CTCP VNG (VNG) vừa công bố BCTC hợp nhất quý 2/2023 có lãi trở lại sau 6 quý thua lỗ liên tiếp. Cụ thể, doanh thu trong quý Công ty đạt 2.246 tỷ đồng – tăng 12% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp tương ứng tăng lên 1.099 tỷ đồng.
Về hoạt động tài chính, doanh thu giảm trong khi chi phí lại tăng đột biến gấp 10 lần cùng kỳ. Đáng chú ý, quý 2/2023 VNG phát sinh chi phí lãi vay với hơn 22 tỷ đồng. Nguyên nhân, trong kỳ VNG vay thêm 749,5 tỷ đồng từ ngân hàng (đưa số dư nợ ngân hàng lên hơn 1.000 tỷ đồng). Mục đích vay thêm để tài trợ cho dự án Trung tâm dữ liệu và sản xuất phần mềm. Song song, Công ty cũng huy động vốn để bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động SXKD và đầu tư tài sản giá trị.
Điểm sáng là chi phí bán hàng giảm hơn 190 tỷ đồng và lỗ từ công ty liên kết giảm 25 tỷ. Kết quả, VNG có lãi thuần 119 tỷ từ hoạt động kinh doanh và lãi sau thuế trở lại 50 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ gần 380 tỷ.
Phần lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ là 100 tỷ.
Luỹ kế 6 tháng, Công ty đạt 4.098 tỷ doanh thu – tăng 12% so với nửa đầu năm ngoái.
Doanh thu dịch vụ trò chơi trực tuyến vẫn đóng góp 75% tổng doanh thu của VNG, trong kỳ này ghi nhận mức tăng trưởng 18,5% so với cùng kỳ năm trước lên 3.068 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh thu quảng cáo trực tuyến giảm 25% còn 473 tỷ và dịch vụ nhạc chờ, bản quyền bài hát giảm 25% còn chưa đầy 100 tỷ.
Trong khi đó, doanh thu dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng viễn thông và Internet tăng 45% lên 443 tỷ.
Do ghi nhận dự phòng đầu tư dài hạn hơn 47 tỷ đồng nên chi phí quản lý VNG tăng lên gần 92 tỷ đồng. Được biết, chi phí dự phòng này là khoản đầu tư vào công ty Wildseed Games – một công ty chuyên phát triển trò chơi máy tính tại Mỹ.
Khấu trừ chi phí, VNG lỗ sau thuế gần 40 tỷ đồng sau 6 tháng, cải thiện đáng kể với khoản lỗ gần 510 tỷ đồng cùng kỳ. Phần lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt gần 60 tỷ.
Năm 2023, VNG lên kế hoạch lỗ sau thuế 572 tỷ (năm 2022 lỗ 1.315 tỷ đồng). Nguyên nhân do VNG dự kiến tiếp tục đầu tư phát triển và mở rộng thị trường, đặc biệt đầu tư các sản phẩm sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI).
Tính đến thời điểm 30/6/2023, tổng tài sản của VNG tăng lên 9.569,5 tỷ đồng. Trong đó, tiền và tương đương tiền hơn 3.455 tỷ, Công ty còn có khoản tiền gửi ngắn hạn hơn 103 tỷ đồng với lãi suất dao động 8,5%/năm.
Về các khoản đầu tư vào công ty liên kết, tổng giá trị đầu tư của VNG tính đến 30/6/2023 là 1.980 tỷ đồng. Trong các khoản đầu tư hiện tại, duy nhất khoản đầu tư tại Dayone là có lãi mỏng 4 tỷ đồng. Ngược lại, khoản đầu tư vào Tiki đã bị “ăn mòn” toàn bộ, bởi khoản lỗ lũy kế VNG phải gánh từ Tiki đã bằng đúng với số tiền đầu tư (510 tỷ đồng).
Đồng thời, khoản đầu tư vào Telio lỗ 99 tỷ đồng, tại Funding Asia lỗ gần 69 tỷ đồng…
Trong nửa đầu năm VNG phát sinh thêm khoản đầu tư hơn 104 tỷ đồng vào OpenCommerce Group (OCG) – một công ty thương mại điện tử xuyên biên giới có trụ sở tại Singapore, được thành lập vào tháng 11/2021. Hiện, khoản đầu tư này cũng đang ghi nhận lỗ 562,5 triệu đồng.