1. Uống rượu
Một số loại rượu được quảng cáo là thức uống có cồn “lành mạnh” do có chứa một hàm lượng nhất định resveratrol – một hợp chất thực vật có lợi cho sức khỏe tim mạch. Tuy nhiên, một cốc rượu vào buổi tối có thể khiến lượng đường trong cơ thể tăng cao. Thậm chí uống quá nhiều sẽ gây ra cản trở đối với giấc ngủ.
Kể cả khi bạn cảm thấy việc sử dụng một ly rượu vào buổi tối trước khi đi ngủ giúp cơ thể thư giãn và đi vào giấc ngủ nhanh. Nhưng thực chất, rượu sẽ ngăn chặn cơ thể tiến vào chu kỳ REM (giấc ngủ chuyển động nhanh của mắt) – nơi giấc ngủ sâu và chiếm phần lớn trong chu kỳ giấc ngủ của con người.
Hãy thử đổi ly rượu bằng một tách trà thảo dược nhẹ nhàng trước khi đi ngủ. Việc cắt bỏ lượng cồn, đường nạp vào cơ thể ban đêm sẽ giúp lượng calo giảm đi đáng kể. Từ đó có tác dụng giảm cân cũng như số đo vòng eo.
Nếu không thể bỏ thói quen uống rượu vào ban đêm, hãy cố gắng uống thật sớm, ít nhất khoảng 2 giờ trước khi ngủ.
2. Sử dụng thiết bị điện tử
Nếu bạn vẫn đang mải mê lướt các trang mạng xã hội trước khi ngủ thiếp đi thì đây là một thói quen nên sớm bỏ.
Ánh sáng xanh từ điện thoại, máy tính hay các thiết bị điện tử sẽ ức chế melatonin, phá vỡ nhịp sinh học của cơ thể và khó đi vào giấc ngủ. Khi đó, não sẽ phát tín hiệu cần lưu trữ thêm năng lượng và đường để đảm bảo hoạt động. Điều này sẽ kích thích sự thèm ăn thực phẩm ngọt để não trở nên tỉnh táo.
Cùng với đó, khi thiếu ngủ, các hormone trong cơ thể cũng bị ảnh hưởng khiến việc duy trì trao đổi chất khó khăn hơn, khó hình thành mô cơ nạc và dễ dàng tăng mỡ cho cơ thể.
Nếu không thể ngừng lướt các trang mạng xã hội trước khi ngủ, hãy giảm độ sáng của điện thoại càng thấp càng tốt để giảm thiểu việc ức chế melatonin. Hãy cố gắng tắt các thiết bị điện tử ít nhất 20 phút trước khi đi ngủ, sau đó tăng dần thời gian lên từ 1 – 2 tiếng để có giấc ngủ ngon hơn.
3. Dùng đồ uống chứa caffeine
Caffeine là một trong những “thủ phạm” có thể dễ dàng “giết chết” giấc ngủ và kéo theo đó là nguy cơ gây tăng cân.
Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học về Giấc ngủ Lâm sàng (the Journal of Clinical Sleep Medicine), việc sử dụng caffeine trong vòng 6 tiếng trước khi đi ngủ có thể khiến cơ thể trằn trọc suốt đêm, gây ra thiếu ngủ. Tình trạng thiếu ngủ sẽ tăng mức độ hormone ghrelin khiến cơ thể dễ có cảm giác đói và góp phần tăng cân.
Cùng với đó, theo một nghiên cứu kéo dài 16 năm của đại học Harvard, thiếu ngủ có thể dẫn tới tăng cân không kiểm soát. Những phụ nữ ngủ 5 tiếng mỗi đêm hoặc ít hơn có khả năng tăng 30 pound (khoảng 13.61kg) cao hơn 30% so với những người ngủ đủ giấc.
4. Ăn vặt khi xem phim, chương trình truyền hình
Ngủ muộn vì theo dõi một bộ phim, chương trình yêu thích rất dễ khiến bạn “sa đà” vào những món ăn vặt không lành mạnh như bim bim, khoai tây chiên,…
Theo nghiên cứu, việc vừa ăn vừa xem TV, các chương trình sẽ khiến bạn không tập trung khi ăn. Từ đó dẫn đến hậu quả là không thể kiểm soát được lượng thức ăn nạp vào cơ thể, hấp thụ quá nhiều calo vào ban đêm – thời điểm không còn quá nhiều hoạt động cần tiêu tốn năng lượng.
Bác sĩ Peter LePort, Giám đốc Trung tâm Y tế MemorialCare Orange Coast (Mỹ) chia sẻ: “Ngay cả khi bạn chọn những đồ ăn vặt tốt cho sức khoẻ cũng cần theo dõi khẩu phần ăn bởi ngay cả cà rốt cũng chứa calo, nếu nạp vào cơ thể quá nhiều sẽ khiến tăng cân.”
5. Ăn quá nhiều và quá gần lúc ngủ
Dù không nên để bụng rỗng khi đi ngủ bởi nó có thể ảnh hưởng tới hệ tiêu hoá cũng như gây ra những vấn đề về giấc ngủ nhưng việc ăn quá no cũng sẽ gây ra hậu quả tương tự.
Nghiên cứu cho thấy rằng việc ăn quá muộn sẽ làm gián đoạn nhịp sinh học, tác động tiêu cực đến sự điều hòa lượng đường trong máu và sự chuyển hóa chất béo. Ngoài ra, việc ăn no ngay trước lúc ngủ có thể gây ra chứng ợ nóng và khó tiêu. Điều này sẽ khiến cơ thể không thoải mái trong khi ngủ và thậm chí xuất hiện cảm giác mệt mỏi vào sáng hôm sau.
Thay vì ăn một bữa tối thịnh soạn, chúng ta chỉ nên ăn những thực phẩm nhẹ nhàng và chỉ ăn no 7 phần. Đồng thời, cũng nên chú ý bữa ăn tối cần cách thời gian đi ngủ ít nhất 3 giờ.
Chuyên gia dinh dưỡng Isabel Smith cho biết, lượng thức ăn tối đối với mỗi người là khác nhau nhưng hãy cố gắng ăn thật chậm để dạ dày có thời gian truyền tín hiệu đến não là bạn đã no và đến lúc dừng ăn.”
Nguồn và ảnh: Eatthis