Nội dung chính:
- – Tòa án sẽ mở thủ tục phá sản với Coteccons khi doanh nghiệp này mất khả năng thanh toán.
- – Các chỉ số về khả năng thanh toán của Coteccons tương đối tốt.
- – Ricons chưa trích lập dự phòng hoặc dự phòng một phần rất nhỏ cho các khoản phải thu từ Coteccons.
Mới đây, Ricons đã gửi đơn lên Tòa án yêu cầu mở thủ tục phá sản với Coteccons vì cho rằng công ty này không có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn với Ricons. Coteccons cho biết ngày 4/7/2023, công ty đã nhận thông báo từ Tòa án.
Báo cáo tài chính quý II/2023 của Ricons cũng chỉ rõ số tiền Coteccons nợ Ricons là hơn 322 tỷ đồng, thay đổi không đáng kể so với cuối năm 2022.
Theo quy định của Luật Phá sản năm 2014, Tòa án có quyền quyết định mở hay không mở thủ tục phá sản khi được yêu cầu.
Với trường hợp của Ricons và Coteccons, Tòa án sẽ chỉ mở thủ tục phá sản khi Coteccons mất khả năng thanh toán. Quyết định này sẽ do Thẩm phán đưa ra trong vòng 30 ngày kể từ khi nhận được yêu cầu.
Các chỉ số về khả năng thanh toán của Coteccons
Có nhiều tiêu chí để đánh giá khả năng thanh toán của một doanh nghiệp. Tuy nhiên, về cơ bản các chỉ số tài chính so sánh tài sản và các khoản nợ được sử dụng tương đối phổ biến và có thể cho cái nhìn tổng quát.
Căn cứ báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2023 của Coteccons vừa mới công bố, các chỉ số về khả năng thanh toán của công ty tương đối tốt.
- Hệ số thanh toán tổng quát = Tổng tài sản/ Nợ phải trả.
Chỉ số càng lớn, sự an toàn càng được củng cố, mặc dù điều đó cho thấy doanh nghiệp sử dụng vốn chưa thực sự hiệu quả.
Với Coteccons, Hệ số này bằng 1,6 lần. Chỉ số này phản ánh cơ bản với lượng tài sản hiện có, Coteccons hoàn toàn có thể đáp ứng các khoản nợ phải trả.
- Hệ số khả năng thanh toán hiện thời = Tài sản ngắn hạn/Nợ ngắn hạn
Với Coteccons, Hệ số này bằng 1,6 lần – là mức cao, cho thấy công ty có đủ tài sản có tính thanh khoản cao đảm bảo cho các khoản nợ ngắn hạn.
- Hệ số khả năng thanh toán nhanh = (Tài sản ngắn hạn – Hàng tồn kho)/ Nợ ngắn hạn
Với Coteccons, Hệ số này bằng 1,3 lần – rất cao. Thông thường chỉ số này trên 0,5 lần, doanh nghiệp đã được đánh giá an toàn.
- Hệ số khả năng thanh toán tức thời = (Tiền + Các khoản tương đương tiền)/Nợ ngắn hạn
Với Coteccons, Hệ số này bằng 0,32 lần. Có nghĩa là công ty có thể ngay lập tức thanh toán một phần ba các khoản nợ ngắn hạn bằng nguồn tiền mặt và tiền gửi sẵn có.
Ricons dự phòng rất ít cho các khoản phải thu
Khi gửi yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản với Coteccons, về mặt logic, Ricons đánh giá rằng Coteccons mất khả năng thanh toán các khoản nợ, trong đó có khoản nợ với Ricons.
Báo cáo tài chính Quý II/2023 của Ricons cho thấy công ty có khoản phải thu hơn 322 tỷ đồng với Coteccons trên tổng số gần 3.600 tỷ đồng phải thu ngắn hạn khách hàng. Tính đến cuối quý II/2023, Ricons trích lập dự phòng tổng cộng 37 tỷ đồng cho các khoản phải thu khách hàng.
Ngay cả khi toàn bộ số tiền dự phòng này là dành cho các khoản phải thu từ Coteccons, tỷ lệ trích lập dự phòng cũng chỉ ở mức 11%. Mức trích lập dự phòng phải thu khó đòi với doanh nghiệp, theo Thông tư 48/2019/TT-BTC – tối thiểu là 30% với các khoản thu quá hạn từ 6 tháng đến 1 năm. Như vậy, không phải toàn bộ các khoản nợ của Coteccons đều quá hạn.
Trên thực tế, nếu toàn bộ các khoản nợ của Coteccons với Ricons đều quá hạn và mất khả năng thanh toán, Ricons sẽ phải dự phòng ít nhất gần 100 tỷ đồng cho các khoản phải thu này. Việc này, nếu có, sẽ trực tiếp ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của Ricons trên báo cáo tài chính, thậm chí có thể khiến công ty này thua lỗ.
Phía Coteccons trong thông cáo mới đây cho biết Ricons chưa cung cấp đủ chứng từ về công nợ giữa hai bên.
Hiện có rất ít cơ sở để cho rằng Tòa án sẽ quyết định mở thủ tục phá sản với Coteccons.
Căn cứ thời gian Coteccons nhận được thông báo từ Tòa án, chỉ còn vài ngày nữa cơ quan chức năng sẽ ra quyết định về vụ việc này.