1. Sử dụng thực phẩm mốc, hỏng một phần
Hầu như ai cũng biết việc sử dụng thực phẩm mốc, hỏng một phần là điều không nên. Nhưng nhiều người, đặc biệt là người cao tuổi do có thói quen tiết kiệm nên dù nhận ra thực phẩm có dấu hiệu hư hỏng nhưng vẫn không nỡ vứt đi toàn bộ mà giữ lại phần nhìn còn có thể sử dụng được để ăn.
Tuy nhiên, khi một phần của thực phẩm đã hỏng nghĩa là toàn bộ thực phẩm này đều đã biến chất và chứa lượng lớn aflatoxin – một loại độc tố vi nấm được sản sinh tự nhiên gây nguy hiểm cho sức khoẻ con người. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu nhất dẫn đến ung thư gan nếu thường xuyên sử dụng.
Đồng thời, thực phẩm mốc, hỏng có thể chứa một lượng nhất định độc tố cytotoxin có thể gây ngộ độc thực phẩm hoặc các vấn đề khác liên quan đến đường ruột.
2. Ăn nhiều đồ ngọt
Thực phẩm chứa nhiều đường và polysaccharides thực sự có thể gây hại cho gan. Bởi nếu hấp thụ quá nhiều đường tinh luyện và thực phẩm chứa nhiều fructose như bánh ngọt, đồ uống có đường, kẹo… sẽ khiến gan không thể xử lý hiệu quả, tăng tổng hợp chất béo trung tính tích tụ trong tế bào gan, từ đó tăng nguy cơ mắc bệnh.
Các bác sĩ chỉ ra rằng, việc ăn những thực phẩm chứa quá nhiều đường cũng có hại cho gan không kém gì việc sử dụng bia rượu.
Một nghiên cứu cũng cho thấy, uống hơn một cốc đồ uống có đường mỗi tuần tăng 14% nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ, uống 1-6 cốcmỗi tuần có 26% nguy cơ mắc bệnh và >7 cốc tăng 53% nguy cơ.
3. Ăn đồ ăn để qua đêm
Ở nhiều khu vực châu Á, việc ăn đồ thừa qua đêm là điều khá phổ biến. Tuy nhiên, thói quen này tiềm ẩn những nguy cơ sức khỏe, đặc biệt là khi thực phẩm được bảo quản không đúng cách, dễ sinh ra số lượng lớn vi khuẩn và độc tố, gây nguy hiểm cho sức khỏe gan.
Đồ ăn khi để qua đêm, đặc biệt khi không được bảo quản ở nhiệt độ thích hợp, thường trở thành nơi sinh sản của vi khuẩn và độc tố. Ví dụ, tụ cầu vàng và vi khuẩn Salmonella sinh sôi nhanh chóng trong môi trường ấm áp, ẩm ướt và tạo ra độc tố chịu nhiệt.
Aflatoxin là chất độc được tạo ra bởi các loại nấm mốc như Aspergillus flavus thường được tìm thấy trong các thực phẩm như ngô, đậu phộng bị ẩm hoặc bảo quản không đúng cách có khả năng gây ung thư cao và đặc biệt gây hại cho gan.
Một nghiên cứu khác chỉ ra rằng aflatoxin gây đột biến bằng cách làm tổn thương DNA của tế bào gan, cuối cùng dẫn đến ung thư gan. Ngoài ra, độc tính của nó sẽ làm nặng thêm tình trạng của bệnh nhân viêm gan mãn tính, xơ gan và làm tăng nguy cơ ung thư.
Thực phẩm sau khi để qua đêm sẽ khiến hàm lượng nitrite tăng cao, từ đó sản sinh nitrosamine sau khi ăn. Đây là một chất gây ung thư rất mạnh, có thể dẫn đến nhiều loại ung thư khác nhau như ung thư gan, ung thư vòm họng, ung thư dạ dày… Tuy nhiên, bác sĩ cũng chỉ ra không cần quá lo lắng bởi ăn thực phẩm để qua đêm chỉ gây ung thư khi sử dụng lượng thức ăn lớn trong thời gian liên tục.
Tuy vậy, việc sử dụng thực phẩm qua đêm có thể gây ngộ độc thực phẩm nếu không chế biến đúng cách. Có không ít trường hợp ngộ độc thực phẩm vì ăn đồ để qua đêm trong tủ lạnh nhưng khi đun nóng lại chưa đủ lâu để tiêu diệt toàn bộ vi khuẩn. Từ đó dẫn đến việc độc tố của một số vi khuẩn không bị phá huỷ bởi nhiệt và dẫn đến ngộ độc.
Chính vì vậy, để bảo vệ sức khoẻ, cần lưu ý khi bỏ ra khỏi tủ lạnh, cần đun nóng lại ít nhất 5 phút trước khi dùng. Đồng thời, không nên sử dụng các món đã nấu để trong tủ quá 2 ngày. Đặc biệt, với những món ăn như rau xanh, hải sản, thực phẩm từ đậu nành, nộm, gỏi… không nên để qua đêm.
4. Ăn đồ sống
Ăn đồ sống thời gian gần đây ngày càng trở nên phổ biến bởi nhiều người cho rằng điều này có thể đảm bảo thuởg thức hương vị tươi ngon nguyên vẹn của thực phẩm. Tuy nhiên, thói quen này có thể tiềm ẩn những nguy cơ về sức khỏe, đặc biệt là khả năng mang ký sinh trùng hoặc vi khuẩn làm tăng nguy cơ nhiễm trùng gan.
Các loại hải sản như cá, tôm, ốc… thường là nơi lưu trú của nhiều loại ký sinh trùng, bao gồm sán lá gan (Clonorchis sinensis) và sán dị hình (Opisthorchis viverrini). Những ký sinh trùng này có thể lây lan do ăn hải sản chưa nấu chín.
Theo nghiên cứu trên Tạp chí Gan mật, những ký sinh trùng này có thể ký sinh trong gan và ống mật của con người sau khi nhiễm trùng, gây ra các bệnh về gan nghiêm trọng như viêm đường mật, xơ gan và thậm chí là ung thư đường mật.
Trong các loại thịt sống, đặc biệt là thịt bò và lợn có thể mang nhiều loại vi khuẩn gây bệnh khác nhau, chẳng hạn như E. coli, Salmonella và Listeria monocytogenes. Những vi khuẩn này có thể gây ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng trong cơ thể con người, lây lan qua máu và ảnh hưởng đến sức khỏe gan.
Nghiên cứu cho thấy, nhiễm trùng do những vi khuẩn này có thể dẫn đến áp xe gan, suy gan và thậm chí nhiễm trùng huyết gây tử vong. Đặc biệt những người có chức năng miễn dịch yếu như phụ nữ mang thai, người già và bệnh nhân mắc bệnh mãn tính.
5. Ăn khuya
Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, hiều người có thói quen thức khuya làm việc hoặc giải trí và ăn đồ ăn vặt vào đêm khuya. Tuy nhiên, thói quen này có thể có tác động xấu đến sức khỏe gan.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ăn vặt vào đêm khuya có thể thúc đẩy sự phát triển của bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD). Đặc biệt, đồ ăn nhẹ vào đêm khuya có nhiều chất béo, đường và các loại gia vị nặng sẽ tác động tiêu cực đáng kể đến gan.
Ngoài ra, ăn vặt vào đêm khuya còn có thể làm tăng tình trạng kháng insulin, làm trầm trọng thêm tình trạng tích tụ chất béo trong gan và dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng hơn như xơ gan, ung thư gan.
Không chỉ vậy, thức khuya cũng làm gián đoạn đồng hồ sinh học của cơ thể, đặc biệt có hại cho sức khỏe của gan.
Là một trong những cơ quan trao đổi chất quan trọng, chức năng của gan được điều hòa bởi đồng hồ sinh học. Thức khuya có thể dẫn đến rối loạn chuyển hóa và làm tăng nguy cơ tổn thương gan.
Đây là lý do tại sao những người thức khuya trong thời gian dài dễ bị biến động lượng đường trong máu, chuyển hóa chất béo gặp nhiều bất thường. Những điều này sẽ tích tụ tổn thương cho gan và tăng nguy cơ mắc bệnh gan.
Nguồn: edh.tw
Nguồn tin: https://cafef.vn/5-thoi-xau-khien-gan-trang-xoa-ung-thu-cung-am-tham-tim-den-188241008212149777.chn