Ngày 26/4, Công ty Cổ phần Vincom Retail (MCK: VRE) tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2023. Tại Đại hội, Hội đồng quản trị Công ty đã báo cáo về tình hình kinh doanh trong năm 2022 và kế hoạch kinh doanh năm 2023.
Tại đại hội, ban lãnh đạo Vincom Retail trình đại hội kế hoạch doanh thu thuần 10.350 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 4.680 tỷ đồng, tăng lần lượt 41% và 69% so với năm 2022.
Về quy mô, trong năm 2023, TTTM của VRE dự kiến khai trương 2 TTTM mới là Vincom Mega Mall Grand Park tại TP HCM và Vincom Plaza Hà Giang, với tổng diện tích mặt sàn bán lẻ 55.000 m 2 , nâng tổng số TTTM lên 85 TTTM tại 45/63 tỉnh thành trên cả nước.
Trong năm 2023, VRE sẽ tập trung nâng cấp định vị, nâng cao hiệu quả khai thác của các TTTM đang hoạt động thông qua việc tiếp tục đồng hành với các khách thuê chiến lược, mở rộng độ phủ tại các tỉnh thành phố cấp hai giàu tiềm năng, cũng như đẩy mạnh mở rộng mạng lưới khách thuê mới theo hai nhóm: nhóm thương hiệu quốc tế và nhóm thương hiệu Việt Nam.
Tính đến cuối năm 2022, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế trên báo cáo tài chính hợp nhất là 12.065 tỷ đồng. Hội đồng quản trị (HĐQT) VRE trình ĐHĐCĐ phê duyệt toàn bộ lợi nhuận sẽ được giữ lại sử dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty .
Tại đại hội, VRE lý giải do công ty đã trả phần gốc trái phiếu hơn 1.000 tỷ đáo hạn vừa qua, đồng thời cần nguồn vốn hơn 12.000 tỷ đồng để hướng đến phát triển lưới dự án khoảng 800.000 m2.
THẢO LUẬN
Quý I/2023, tỷ suất lợi nhuận gộp của công ty tăng khá mạnh so với kỳ năm 2022. Việc gia tăng tỷ suất lợi nhuận gộp có kéo dài trong thời gian tới, các quý sắp tới không và tăng nhờ yếu tố nào?
Bên cạnh đó, thông điệp công ty đưa ra là gọn chi phí hoạt động, liệu đã tối đa chưa hay còn room để tiếp tục tối ưu?
Bà Phạm Thị Ngọc Hà (CFO): VRE luôn tìm kiếm model vận hành linh hoạt bền vững và triển khai nhiều giải giáp tối ưu chi phí 2 năm vừa qua.
Về chi phí năng lượng , VRE đã hợp tác nhà thầu đầu tư pin năng lượng mặt trời tại 50 TTTM, Năm 2023, mở rộng thêm 8 TTTM, hoàn thành 100% sử dụng pin năng lượng mặt trời.
Chúng tôi đã tiết giảm được 2,3% chi phí năng lượng. Lũy kế đến năm 2023 tạo ra và sử dụng 23 triệu kWh. Ngoài ra về ánh sáng, chúng tôi cũng đã lắp đặt đèn cảm ứng trong các căn thoát hiểm, thử nghiệm phương án hợp tác mức tối ưu đèn.
Đối với chi phí nhân sự , VRE đã tiết giảm 30% định biên từ năm 2019 đến 2022 thông qua quy hoạch chuẩn hóa đầu việc ở các vị trí chức danh, tổ chức đào tạo tay nghề nâng cao năng suất lao động, áp dụng phần mềm tự động hoá để kiểm soát công việc…
Nhìn chung cơ cấu chi phí của VRE đã thực sự săn chắc. Công ty đang tìm các giải pháp để tối ưu hơn nữa.
Bà Trần Mai Hoa (CEO): Ban lãnh đạo đã chuẩn hóa được các model phát triển trung tâm thương mại. Công ty đang nghiên cứu mô hình khu du lịch bán lẻ. Đồng thời chuẩn hóa mô hình cho thuê.
Thứ ba, chuẩn hóa mô hình vận hành. Chuẩn hóa từ định mức công việc, nhân sự, hạn mức, định mức, chuẩn hóa tất cả chi phí để tối ưu. Đây là cấu trúc chúng tôi đã làm trong suốt thời gian vừa qua.
Con số chi phí cụ thể đã tiết giảm được?
Trong cơ cấu, chi phí năng lượng chiếm 40%, chi phí nhân sự từ 30 – 35% và lại là các chi phí vật tư vật liệu, dụng cụ mua ngoài.
Chi phí năng lượng giảm khoảng 50 tỷ hàng năm, tiết giảm được hơn 2% tổng chi phí điện bình quân hàng năm. Chi phí nhân sự giảm 30% định biên.
Trong bối cảnh ngành bán lẻ suy giảm, nhiều TTTM có hiện tượng để trống mặt bằng, VRE đã làm gì để duy trì tỷ lệ lấp đầy cao như hiện nay? Kế hoạch thời gian tới?
Theo sát thị trường bán lẻ, chúng tôi cũng như các chủ đầu tư, nhà bán lẻ đánh giá thị trường có độ giảm sút. Trong quý I là đợt thấp điểm của ngành bán lẻ, sẽ hồi phục từ cuối tháng 3 đầu tháng 4 và cao điểm nhất là hè và mùa thu đông.
Chúng tôi đánh giá ngành bán lẻ sẽ còn bị ảnh hưởng trong ngắn hạn. Tuy nhiên ảnh hưởng không xảy ra toàn diện, cùng chiều mà có sự tăng giảm ở từng vị trí.
Chúng tôi cũng trao đổi với khách thuê để làm kế hoạch kinh doanh. Những hãng bán lẻ, những chuỗi bán lẻ lớn bắt đầu xâm nhập thị trường tỉnh ngoài TM. HCM, Hà Nội và VRE luôn là lựa chọn hàng đầu của họ. Nhìn chung, tỷ lệ convert từ khách thuê mới sang deal khá ấn tượng, có bị ảnh hưởng nhưng là trong ngắn ngạn.
Định hướng chính vẫn là tập trung vào cho thuê trung tâm thương mại. Để đạt được tỉ lệ lấp đầy mục tiêu, thì năm nay cần lấp đầy 100.000 m2 và chúng tôi nhận định điều đó khả thi.
Cơ cấu các khách thuê lớn trong TTTM?
Để đáp ứng được điều kiện thuê của khách quốc tế, không chỉ có việc đưa họ vào là xong mà cần xác định vị trí của họ, hàng xóm của họ là ai…
Các bạn đều nhìn thấy rõ sau thời gian đưa được khách lớn vào TTTM Vincom, đơn cử như ở Đồng Khởi, Bà Triệu, Trần Duy Hưng… thì đã tối ưu được chi phí thuê. Cơ cấu khách thuê lớn thì chúng tôi xin phép không tiết lộ.
Sau Covid-19, hành vi mua sắm chuyển dịch sang online nhiều, VRE có kế hoạch gì để duy trì hoạt động?
Chúng tôi không quan niệm online hay offline khác biệt nhau. Các khách hàng của VRE hiện có cả mặt bằng ở Vincom và cũng có cả kênh bán lẻ riêng, có app…Vì vậy chúng tôi không ghi nhận nhiều việc chuyển từ offline sang online mà các khách thuê tận dụng các cửa hàng offline để tăng doanh số.
Chúng tôi xác định vai trò của VRE là cùng với các khách thuê thúc đẩy sức mua tại các TTTM.
App của VRE đã bắt đầu lauch từ cuối 2022 và đang hoàn thiện để trở thành một ứng dụng để marketing sản phẩm, giúp khách hàng khi đến TTTM sẽ nhận được các pop-up.
Định hướng trả cổ tức của công ty trong dài hạn?
Hiện tại công ty chưa có chính sách chia cổ tức trong dài hạn.
Đối với các cổ đông, trong thời gian qua VRE rất nỗ lực để tối ưu chi phí và nâng tỷ lệ lấp đầy, đem lại hiệu quả cho công ty và công ty cũng sở hữu những tài sản có giá trị. Vì vậy, chúng tôi hi vọng đầu tư dài hạn là mục đích mà cổ đông đầu tư vào VRE.