CTCP Tôn Đông Á vừa công bố BCTC hợp nhất quý 2/2023. Ghi nhận, doanh thu gần 4.792 tỷ đồng – giảm 29% so với cùng kỳ. Trừ giá vốn, Công ty thu về hơn 316 tỷ đồng lãi gộp, cùng kỳ ghi nhận đến 780 tỷ đồng. Về hoạt động tài chính, doanh thu quý 2 năm nay tăng hơn 147 tỷ đồng, trong khi các chi phí được tiết giảm rõ rệt. Kết quả, Tôn Đông Á lãi sau thuế 123 tỷ đồng, giảm nhẹ 2,6% so với quý 2/2022.
Theo giải trình của Công ty, thị trường ngành thép lá mạ đã và đang trải qua những biến động và thách thức khó khăn, do đó ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp cùng ngành nói chung và Tôn Đông Á nói riêng. Trong bức tranh chung kém sắc, lợi nhuận của Tôn Đông Á gây chú ý khi gần như được duy trì và có tăng trưởng.
So với quý liền kề, doanh thu Công ty tăng trưởng 22%, tổng lợi nhuận ròng tăng 50%. Biên lợi nhuận ròng tăng 0,7% so với cùng kỳ và 0,5% so với quý liền kề nhờ cắt giảm các chi phí như chi phí lãi vay và chi phí hoạt động.
Doanh thu và lợi nhuận 2 quý đầu năm 2023 (tỷ đồng)
Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2023, Công ty đạt tổng sản lượng kinh doanh 377.000 tấn, tổng doanh thu 8.734 tỷ đồng và tổng lợi nhuận sau thuế đạt 204,3 tỷ đồng.
Năm 2023, Tôn Đông Á lên kế hoạch doanh thu 17.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến 200 tỷ đồng, tăng 172% so với kết quả trong năm 2022. Như vậy, so với kế hoạch cả năm, Tôn Đông Á đạt 51% kế hoạch doanh thu và đã vượt chỉ tiêu lợi nhuận.
Dự báo cho nửa cuối năm 2023, theo Tôn Đông Á nhu cầu xây dựng và cơ sở hạ tầng tại Việt Nam và khu vực đã, đang được kỳ vọng cải thiện dần, tạo ra cơ hội cho công ty mở rộng thị phần và đầu tư phát triển. Triển vọng của thị trường ngành thép lá mạ trong nửa cuối năm 2023 đến năm 2024 dự kiến phục hồi, thúc đẩy bởi nhu cầu xây dựng và cơ sở hạ tầng cùng các chính sách kích thích kinh tế tài chính. Sự phục hồi của nền kinh tế và các dự án quy mô lớn đang được triển khai sẽ là những tác động tích cực đến nhu cầu sử dụng tôn mạ.
Về kế hoạch đầu tư, năm 2023 ĐHĐCĐ Công ty đã thông qua việc nghiên cứu đầu tư nhà máy thép lá mạ thứ ba và sẽ triển khai để tận dụng khi cơ hội tốt theo tình hình thực tế của ngành. Việt Nam đang trở nên điểm sáng khi là quốc gia tăng cường hợp tác kinh tế quốc tế, sản xuất xuất khẩu, và hấp dẫn các dự án FDI, điều này sẽ mở rộng tiềm năng cơ hội cho thị trường nội địa và xuất khẩu tôn mạ khi nhu cầu ngày càng phát triển.
Bên cạnh đó, xu hướng xây dựng bền vững và sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường cũng tạo ra cơ hội phát triển các sản phẩm mới. Theo đó, Tôn Đông Á cho biết đang đầu tư lắp đặt điện mặt trời vào các nhà máy chính, dự kiến khoảng quý 4 /2023 đưa vào sử dụng. Theo tính toán, khi đưa vào sử dụng sẽ giảm khoảng 25% chi phí so với việc dùng điện như trước đây.
Hiện, Tôn Đông Á đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục đăng ký giao dịch cổ phiếu với mã chứng khoán là GDA trên sàn UpCOM, dự kiến thực hiện giao dịch cổ phiếu trong năm.
So với các “đối thủ” trên sàn, Tôn Đông Á được biết đến là doanh nghiệp chuyên sản xuất thép lá mạ. Năm 2022, Công ty sản xuất được hơn 767.000 tấn, đạt trên 90% hiệu suất. Trong đó, sản lượng thực bán hơn 770.000 tấn. Đáng chú ý, thị phần TDA năm 2022 đã tăng lên 17,11% (cùng kỳ 13,84%), giữ thị phần Top 2 tại thị trường Việt Nam, đồng thời là Top 3 đơn vị có quy mô sản lượng trong ngành thép lá mạ tại Việt Nam. Đến thời điểm cuối tháng 6/2023, thị phần nội địa Công ty đạt 16.2% (cùng kỳ 13,31%) và xuất khẩu chiếm 19,3% (cùng kỳ 14,15%).