Bên cạnh đó, HĐQT VNG cũng trình ý kiến cổ đông về việc không chia cổ tức năm 2022, do nhu cầu đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh chiến lược và đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ: ví điện tử và cổng thanh toán, tài sản sở hữu trí tuệ đối với các trò chơi điện tử, phát triển dịch vụ đám mây, phát triển dịch vụ trí tuệ nhân tạo, xây dựng hệ sinh thái các sản phẩm trong công ty để tối ưu hóa các nguồn lực,…
Trong tương lai, công ty sẽ tiếp tục phát triển các ngành nghề kinh doanh theo hướng đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ và mở rộng thị trường. Ngoài việc tiếp tục đầu tư vào các sản phẩm, dịch vụ thế mạnh của Công ty như trò chơi điện tử, quảng cáo, dịch vụ media, trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây, ví điện tử. Công ty đồng thời sẽ tăng cường đầu tư vào các sản phẩm sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ khác nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và mang đến nhiều tiện ích hơn cho các khách hàng, đối tác.
Báo cáo thường niên 2022 cho thấy, công ty đã đầu tư gần 1.000 tỷ đồng cho dự án Trung tâm dữ liệu VNG Data Center tại Quận 7, TP.HCM. Đây là một trong ba trung tâm dữ liệu tại Việt Nam hiện nay đạt chuẩn UpTime Tier III, với tổng diện tích sàn 7.800m² và có thể mở rộng công suất tối đa lên 1600 tủ rack.
Theo đại diện VNG, công ty tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào các sản phẩm công nghệ cao AI, Blockchain như vCloudcam (Camera thông minh), TrueID (Đơn vị phát triển ứng dụng định danh người dùng eKYC), Verichains (đơn vị cung cấp giải pháp bảo mật chuyên sâu). TrueID cũng là tổ chức đầu tiên của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á đạt ISO/IEC 30107-3 do iBeta chứng nhận về công nghệ xác định người thật chỉ từ một bức hình đơn.
Bên cạnh đó, VNG ra mắt giải pháp quản lý hạ tầng thông minh PRISM. Hiện nay, PRISM đang tập trung cung cấp dịch vụ cho các đơn vị quản lý tòa nhà, chung cư cũng như các đơn vị vận hành hệ thống giao thông công cộng.
Năm 2022, VNG ghi nhận các khoản đầu tư nổi bật cho Telio, Ecotruck, Funding Societies và Open Commerce. Tuy nhiên, nhìn chung các khoản đầu tư cả mới và cũ đều chưa mang lại hiệu quả cho VNG và là một trong những nguyên nhân của khoản lỗ hơn 1.300 tỷ đồng năm 2022.
Đơn cử như Zalopay, tại Hội nghị Khách hàng Napas lần thứ nhất tổ chức vào tháng 9/2022, ZaloPay được vinh danh Top 3 tại hai Bảng xếp hạng về: “Đơn vị trung gian thanh toán dẫn đầu về doanh số Nạp tiền ví điện tử” và “Đơn vị trung gian thanh toán dẫn đầu về doanh số thanh toán trực tuyến”.
Đến đầu tháng 12 năm 2022, ZaloPay lọt Top 3 “Thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực Tài Chính 2022” và “Thương hiệu có sự tiến triển vượt bậc nhất 2022” do YouGov công bố.
Trong năm 2022, ZaloPay chính thức cán mốc 10 triệu người dùng, trở thành đối tác của hàng loạt những thương hiệu lớn: FPT Shop, TikTok Việt Nam, Starbucks Việt Nam, Grab Việt Nam… Cũng theo VNG, ZaloPay hiện là một trong những phương thức thanh toán học phí hàng đầu tại hơn 4.100 trường công lập trên khắp cả nước.
Tuy nhiên bất chấp những thông tin tích cực được công bố trong báo cáo thường niên 2022, hiệu quả tài chính của khoản đầu tư này được phản ánh trên BCTC lại mang màu sắc khác.
Công ty chủ quản của Zalo Pay là Công ty cổ phần Zion, công ty con do VNG sở hữu 69,98% thua lỗ liên tiếp từ 2017 đến nay. Tổng số lỗ tính thuế trong 6 năm từ 2017 đến 2022 theo BCTC 2022 đạt 3.781 tỷ đồng.