“Ước mơ của tôi là 1 ngày khi đi vào cửa hàng bất kỳ, nhân viên sẽ nói: “Xin lỗi chúng tôi không dùng tiền mặt” chia sẻ của ông Marek Forysiakn, Nhà sáng lập SmartPay tại tọa đàm về chủ đề Doanh nghiệp F&B với thanh toán điện tử mới đây.
Theo vị này, ước mơ này đồng nghĩa với kỳ vọng về sự thay đổi hành vi của người dùng hiện nay. 5 năm qua, so với ngày đầu SmartPay thành lập tại Việt Nam thì tỷ lệ dùng tiền mặt lên đến 100%, thì bây giờ con số này đã giảm còn 75-80%. Và trong thời gian tới, Chính phủ Việt Nam cũng đã có lộ trình tăng cường thanh toán không tiền mặt, mục tiêu đạt mức 50% đến năm 2025.
“Dù vậy, tôi nghĩ con số thực tế sẽ cao hơn nhiều nếu chúng ta cho mọi người biết được là thanh toán non-cash không chỉ tiện lợi mà tuyệt đối an toàn
”, ông nhấn mạnh.
Theo đó, SmartPay cũng lấy tiền mặt là đối thủ cạnh tranh của mình. Tính đến cuối năm 2022, SmartPay đạt 2,5-3 triệu USD giao dịch, chỉ chiếm 3% tổng thu nhập của nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam. Điều này cho thấy dư địa thị trường còn rất nhiều, chưa kể hành vi người dùng đang dần chuyển qua non-cash là cơ hội doanh nghiệp thấy được.
Được biết, SmartPay thành lập vào tháng 5/2019, đối tượng khách hàng mục tiêu là nhà bán hàng vừa và nhỏ làm trọng tâm. Tính tới cuối năm 2022, SmartPay có hơn 700.000 nhà bán hàng (đơn vị chấp nhận thanh toán) và cộng đồng hơn 40 triệu người dùng trong cả nước.
Công ty mẹ là Smartnet hiện cũng là thành viên Hiệp Hội Ngân Hàng Việt Nam (VNBA) theo quyết định số 40/QĐ-HĐHH (ngày 24/10/2019), đồng thời được nhận chứng nhận bảo mật quốc tế PCI DSS cấp độ 1 (Payment Card Industry Data Security Standard) – tiêu chuẩn bảo mật được áp dụng trên toàn cầu, bảo đảm an toàn cho dữ liệu thẻ khi được xử lý và lưu trữ tại các ngân hàng hoặc doanh nghiệp thanh toán.
Hành lang pháp lý không phải là “rào cản”, mà nên hiểu chính sách là bảo vệ người dân
Chia sẻ về việc chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt Nam đang nhanh hay chậm so với thế giới, cũng như hành lang pháp lý chưa hoàn thiện có là rào cản cho fintech phát triển?. Ông Marek Forysiakn cho rằng thực tế hành lang pháp lý không chỉ ở Việt Nam, mà trên cả thế giới đều đang mở rộng và sẵn sàng cho việc chuyển đổi số. Song, sự phát triển nào cũng cần phải đi từ cách truyền thống và dần dần tiên tiến hơn.
Và thắc mắc về hành lang pháp lý là một vấn đề thú vị, theo đại diện SmartPay đây không phải là “rào cản”, mà nên hiểu là chính sách là bảo vệ người dân.
“Giao dịch điện tử tiền chuyển đi nhanh nên khả năng mất nhanh. Do đó, Chính phủ các nước sẽ phải có những bước kiểm soát chặt chẽ, dần dần cởi mở theo từng giai đoạn phát triển của thị trường nhằm bảo vệ lợi ích của người dùng”,
ông nói.
Cũng như SmartPay, vấn đề bảo mật cũng được đặt lên hàng đầu. Smartpay đầu tư nhiều cho bảo mật và đây đang là lợi thế cạnh tranh của Smartpay. Bởi, “
Với thanh toán điện tử, khi khách hàng mất 1 đồng sẽ ngừng sử dụng SmartPay ngay, và Smartpay tuyệt đối không có cơ hội thứ hai để nói lời xin lỗi”,
nhà sáng lập nhấn mạnh.
Về bức tranh chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt, từ sau đại dịch Covid-19, thói quen thanh toán của người tiêu dùng đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ. Cụ thể, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trong 11 tháng đầu năm 2022, thanh toán không dùng tiền mặt đã tăng 85,6% về số lượng và 31,39% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Số lần giao dịch qua phương thức QR code tăng đến 182,5% còn số lần giao dịch qua POS tăng 53,57%.
Nhu cầu tăng cao cùng công nghệ phát triển đã tạo động lực đẩy mạnh chuyển đổi số tại các doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) lại có phần chậm chân hơn trong xu hướng này do nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể kể đến như khó khăn trong việc triển khai, không đủ kinh phí đầu tư, hay ít nhận được sự quan tâm từ các tổ chức tài chính và dịch vụ thanh toán.
“Công nghệ là yếu tố tạo nên công bằng thế giới phẳng, nên, công nghệ phải hỗ trợ được cho tất cả mọi người”
Trong khi, SME có vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế. Khối SME hiện chiếm khoảng 97% số lượng doanh nghiệp của Việt Nam, đóng góp khoảng 50% GDP, 30% thu ngân sách nhà nước và tạo việc làm cho trên 5 triệu lao động, chiếm 45% tổng số việc làm trong khối doanh nghiệp.
Thực tế, khối SME cũng đã và đang được ưu tiên trong việc tiếp cận vốn. Số liệu từ NHNN cho thấy, bình quân giai đoạn 2018-2022, dư nợ tín dụng đối với SME tăng 14,17%, cao hơn bình quân chung toàn nền kinh tế. Đến cuối năm 2022, dư nợ tín dụng đối với SME đạt 2,18 triệu tỷ đồng, tăng 8% so với cuối năm 2021 và chiếm khoảng gần 19% tổng dư nợ tín dụng chung toàn nền kinh tế.
Dù vậy,
“Khối SME theo tôi chưa được phục vụ nhiều. Chúng ta cần hiểu, công nghệ là yếu tố tạo nên công bằng thế giới phẳng, nên, công nghệ phải hỗ trợ được cho tất cả mọi người”
, ông Marek Forysiakn nói.
Hiện, mục tiêu phát triển chính của SmartPay là góp phần thúc đẩy thanh toán điện tử cho khối này. Trong dịp ra mắt sản phẩm SmartBox – máy báo nhận tiền và khởi động Hành trình, Công ty đang và sẽ tặng miễn phí 50.000 SmartBox đến tiểu thương Việt với tổng giá trị 25 tỷ đồng.
“Việc nỗ lực mang đến nhiều giải pháp đa dạng thúc đẩy hoạt động kinh doanh giúp SmartPay trở thành “người bạn” đồng hành không thể thiếu cùng các doanh nghiệp trong ngành bán lẻ. Trong tương lai, SmartPay dự định sẽ tiếp tục phát triển các sản phẩm và dịch vụ giúp nhà bán hàng vừa, nhỏ và siêu nhỏ tối ưu hóa kinh doanh trong thời đại số”
,
đại diện nói thêm.