Ngày 6/12/2023, Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố Top 10 Công ty uy tín ngành Logistics năm 2023 dựa trên ba tiêu chí chính:
– Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất;
– Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding – mã hóa các bài viết về công ty trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng;
– Khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan được thực hiện trong tháng 10-11/2023.
Theo đó, trong nhóm ngành Chuyển phát nhanh, giao hàng chặng cuối, Viettel Post và Vietnam Post tiếp tục giữ vị trí thứ nhất và thứ hai. Top 5 trong nhóm ngành này không có gì thay đổi so với bảng xếp hạng năm ngoái.
Đối với nhóm ngành Giao nhận quốc tế, Kho bãi, Dịch vụ Logistics bên thứ 3, thứ 4, CTCP Giao nhận và Vận chuyển In Do Trần cùng CTCP Gemadept cũng tiếp tục dẫn đầu như năm ngoái. Hai cái tên mới trong BXH năm nay gồm CTCP Vận tải & Xếp dỡ Hải An và CTCP Tập đoàn ASG, thay thế Công ty TNHH Expeditors Việt Nam và CTCP Kho vận Miền Nam.
Trong nhóm ngành Vận tải hàng hóa, top 4 không có gì thay đổi so với năm ngoái và đứng đầu vẫn là Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam.
Cũng trong báo cáo, Vietnam Report chỉ ra rằng logistics không nằm ngoài khó khăn chung của nền kinh tế, đặt ra thách thức lớn cho các doanh nghiệp trong ngành. Theo khảo sát của Vietnam Report, phần lớn các doanh nghiệp logistics đều ghi nhận kết quả kinh doanh sụt giảm, với 66,7% số doanh nghiệp bị suy giảm lợi nhuận.
Tuy nhiên, yếu tố chi phí của doanh nghiệp logistics lại ghi nhận nhiều điểm sáng khi có tới 60% doanh nghiệp có tổng chi phí giảm. Điều này cũng phản ánh chính xác những nỗ lực ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hạ lãi suất cho vay cho từ phía Chính phủ.
Theo Vietnam Report, hiện nay các doanh nghiệp logistics trong nước đang đối mặt với 4 thách thức chính:
– Thứ nhất là về nhóm 3 yếu tố: Giảm số lượng đơn hàng, Kinh tế tăng trưởng chậm, Bất ổn chính trị trên thế giới
– Thứ hai là liên quan tới cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong ngành. Cuộc cạnh tranh về giá lẫn dịch vụ diễn ra gay gắt khi ngày càng nhiều doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào thị trường với mục tiêu chiếm lĩnh, sẵn sàng lỗ 3-5 năm để giành thị phần. Ngoài ra, các sàn thương mại điện tử cũng mở rộng hệ sinh thái, tham gia vào thị trường logistics.
– Thứ ba là về nhóm các yếu tố tác động đến chi phí của doanh nghiệp, bao gồm biến động giá năng lượng, sức ép tỷ giá, lạm phát cao, khó khăn tiếp cận nguồn vốn cho hoạt động đầu tư.
– Cuối cùng là liên quan đến nguồn nhân lực ngành logistics.
Trước nhiều kỳ vọng về phục hồi kinh tế cùng mục tiêu tăng trưởng 6% trong năm 2024 của Việt Nam, các doanh nghiệp logistics cũng bày tỏ lạc quan khi có 34,5% số doanh nghiệp tham gia khảo sát của Vietnam Report nhận định lĩnh vực này sẽ tăng trưởng tốt hơn.
Những năm gần đây, ngành logistics Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 14 – 16%/năm. Dự báo của Mordor Intelligence đối với ngành vận tải hàng hóa và logistics có dung lượng thị trường đạt 45,19 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) đạt 6,34% trong giai đoạn 2023 – 2029.