Bước sang năm mới 2024, các tỉ phú Việt cũng chứng kiến sự biến động của khối tài sản. Bảng xếp hạng những người giàu bậc nhất hành tinh, theo đánh giá của Forbes, cho thấy Việt Nam chỉ còn 5 tỉ phú đô la, giảm một người so với hồi đầu năm 2023.
Theo đó, ông Phạm Nhật Vượng – chủ tịch Tập đoàn Vingroup – tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu với khối tài sản 4,5 tỉ USD, cao nhất so với các tỉ phú Việt, tăng 200 triệu USD trong vòng nửa tháng nay.
Ba năm trước, tài sản của ông Vượng được định giá 7,3 tỉ USD. Bên cạnh mảng bất động sản, những năm gần đây chủ tịch Tập đoàn Vingroup liên tục dồn lực cho hãng xe điện VinFast.
Xếp vị trí á quân, chủ tịch Hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air – bà Nguyễn Thị Phương Thảo, hiện có khối tài sản 2,3 tỉ USD, tăng 100 triệu USD so với đầu năm nay.
Bên cạnh việc nắm quyền lực tại hãng bay lớn, bà Thảo còn nắm các chức vụ quan trọng ở HDBank, Sovico Holdings…
“Vua thép” Trần Đình Long xếp sát nút, sở hữu tổng tài sản 2,2 tỉ USD, tăng thêm 400 triệu USD trong vòng nửa tháng trở lại đây.
Sáu năm trước, ông Long lần đầu tiên được Forbes đưa vào danh sách tỉ phú đô la, tuy nhiên sau đó lại lận đận vì giá cổ phiếu HPG (Tập đoàn Hòa Phát) lao dốc.
Hai vị trí cuối cùng ở trong top 5 tỉ phú đô la của Việt Nam thuộc về tỉ phú Trần Bá Dương – chủ tịch Thaco và tỉ phú Hồ Hùng Anh – chủ tịch Techcombank, với khối tài sản 1,4 tỉ USD, mỗi người cùng giảm 100 triệu USD so với đầu năm nay.
Điều đặc biệt là có 3 trong số 5 “tỷ phú đô la” của Việt Nam từng theo học trường đại học ở Việt Nam, bao gồm Chủ tịch Vingroup – Phạm Nhật Vượng, “ông trùm ngành ô tô” Trần Bá Dương và “vua thép” Trần Đình Long.
Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng – Trường Đại học Mỏ địa chất Hà Nội
Ít ai biết rằng, tỷ phú Phạm Nhật Vượng từng là sinh viên của trường Đại học Mỏ địa chất Hà Nội. Nhờ thành tích xuất sắc môn Toán, ông nhận được học bổng du học ở Moskva (Nga) với chuyên ngành kinh tế địa chất. Sau khi tốt nghiệp, ông Phạm Nhật Vượng có thời gian khởi nghiệp ở nước ngoài, sau đó quay về Việt Nam bắt đầu công việc đầu tư kinh doanh.
Đại học Mỏ địa chất Hà Nội thành lập từ năm 1966 với nhiều ngành đào tạo. Đây là ngôi trường liên tục giữ vị trí top đầu trong BXH các trường đại học uy tín nhất ở Việt Nam do Webometrics bình chọn. Trường đại học này lọt top 20 cơ sở nghiên cứu có nhiều công bố quan trọng quốc tế nhất hệ thống trường đại học ở Việt Nam.
Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long – Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
Ông Trần Đình Long từng theo học và tốt nghiệp bằng cử nhân kinh tế của Đại học Kinh tế Quốc dân vào năm 1986. Cuối những năm 90, tỷ phú Trần Đình Long bắt đầu công việc kinh doanh về thép và đạt được thành tựu vượt bậc hiện tại.
Trường đại học mà tỷ phú Trần Đình Long từng theo học hiện vẫn đang là một trong những trường đại học chuyên đào tạo các ngành kinh tế hàng đầu Việt Nam với điểm xét tuyển hàng năm rất cao. Năm 2022, trường Đại học Kinh tế Quốc dân lọt top BXH THE Impact Rankings của Times Higher. Đây cũng là cơ sở giáo dục đại học Việt Nam đứng đầu danh sách này với mức điểm 71.8/100.
Chủ tịch THACO Trần Bá Dương – Đại học Bách khoa TP.HCM
Được mệnh danh là “ông trùm ngành ô tô” tại Việt Nam, chủ tịch Trần Bá Dương của Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải là một trong những tỷ phú giàu nhất nước hiện tại. Ông từng là sinh viên của Đại học Bách khoa TP.HCM với chuyên ngành máy nâng chuyển bốc xếp. Có thể thấy, Trần Bá Dương là tỷ phú lựa chọn công việc và “khởi nghiệp” kinh doanh liên quan đến ngành học của mình nhất.
Ông tốt nghiệp năm 1983, sau đó làm công nhân sửa chữa ô tô. Từ kinh nghiệm của mình, ông dồn nguồn lực gây dựng nên thương hiệu ô tô Trường Hải và dần thâm nhập vào thị trường ô tô Việt Nam. Tính đến hiện tại, ngôi trường đại học mà Trần Bá Dương theo học vẫn là một trong những trường đại học thuộc top đầu Việt Nam với điểm xét tuyển mỗi năm rất cao. Đây cũng là ngôi trường trọng điểm của hệ thống Đại học Quốc gia TP.HCM.
Nguồn tin: https://cafef.vn/3-truong-dai-hoc-san-sinh-ra-cac-ty-phu-giau-nhat-viet-nam-ong-trum-nganh-o-to-tran-ba-duong-cung-tung-theo-hoc-188240306151908081.chn