VinFast, DatBike và Selex Motor là 3 nhà sản xuất xe điện quốc nội đang nổi nhất hiện nay. Dù quy mô doanh nghiệp và mẫu mã sản phẩm của họ khác nhau, nhưng cả 3 đang có nỗi lo giống nhau: Làm sao để có thể thuyết phục người dân Việt chuyển từ xe xăng sang xe điện trong vài năm tới.
Tất nhiên, với xu hướng hiện tại thì chuyện chuyển đổi xe xăng sang xe điện sẽ hoàn tất một ngày nào đó trong tương lai; nhưng nếu cả ba không làm gì để thúc đẩy và chỉ chờ đợi thì hính họ sẽ phải đối mặt với chuyện sinh tử.
NGÀY CÀNG CẢI THIỆN ĐỂ GIÁ TRỊ MÀ XE ĐIỆN MANG LẠI BẰNG XE XĂNG
“Xe máy điện của Dat Bike vẫn đang dẫn đầu thị trường về hiệu năng sử dụng (thông số) so với giá thành. Đây là giá trị lớn nhất mà Dat Bike mang lại cho người dùng. Với mỗi đồng bỏ ra thì khách hàng có thể mua được các chỉ số về thời gian sạc, quãng đường đi được và công suất tối đa gấp đôi so với các xe khác.
Tôi tin là khi giá trị mang lại của xe điện (tỷ lệ giữa thông số/giá thành) ngang ngửa với xe xăng thì tất cả mọi người sẽ chuyển đổi; đây chính là bài toán mà tất cả các hãng xe điện đang phải giải quyết và cũng chính là thứ mà Dat Bike đang tập trung vào“, Nguyễn Sơn – CEO của Dat Bike trả lời người dùng của mình trên một nhóm Facebook vào tháng 5/2023.
Ngoài ra, tỷ lệ lỗi trên các xe điện Dat Bike đã giảm đi 95% trong vòng 1 năm qua và hiện tại tại 90% các lỗi trên xe đều có thể giải quyết trong vòng 15 đến 60 phút tại các cửa hàng của thương hiệu.
“Thật ra, việc đổi pin có nhiều bất cập, mà điểm lớn nhất là sau khi xây xong hệ sinh thái (rất tốn tiền) thì nhà sản xuất như Dat Bike sẽ không thể sử dụng các công nghệ pin mới nữa (vì nó không tương thích với hệ thống đã xây). Điều này dẫn tới khách hàng không thể tiếp cận các công nghệ pin mới nhất. Mà pin là lĩnh vực công nghệ đang phát triển liên tục nên chúng tôi đã quyết định đứng ngoài.
Hiện công nghệ pin của Dat Bike về chỉ số vận hành chia cho giá cả là số 1 Đông Nam Á. Các xe của Dat Bike chỉ cần sạc 20 phút cắm ổ điện là có thể đi được 30km. Sắp tới, Dat Bike sẽ cố gắng chuẩn hóa hệ thống sạc nhanh và sẽ xây dựng các trạm sạc D Charge ở gần các cửa hàng của chúng tôi. Việc mở rộng qua các kênh đối tác sẽ được triển khai vào năm tiếp theo.
Ngoài ra, Dat Bike cũng đang nghiên cứu thử nghiệm hệ thống sạc thường, kết hợp với các điểm cà phê, quán ăn (mô hình giống với hệ thống Cỏ Charge). Chúng tôi và Cỏ Charge đang có những khúc mắc cần giải quyết nên chưa thể hợp tác cùng nhau“, Sơn Nguyễn tiết lộ.
Khác với quan điểm của Dat Bike, Selex Motors đã từ xây 1 hệ thống sạc và đổi pin khá hoàn chỉnh. Theo doanh nghiệp này, giải pháp đổi pin mà họ có đã tạo ra điểm khác biệt của Selex Motors với các đối thủ khác trên thị trường.
Thay vì sạc pin mất 3-8 tiếng thì khách hàng chỉ mất 2 phút đổi pin đã hết tại trạm. Ngoài ra, các mẫu xe Selex Camel có thể di chuyển đến 150 km cho một lần sạc đầy và được trang bị bộ sạc di động để có thể sạc tại nhà dễ dàng. Cụ thể hơn, các khách hàng của Selex Motors có thể đổi pin miễn phí tại hơn 30 trạm đổi pin ở Hà Nội và hơn 40 trạm tại TP.HCM.
Ấn tượng nhất, hiện VinFast có 150.000 cổng sạc ở 30 tỉnh thành, tọa lạc ở các bãi đổ xe – bến xe, trạm xăng, trung tâm thương mại, chung cư và toà nhà văn phòng. Với sự hợp tác cùng nhà sản xuất pin số 1 thế giới ở Trung Quốc – CATL, trong tương lai, các mẫu xe ô tô điện của VinFast có thể di chuyển quãng đường lên tới 1.000km chỉ sau 1 lần sạc – gấp đôi hiệu suất của các loại pin thông dụng hiện tại.
HỢP TÁC VỚI DOANH NGHIỆP NGÀNH LOGISTICS – GIAO NHẬN
Theo báo cáo do PwC công bố ngày 29/8 mới đây, tỷ lệ cam kết ESG của các doanh nghiệp niêm yết là 93% và mức trung bình của doanh nghiệp Việt là 80%. Tuy nhiên, chỉ có 35% các doanh nghiệp niêm yết đã thiết lập kế hoạch triển khai ESG. Hơn một nửa doanh nghiệp niêm yết đang và sẽ trong giai đoạn lập kế hoạch trong 2-4 năm tới.
Số liệu từ Ngân hàng thế giới cũng cho thấy: đến nay, có ít nhất 39 quốc gia đang thực hiện hoặc đã lên kế hoạch cho các quy định về mức phát thải carbon trong hoạt động kinh doanh và sản xuất, trong đó có nhiều nước hiện là đối tác kinh doanh lớn của Việt Nam.
“Đặc biệt là ở châu Âu, các công ty đang cần tuân thủ những cam kết nhất định về ESG. Do đó, các tiêu chí này là bắt buộc và tôi cho rằng ESG phải là một trong những mục tiêu của đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp – đặc biệt là các DN trong lĩnh vực logistics,” ông Vũ Đức Thịnh – Giám đốc Logistics của Lazada Việt Nam, trình bày trong Hội nghị Đổi mới sáng tạo Việt Nam (VIS) 2023.
Ông Vũ Đức Thịnh cũng nhận thấy, sự tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại điện tử đòi hỏi sự phát triển tương ứng của số lượng các phương tiện vận tải, gây ra áp lực khổng lồ lên giao thông và môi trường. Do đó, sau nhiều lần thử nghiệm các giải pháp sáng tạo, Lazada đã cho ra mắt loại xe điện phù hợp riêng cho giao vận từ năm 2017.
Mới đây, công ty cũng đã đưa vào đội xe của mình hàng trăm xe điện do startup Selex Motors sản xuất. Với việc hợp tác sâu cùng Logistics Lazada Việt Nam trong giai đoạn đầu tiên khởi nghiệp, nên các mẫu xe của Selex Motors có thế mạnh trong ứng dụng chở hàng cũng như hành khách. Vậy nên, Selex Motors cũng đã hợp tác thí điểm với GoJek, Grab, Viettel Post….
Mặt khác, dù tệp khách hàng mục tiêu của Dat Bike là cá nhân chứ không phải doanh nghiệp, xong họ cũng đã theo chân đối thủ thử kết hợp với GoJek và Baemin đưa xe điện vào công việc vận chuyển hàng hóa và hành khách.
Bà Trần Hương Giang – Trưởng phòng thử nghiệm Accelerator Lab tại Việt Nam của Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) chia sẻ xe máy hiện chiếm 92% tổng các phương tiện giao thông đường bộ được sử dụng ở Việt Nam. Với số lượng khoảng 60 triệu xe máy lăn bánh trên đường, loại phương tiện này đang phát thải lên đến 42 triệu tấn CO2 mỗi năm.
Kể từ tháng 5/2023, Selex Motors và Viettel Post đã cùng triển khai cuộc thử nghiệm do UBND tỉnh Thừa Thiên Huế hợp tác cùng UNDP. Theo đó, tài xế của Viettel Post đã được chia làm hai nhóm, một nhóm sử dụng xe máy xăng và một nhóm sử dụng xe máy điện do Selex Motors cung cấp.
Kết quả cho thấy: nhóm sử dụng xe máy điện đã có hiệu suất giao hàng trung bình cao hơn 50% so với nhóm sử dụng xe máy xăng, được tính bằng số kiện hàng giao được trên mỗi chuyến. Trong suốt thời gian thử nghiệm kéo dài 1 tháng, thu nhập trung bình của tài xế nhóm xe máy điện cao hơn 34% so với nhóm xe máy xăng.
Tuy nhiên, bà Giang cũng cho biết thêm dù xe điện mang lại kết quả cao hơn về kinh tế và môi trường, người giao hàng vẫn lo ngại về chi phí đầu tư mua xe và các vấn đề liên quan đến hiệu suất của pin, tốc độ và sức mạnh của xe trong dài hạn.
“Tôi nhận thấy chính quyền địa phương đang sẵn sàng đi nhanh hơn trung ương, do đó chúng tôi đang cố gắng triển khai các chương trình thí điểm xe điện với các địa phương. Chúng ta cũng cần có thêm những ưu đãi tài chính rõ ràng từ ngân hàng hay trợ cấp nhà nước để thúc đẩy người dùng mua xe điện“, ông Trung Phạm – Giám đốc tài chính và Vận hành của Dat Bike, kiến nghị.
Ngoài bán và cho thuê xe điện với các công ty giao nhận – taxi như AhaMove hay Bách Đại Dũng, mới đây, Vingroup đã đứng ra tự thành lập hãng giao nhận Xanh SM. Xanh SM chủ yếu sử dụng xe máy và taxi điện VinFast vào vận chuyển hành khách – hàng hóa, vận hành như Grab trong giai đoạn đầu khởi nghiệp. Nhờ tiềm lực vô tận, chỉ trong thời gian ngắn, Xanh SM đã có mặt ở 25 tỉnh thành Việt Nam và mở rộng sang thị trường Lào, sắp tới sẽ thêm Campuchia.
Về phần mình, ông Lê Hoàng Anh – Nhà sáng lập và CEO của Ecotruck – công ty công nghệ chuyên cung cấp các giải pháp kết nối và dịch vụ cho xe tải chở hàng, chia sẻ một góc nhìn khác: câu chuyện ‘lợi nhuận’ vẫn là một bài toán khó khi doanh nghiệp luôn phải cân nhắc các yếu tố như chi phí đầu tư xe điện ban đầu, thời gian chờ sạc bị lãng phí, hay bài toán về hiệu suất và trọng lượng pin trên xe ảnh hưởng tới khối lượng hàng hóa có thể được giao.
“Tuy nhiên, tôi tin rằng: có rất nhiều các chi phí ẩn có thể được giải quyết với xe tải điện. Đặc biệt là về mặt công nghệ, chúng ta có thể kết nối các xe tải điện với nhau trên một hệ thống và tối ưu chi phí vận hành, bên cạnh việc giảm thiểu được chi phí khấu hao tài sản và chi phí bảo trì. Trong dài hạn, sử dụng xe tải điện vẫn có thể có lãi hơn hoặc ít nhất là tương đương xe tải thông thường”, ông Lê Hoàng Anh kết luận.
NHÀ NƯỚC CẦN TẠO THỊ TRƯỜNG MUA BÁN – ĐỊNH GIÁ CHO CÁC LOẠI XE ĐIỆN VÀ CƠ SỞ PHÁP LÝ RÕ RÀNG VỀ TÁI CHẾ PIN ĐIỆN
Một trong những nguyên do khác khiến nhiều người tiêu dùng Việt Nam ngại mua xe điện vì nó chưa có thị trường mua bán – định giá chỉn chu, nếu như người ta có nhu cầu đổi xe mới hoặc không muốn sử dụng nữa.
Ông Morgan Donovan Carroll, Giám đốc ESG của VinGroup và VinFast, tiếp lời: “Người dùng vẫn còn ngờ vực về việc sau khi mua xe điện thì có thể bán nó lại như thế nào, bán cho ai, trên nền tảng nào. Thị trường này vẫn còn ở giai đoạn sơ khai. Theo quan điểm của tôi, việc thiết lập một thị trường bán lại và định giá xe điện là một trong những yếu tố quan trọng tác động việc mua xe điện của người dùng“.
Bên cạnh đó, đại diện nhà sản xuất nội địa VinFast và Dat Bike thông tin rằng: hiện tại, Việt Nam chúng ta vẫn chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng về pin xe điện, việc tái chế pin, hay là các quy định về cơ sở hạ tầng trạm sạc, cũng như hành lang pháp lý để kết nối mạng lưới sạc với hệ thống năng lượng tái tạo không nối lưới (offgrid). Cả VinFast và Dat Bike đều nhìn thấy cơ hội của một thị trường tái chế pin sau khi những chiếc xe điện đi qua hết vòng đời của nó.
Theo CEO của Dat Bike: Pin của xe Dat Bike sau khi bị chai và không thể sử dụng trên xe nữa, vẫn có thể mang ra để làm các hệ thống điện lưu trữ trong vòng 10-15 năm trước khi mang ra đi tái chế.
Hiện tại, Việt Nam vẫn đang thiếu các hệ thống điện lưu trữ này, nhất là ở các nhà máy điện tái tạo. Trong peak time (thời điểm sinh ra điện năng của gió và mặt trời lớn nhất), lưới điện hiện tại không thể dẫn tải nổi nên các nhà máy phải ngừng hoạt động. Việc có thêm các hệ thống lưu trữ buffer – đệm này, sẽ giúp cân bằng giữa việc sản xuất điện/tải điện và giúp hệ thống điện của chúng ta hoạt động trơn tru hơn.
Phần VinFast, từ cuối năm 2022, bằng việc hợp tác với Li-Cycle, công ty hàng đầu trong lĩnh vực phục hồi tài nguyên và tái chế pin lithium-ion ở Bắc Mỹ, họ đang thực hiện cam kết xây dựng một bộ tiêu chuẩn ESG, hướng tới phát thải ròng bằng 0 theo định hướng của Chính phủ. Việc “xanh hóa” được thực hiện ngay từ khâu đầu tiên của chuỗi cung ứng, hướng tới mua sắm bền vững, ưu tiên chọn sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường.
VinFast chủ yếu sử dụng loại pin LFP với ưu điểm không phụ thuộc nhiều vào các nguyên liệu quý hiếm nên mục tiêu của quy trình tái chế pin là thu về càng nhiều Lithium càng tốt.
“Khi pin hết hạn sử dụng sẽ được cắt, nghiền thành ‘bột đen’, rồi đưa vào nhà máy để xử lý. Tại đây, thông qua các hệ thống chiết dung môi, các hợp chất kim loại sẽ được tách riêng. Lithium sau khi được tách sẽ có thể bán trực tiếp cho khách hàng, hoặc dùng để sản xuất điện cực và tạo ra pin mới.
Các phụ phẩm của quá trình chiết dung môi cũng không bị bỏ phí mà sẽ tiếp tục được xử lý, kết tủa thành các hợp chất phục vụ sản xuất điện cực của pin. Than chì cũng được lọc và đưa vào nhà máy sản xuất pin để tái sử dụng.
Với quy trình này, trên 99,5% sắt vụn đều được tái chế, bao gồm Lithium, nhựa, đồng, nhôm, coban, mangan, niken và các hạt điện tử“, ông Miguel Gerardo Ruiz Reyes – Giám đốc mua sắm và chuỗi cung ứng của VinFast, miêu tả.