp. Trong khi nhiều người thường nói với đồng nghiệp là “Bạn hiểu không” , người EQ cao sẽ có những cách nói khéo léo dưới đây.
Trong công việc, chúng ta thường giúp đỡ lẫn nhau và thậm chí là kết hợp để tạo nên những sản phẩm tốt nhất. Khi đó, giao tiếp chính là 1 trong những chìa khóa thành công trong công việc. Khi giao tiếp với nhau, cách chúng ta lựa chọn ngôn ngữ và diễn đạt vô cùng quan trọng. Người suy nghĩ đơn giản thường không tính đến cách diễn đạt và để lộ trí tuệ cảm xúc thấp, khiến đồng nghiệp cảm thấy khó chịu.
Ví dụ như khi bạn đang giải thích cho đồng nghiệp hiểu vấn đề gì đó nhưng cứ luôn miệng hỏi: “Bạn hiểu không? ”, “Bạn rõ vấn đề không?” Câu hỏi này khi được sử dụng dồn dập sẽ tạo cho đối phương cảm giác căng thẳng. Không dừng lại ở đó, nếu bạn cứ sử dụng câu hỏi này với tần suất dày đặc sẽ khiến đối phương rất khó chịu.
Đồng nghiệp có thể sẽ nghĩ rằng họ không được tôn trọng. Vấn đề không có gì khó hiểu nhưng bạn cứ hỏi “có hiểu không” khiến họ khó xử và chạnh lòng. Câu hỏi này có thể không có ý xấu nhưng nếu chúng ta sử dụng quá nhiều thì việc đối phương suy nghĩ tiêu cực, lệch lạc cũng dễ hiểu.
Thay vào đó, có 1 số cách người EQ cao thường dùng khi giao tiếp với đồng nghiệp. Câu hỏi đơn giản như “Tôi nói có dễ hiểu không” sẽ tạo cảm giác thoải mái và dễ chịu hơn nhiều. Khi bạn hướng trách nhiệm về bản thân, đồng nghiệp sẽ giảm bớt được sự căng thẳng. Họ cũng sẽ thoải mái hơn để chia sẻ với bạn về những thắc mắc, những suy nghĩ của mình.
Không chỉ vậy, câu hỏi “Tôi nói có dễ hiểu không” còn tạo cảm giác bạn có trách nhiệm với công việc chung. Dù hướng dẫn hay giải thích cho đồng nghiệp là việc đơn giản nhưng cũng cần thể hiện sự nhiệt tình, trách nhiệm của bạn. Thay vì đổ lỗi và tạo áp lực cho đồng nghiệp, bạn lại ghi điểm vì vừa sống trách nhiệm vừa biết cách ăn nói được lòng người. Cách thể hiện này có thể phản ánh rõ hơn thái độ chuyên nghiệp và có trách nhiệm của bạn trong giao tiếp.
Với 1 nền tảng giao tiếp tốt, bạn cũng dễ nhận được sự yêu mến của đồng nghiệp. Mối quan hệ của bạn với đồng nghiệp trong công ty cũng vì thế mà tốt đẹp hơn, bạn cũng dễ có được lợi ích lâu dài.
Ngoài ra, bạn cũng có thể đặt câu hỏi cho đồng nghiệp như: “Bạn có câu hỏi gì cho tôi không”, “Bạn có chỗ nào chưa hiểu rõ không”, “Tôi có thể giúp bạn thêm điều gì nữa không”, “Bạn nghĩ sao về những điều tôi nói”… Đây đều là những câu nói thể hiện thiện chí và sự tinh tế của bạn. Lúc này, nếu có vấn đề gì chưa hiểu rõ chắc chắn đồng nghiệp sẽ chủ động nhờ bạn giải thích kỹ hơn. Điều này có thể sẽ làm tăng hiệu quả công việc.
Bên cạnh việc sử dụng ngôn từ và cách diễn đạt hợp lý, bạn cũng cần lắng nghe ý kiến từ người khác. Khi đồng nghiệp có góp ý với bạn, bất kể điều gì bạn cũng đừng vội phân trần mà hãy lắng nghe, nhìn nhận và sửa đổi nếu cần thiết. Bên cạnh đó, bạn nên sử dụng yếu tố phi ngôn ngữ, cụ thể là tập trung vào ngôn ngữ cơ thể (hành động, cử chỉ, ánh mắt…) để quá trình giao tiếp diễn ra suôn sẻ và hiệu quả hơn.
Theo Baidu