Mới đây, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) đã công bố báo cáo hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2023. Theo đó, trong năm vừa rồi, Viettel ghi nhận tổng doanh thu hợp nhất đạt 172.520 tỷ đồng, tăng 5,4% so với năm 2022 và hoàn thành 102,2% kế hoạch.
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Tập đoàn năm 2023 đạt 46.331 tỷ đồng, tăng hơn 2,6% so với năm 2022 và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 35.267 tỷ đồng, tăng gần 1% so với cùng kỳ; lần lượt hoàn thành 104,6% và 104,1% kế hoạch năm 2023. Đây là mức lợi nhuận trước thuế cao nhất của Viettel kể từ năm 2014 đến nay.
Tập đoàn nộp ngân sách nhà nước 37.818 tỷ đồng, tương đương với năm 2022.
Tại thời điểm 31/12/2023, tổng tài sản của Viettel ở mức 296.249 tỷ đồng, tăng 11.987 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Phần lớn trong đó là tài sản ngắn hạn với 230.067 tỷ đồng, chiếm 77,66% tổng tài sản của Tập đoàn.
Nợ phải trả của công ty ở mức 106.595 tỷ đồng, giảm hơn 600 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó, nợ ngắn hạn là 74.064 tỷ đồng, chiếm 69% nợ phải trả và nợ dài hạn là 32.531 tỷ đồng, chiếm 31%. Vốn chủ sở hữu của Viettel tại cuối năm 2023 ở mức 189.654 tỷ đồng.
Thu nhập bình quân của người lao động tại Viettel và các công ty con là 30,63 triệu đồng/người/tháng, tại riêng công ty mẹ, thu nhập bình quân của người lao động là 45,42 triệu đồng/người/tháng.
Viettel cho biết, năm 2023 là năm Viettel đạt được thành tựu trên tất cả các lĩnh vực viễn thông trong nước, viễn thông nước ngoài, chuyển đổi số, nghiên cứu sản xuất & logistic.
Cụ thể, năm 2023, thị phần viễn thông của Viettel tăng thêm 1,64% và tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu với 56,5%. Các dịch vụ ngoài di động cũng giữ vị thế số 1 gồm cố định băng rộng (FTTH) với 43% thị phần; truyền hình trên đa nền tảng với 8,6 triệu khách hàng, chiếm 31,2% thị phần.
Viettel cũng cung cấp các sản phẩm mới: Trợ lý ảo pháp luật, Trợ lý ảo cho cán bộ công chức, dịch vụ xác thực thẻ CCCD gắn chip cho Bộ Công An, nền tảng phân tích dữ liệu ở 14 Tỉnh trên cả nước. Trong năm, Viettel đã triển khai nhiều hạ tầng trung tâm dữ liệu lớn tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, góp phần phát triển hệ sinh thái dịch vụ Cloud lớn nhất cả nước.
Doanh thu nước ngoài của Viettel tăng trưởng 20,5%, duy trì tốc độ tăng trưởng cao 7 năm liên tiếp, gấp 5 lần trung bình ngành trên thế giới. Natcom vươn lên dẫn đầu tại Haiti, đưa Viettel giữ vị trí số 1 tại 6 thị trường nước ngoài (bao gồm: Natcom tại Haiti, Metfone tại Campuchia, Unitel tại Lào, Mytel tại Myamar, Telemor tại Đông timor, Lumitel tại Bunrudi).
Lĩnh vực an toàn thông tin do Viettel cung cấp dịch vụ đã mở rộng kinh doanh ra 4 thị trường quốc tế gồm Nhật Bản, Myanmar, Đông Timor và Hồng Kông.
Nền tảng tài chính số Viettel Digital Finance platform xuất khẩu ra 7 thị trường nước ngoài, nhiều thị trường có tốc độ tăng trưởng cao như Mozambique (450%), Lào (244%), Haiti (232%), Đông Timor (139%), Burundi (91%).
Hệ thống 5G dùng riêng (5G Private) hoàn chỉnh đã có hợp đồng xuất khẩu sang Ấn Độ, quốc gia công nghệ phát triển và có dân số đông nhất thế giới.
Các giải pháp, dịch vụ số của Viettel giữ thị phần số 1 trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, chính quyền tỉnh. Trong đó, hệ sinh thái y tế số kết nối 30 triệu hồ sơ sức khỏe, các giải pháp giáo dục số phục vụ 4 triệu học sinh và trung tâm điều hành thông minh (IOC) có mặt tại 35 tỉnh thành.
Bên cạnh đó, Viettel chiếm 58% thị phần SOC, khẳng định là nhà cung cấp dịch vụ ATTT số 1 tại Việt Nam.
Trong lĩnh vực logistics, Viettel Post đạt mức tăng trưởng cao nhất sau 5 năm. Lĩnh vực lõi chuyển phát tăng trưởng 31% – gấp gần 4 lần tăng trưởng chung của ngành.
Năm 2024, Viettel đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất toàn Tập đoàn tăng 7,2%.
Nguồn tin: https://cafef.vn/viettel-bao-lai-hon-46000-ty-cao-nhat-trong-vong-10-nam-thu-nhap-binh-quan-cua-nguoi-lao-dong-hon-30-trieu-thang-188240711005627336.chn