1. Để bát đĩa lâu mới rửa
Nấu xong 1 bữa ăn cũng là lúc “cạn năng lượng”, vậy nên nhiều người thường có thói quen xếp gọn bát đĩa trong bồn rửa, ngâm mấy tiếng đồng hồ ở đó rồi đợi khi có hứng mới bắt tay vào dọn dẹp.
Thói quen tưởng chừng vô hại này, thực tế lại ẩn chứa không ít nguy hiểm. Bởi vì nếu để lâu, thức ăn thừa sẽ bám chặt vào bát đĩa, gây khó khăn cho việc rửa sạch hoàn toàn. Quan trọng nhất là trong thời gian này, vi khuẩn và nấm mốc sẽ lặng lẽ sinh sôi, gây nguy cơ nhiễm trùng và bệnh tật. Vậy nên, thay vì để bát đĩa chất đống, tốt nhất là rửa ngay trong vòng 2 giờ sau bữa ăn, có như vậy mới bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.
2. Dùng đi dùng lại khăn/giẻ rửa bát
Khi rửa bát đĩa, một vật dụng không thể thiếu đó là các loại khăn hoặc giẻ rửa bát. Nhiều người có thói quen dùng đi dùng lại miếng khăn/giẻ từ tháng này qua năm nọ mà chẳng suy nghĩ đến vấn đề thay mới chúng, vì nghĩ rằng sau mỗi lần dùng chỉ cần giặt sạch là được.
Trên thực tế, khăn/giẻ rửa bát chính là nơi lý tưởng để vi khuẩn sinh sôi, vì chúng tiếp xúc trực tiếp với dầu mỡ, thức ăn thừa và môi trường ẩm ướt. Dù bạn có giặt sạch thế nào đi chăng nữa, chúng vẫn là “hang ổ” của hàng triệu vi khuẩn mà mắt thường không thể thấy. Và nếu tiếp tục sử dụng, vi khuẩn sẽ từ từ chuyển sang bát đĩa, là lý do khiến bạn càng rửa thì bát đĩa càng bẩn. Vậy nên, hãy giặt sạch khăn/giẻ rửa bát sau mỗi lần dùng và thường xuyên thay mới món đồ này, tùy vào tần suất sử dụng của gia đình.
3. Không đợi bát đĩa khô
Một thói quen phổ biến mà nhiều người mắc phải sau khi rửa bát đó là không đợi bát đĩa khô ráo hoàn toàn mà đã vội vàng xếp chồng lên nhau.
Cần biết rằng, bát đĩa sau khi rửa xong vẫn còn đọng lại lượng nước khá lớn. Nếu bạn cứ xếp chồng lên nhau, nước sẽ bị giam lại, khiến bát đĩa luôn trong tình trạng ẩm ướt. Mà môi trường ẩm ướt thì chẳng khác nào đang tạo điều kiện cho “ổ” vi khuẩn sinh sôi. Vậy nên đây chính là nguồn cơn gây hại cho sức khỏe mà bạn vô tư không hề hay biết. Hãy sớm thay đổi thói quen vội vàng cất bát đĩa, thay vào đó, nên đợi chúng ráo nước hoàn toàn để tránh các mầm bệnh vô hình.
4. Không phân loại bát đĩa khi rửa
Thói quen xếp bát đĩa nhỏ lên trên, bát đĩa to ở dưới có lẽ không phải điều xa lạ. Thao tác tưởng chừng tiện lợi và tiết kiệm không gian lưu trữ trong bồn rửa, thực chất lại tiềm ẩn nhiều nguy hại. Bởi với một số bát đĩa quá bẩn hoặc đọng nhiều thức ăn thừa, khi bị xếp chồng lên nhau, chúng sẽ dây sang các bát đĩa sạch và khiến tất cả đều bám bẩn, khó rửa sạch hoàn toàn.
Vậy nên, cách làm đúng và tiện nhất khi rửa bát đó là phân loại bát đĩa trước khi rửa. Những bát đĩa dính nhiều dầu mỡ thì nên ngâm trước bằng nước nóng sau đó mới rửa lại bằng nước rửa chén.
5. Dùng quá nhiều nước rửa chén
Chắc hẳn ai cũng biết nước rửa chén có khả năng tẩy sạch dầu mỡ cực kỳ mạnh mẽ, và vì thế, nhiều người khi rửa bát thường nghĩ rằng càng cho nhiều thì bát đĩa càng sạch. Nhưng cái gì quá cũng không tốt, và nước rửa chén cũng không phải ngoại lệ.
Việc dùng nhiều nước rửa chén không chỉ khiến bạn phải vất vả rửa đi rửa lại cho sạch, mà quan trọng là xà phòng dễ bị dư thừa trên bát đĩa. Và khi những chiếc bát đĩa đó được sử dụng lại, bạn sẽ vô tình “nạp” vào cơ thể một lượng hóa chất độc hại, từ đó đe dọa sức khỏe gia đình. Vậy nên, khi dùng nước rửa chén, chỉ cần dùng một lượng vừa đủ, và nhớ rửa lại thật kỹ bằng nước để loại bỏ hết dư lượng xà phòng.
Nguồn: Sohu
Nguồn tin: https://cafef.vn/1-nguoi-rua-bat-ca-nha-mac-benh-chi-vi-5-thoi-quen-doc-hai-khong-chiu-thay-doi-188241213085629031.chn