Sự phát triển của trạm sạc đang chậm hơn xe điện?
Hãng tin CNBC cho hay thị trường xe điện tại Việt Nam sẽ có sự tăng trưởng mạnh trong 10 năm tới. Báo cáo của BMI Research cùng Fitch Solutions dự đoán doanh số xe điện tại Việt Nam sẽ bùng nổ ít nhất gấp đôi trong năm nay.
“Trong năm 2023, chúng tôi dự đoán doanh số bán xe điện sẽ tăng 118% so với cùng kỳ năm trước lên 18.000 đơn vị”, báo cáo của BMI nêu.
Các hãng xe điện mà dẫn đầu là Vinfast liên tục trình làng các mẫu xe mới, đủ các phân khúc. Tuy nhiên, hạ tầng thiết yếu cho xe điện đi vào vận hành là các trạm sạc thì lại ít được chú ý hơn.
BMI Research chỉ ra hệ thống sạc xe điện tại Việt Nam có thể giới hạn đà tăng trưởng của thị tường này. Phần lớn các mạng lưới sạc hiện nay chủ yếu dành cho xe điện 2 bánh, bởi vậy BMI kỳ vọng sẽ có nhiều hơn nữa doanh nghiệp gia nhập thị trường này để có thể thúc đẩy thị trường.
Hiện tại, ngoài ông lớn Vinfast đầu tư bài bản vào hệ thống trạm sạc với hơn 150.000 cổng sạc cho xe máy điện và ô tô điện, trải dài rộng khắp 63 tỉnh thành tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư khoảng 500 – 700 triệu USD.
Với trụ sạc dành cho ô tô, VinFast đang có 4 loại khác nhau gồm: Trụ sạc ô tô – Sạc siêu nhanh DC 250kW, Trụ sạc ô tô – Sạc nhanh DC 60 kW, Trụ sạc ô tô – Sạc nhanh DC 30kW và Trụ sạc ô tô – Sạc nhanh DC 11 kW.
Trạm sạc dành cho ô tô và xe máy điện đang được VinFast lắp đặt tại nhiều địa điểm khác nhau như bãi đỗ xe và bến xe, trạm dừng nghỉ và trạm xăng dầu, trung tâm thương mại, chung cư – tòa nhà văn phòng, cao tốc – quốc lộ và các địa điểm phù hợp khác.
Một hãng ô tô khác có ý định tiến công thị trường xe điện là hãng Audi Việt Nam tuy xác nhận mạng lưới sạc nhanh, thuận tiện chính là yếu tố then chốt của hệ sinh thái xe điện toàn diện nhưng họ chỉ mới lắp đặt ở một số đại lý tại TP HCM.
Điều đó có nghĩa người dùng xe điện thương hiệu này sẽ rất bất tiện nếu rời khỏi TP HCM. Trong khi đó, ông Bradley Kelly, Tổng Giám đốc Mercedes-Benz Việt Nam, cho biết hãng sẽ lắp đặt các trạm sạc tại hệ thống phân phối chính hãng trên toàn quốc và định hướng mở rộng mạng lưới sạc cho khách hàng tại các khách sạn và resort 5 sao trên toàn quốc. Tuy vậy, mọi thứ vẫn nằm trên kế hoạch.
Một startup có vốn điều lệ hơn 600.000 USD đang cố gắng làm điều ngược lại?
Theo CNBC, hãng phát triển hệ thống sạc xe điện của Việt Nam là EBOOSY đang có kế hoạch mở rộng mạng lưới và sẽ triển khai thêm nhiều địa điểm sạc nhằm phục vụ thị trường.
Tương tự, hãng Foxconn cũng dự định đầu tư 250 triệu USD để xây dựng một nhà máy sản xuất thiết bị sạc xe điện và các linh kiện liên quan tại Việt Nam.
“Những yếu tố này sẽ giúp mở rộng nhanh chóng hơn nữa hệ thống sạc xe điện Việt Nam cũng như trên toàn Đông Nam Á ”, BMI nhận định.
EBOOST là một mạng lưới năng lượng, cung cấp giải pháp sạc thông minh cho cả ô tô và xe máy điện tại thị trường Việt Nam. EBOOST thiết kế, lắp đặt và vận hành hệ thống trạm sạc xe điện phủ khắp toàn quốc, có nền tảng công nghệ và số hóa hoàn toàn.
Điểm đáng chú ý là theo giới thiệu, EBOOST cung cấp tính năng sạc cho tất cả xe điện – không giới hạn thương hiệu xe!
Điều này sẽ có lợi cho các hãng xe điện khác ngoài Vinfast, bởi lẽ nó sẽ san phẳng khoảng cách về lợi thế trạm sạc của Vinfast so với đối thủ. Trong đại hội cổ đông thường niên 2023, Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng đã chia sẻ kế hoạch rõ ràng rằng sau 10 năm nữa VinFast sẽ cho các đơn vị khác dùng chung trạm sạc.
“Hiện tại, doanh nghiệp không có lý do gì bỏ ra 500 – 700 triệu USD xây dựng hạ tầng rồi lại cho đối thủ khác dùng chung”, ông Vượng bày tỏ quan điểm.
EBOOST thuộc công ty TNHH Evida, một start-up còn khá non trẻ trong ngành xe điện với tham vọng trở thành nhà cung cấp tân tiến nhất trong dịch vụ di chuyển thông minh tại Việt Nam . Evida được thành lập năm 2019, với số vốn điều lệ thay đổi gần nhất là hơn 15 tỷ đồng (tương đương 632.990 USD).
Người đại diện theo pháp luật của công ty là Chủ tịch Stefan Kaufmann, quốc tịch Thụy Sỹ.
Việc phát triển trạm sạc để đáp ứng cho số lượng xe điện tăng lên trong tương lai là cần thiết. Tuy nhiên, thách thức đối mặt không ít.
Báo Người lao động dẫn lời ThS Trần Anh Tùng, Trưởng ngành quản trị kinh doanh Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP HCM, nhận định một trong những nguyên nhân chính của việc ít nhà đầu tư mặn mà xây dựng trạm sạc là thiếu hạ tầng phù hợp để xây dựng và vận hành các trạm sạc điện công cộng.
Cụ thể là hệ thống điện lưới của Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu sạc điện lớn và liên tục từ các xe điện. Điều này đòi hỏi một mạng lưới điện phải được nâng cấp và mở rộng để bảo đảm cung cấp điện ổn định cho các trạm sạc. Kế đến là chưa có quy định và chính sách rõ ràng để khuyến khích và hỗ trợ việc xây dựng trạm sạc điện công cộng.
Cũng theo ông Tùng, việc xây dựng một trạm sạc điện công cộng đòi hỏi một khoản đầu tư ban đầu lớn, bao gồm việc mua sắm các thiết bị sạc, xây dựng hạ tầng và kết nối với lưới điện. Trong khi hiện nay, chưa có mô hình kinh doanh rõ ràng để thu hồi vốn đầu tư vào trạm sạc điện công cộng.
Việc tính phí sạc điện và quản lý thu hồi tiền từ người dùng là một thách thức lớn, đặc biệt khi số lượng xe điện vẫn còn ít và không đủ để tạo ra lợi nhuận đáng kể. Chưa kể, việc tìm đất phù hợp để xây dựng trạm sạc điện công cộng và xin phép xây dựng cũng gặp nhiều khó khăn. Điều này làm gia tăng rủi ro cho các nhà đầu tư và làm giảm khả năng thu hút vốn. Các nhà đầu tư cảm thấy không chắc chắn về lợi ích kinh tế và pháp lý khi đầu tư vào hạ tầng trạm sạc điện công cộng nên thiếu động lực để tham gia.