Trong những ngày qua, vụ việc Khu Quản lý đường bộ II, thuộc Cục Quản lý đường bộ Việt Nam, tháo dỡ dòng chữ “Vào đường Sơn Hải bảo hành 10 năm” trên các biển báo của tuyến cao tốc Nghi Sơn – Diễn Châu đã gây nhiều tranh cãi trong dư luận.
Ngày 1/11, ông Nguyễn Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hải, đã gửi đơn tố giác tội phạm đến Công an tỉnh Thanh Hóa và Công an thị xã Nghi Sơn, đề nghị điều tra hành vi có dấu hiệu phá hoại và phá dỡ toàn bộ 9 biển cam kết bảo hành 10 năm của Tập đoàn Sơn Hải dọc tuyến cao tốc Nghi Sơn – Diễn Châu.
Trước nhiều thông tin phản ánh như “Tập đoàn Sơn Hải cắm biển bảo hành 10 năm là trái quy định pháp luật”, “Biển bảo hành của Tập đoàn Sơn Hải là tài sản Nhà nước đã được thanh toán”, và “Sơn Hải quảng cáo”, ngày 4/11, Tập đoàn Sơn Hải tiếp tục lên tiếng cho rằng việc ký hợp đồng và cắm biển bảo hành 10 năm trên công trình là không trái quy định và đã có tiền lệ. Cụ thể, Sơn Hải cho biết ngày 25/10/2022, Tập đoàn đã có bản gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cam kết bảo hành 10 năm công trình trong đó có nội dung “công khai cắm biển bảo hành 10 năm cho người dân tham gia giao thông được giám sát”.
Hình tháo dỡ dòng chữ bảo hành trên các biển cam kết bảo hành của Tập đoàn Sơn Hải
Sau khi nhận được văn bản, Bộ GTVT đã giao về các Chủ đầu tư để ký hợp đồng với Sơn Hải thực hiện bảo hành 10 năm công trình. Trong nội dung phụ lục hợp đồng ký với Chủ đầu tư có nội dung: “Phụ lục hợp đồng này là cơ sở pháp lý để Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải thực hiện công khai nghĩa vụ bảo hành công trình”. Trước lúc đưa vào sử dụng, Sơn Hải cũng đã cắm 09 biển bảo hành 10 năm trên đoạn tuyến do tập đoàn thực hiện. Từ khi đưa vào khai thác sử dụng đến nay đã hơn 01 năm.
Tập đoàn Sơn Hải cho biết thêm, trước đây Bộ đã giao Chủ đầu tư ký hợp đồng với Nhà thầu và Nhà thầu đã thực hiện hoàn thành bảo hành 05 năm, như vậy việc cắm biển bảo hành 10 năm để người dân tham gia giao thông được giám sát không thể gọi là vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ.
Về ý kiến cho rằng các biển báo thuộc tài sản nhà nước, Sơn Hải khẳng định rằng 9 biển bảo hành 10 năm được nhà thầu tự bỏ kinh phí đầu tư, nằm ngoài khối lượng và giá trị theo hồ sơ thiết kế đã thanh toán. Khi nghiệm thu, bàn giao cho chủ đầu tư không bao gồm 9 biển bảo hành này, nên không thể coi đây là tài sản của Nhà nước.
>>Nhóm người ngang nhiên phá biển báo cao tốc, Tập đoàn Sơn Hải gửi đơn tố giác đến công an
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/tap-doan-son-hai-viec-cam-bien-bao-hanh-10-nam-tren-cong-trinh-la-khong-trai-quy-dinh-va-da-co-tien-le-174374.html