Chủ tịch Phạm Nhật Vượng được biết đến là người giàu nhất Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại và xếp thứ 768 trong danh sách những người giàu nhất thế giới. Thống kê của Forbes cho thấy, tài sản ròng (tính theo thời gian thực) của ông Phạm Nhật Vượng đang ở mức 4,2 tỷ USD. Không chỉ là một doanh nhân thành đạt với Vingroup, Vinfast, Vincom … ông còn là biểu tượng của tinh thần dám nghĩ dám làm và là nguồn cảm hứng bất tận cho những ai khởi nghiệp.
Chia sẻ trong một buổi phỏng vấn, ông Mikhail Pilipchuk – cựu thị trưởng Kharkov (Ukraina) đã nhận xét về Phạm Nhật Vượng như sau: ‘‘Mặc dù đã lâu không gặp, nhưng tôi vẫn dõi theo và biết ông Vượng vẫn như vậy, vẫn là người như tôi đã biết như trước đây: rất chuyên nghiệp, đầy năng lượng, đầy ý tưởng sáng tạo, không thích sự tung hô, màu mè, ồn ào xung quanh mình’’.
Thực tế, vị Chủ tịch của Vingroup là người kín tiếng và rất ít khi xuất hiện trên truyền thông, nhưng câu chuyện về con đường ‘’khởi nghiệp’’ của ông vẫn là đề tài được rất nhiều người quan tâm tìm hiểu.
Ông Phạm Nhật Vượng khi còn ở Ukraine
Ông Phạm Nhật Vượng sinh ngày 5/8/1968, quê gốc tại tỉnh Hà Tĩnh. Ông là con cả trong gia đình 3 anh chị em. Vị tỷ phú từng là học sinh khoá 9 (1982-1985) tại trường THPT Kim Liên. Sau khi tốt nghiệp, ông Vượng thi đỗ vào trường Đại học Mỏ địa chất Hà Nội. Năm 1987, nhờ thành tích xuất sắc về toán học, ông Vượng giành suất học bổng du học tại Học viện địa chất Moscow (Nga), chuyên ngành kinh tế và địa chất, khi đó ông 19 tuổi.
Nhắc về giai đoạn này, ông từng nói: “Tôi chỉ là một người bình thường thôi. Tôi đi học ở Liên Xô, rồi ở lại làm việc. Bắt đầu khởi nghiệp thực ra là từ năm thứ 3 đại học”. Ông thuê một gian phòng tại Dom 5, khu thương xá tập trung của người Việt, để bán hàng nhưng gặp thất bại liên tiếp.
Sau đó, ông chuyển sang kinh doanh nhà hàng rồi nhập hàng từ Việt Nam sang bán. Một thời gian ông buôn áo gió, kiếm được rất nhiều tiền, nhưng ‘’cậu sinh viên’’ khi đó vẫn chưa có nhiều kinh nghiệm nên không tránh khỏi cảnh phá sản. Khi rời Moscow để chuyển đến Kharkov, Ukraine, ông vẫn còn nợ 40.000 USD.
Và chính những thất bại khi ấy lại là những bài học đặc biệt để sau đó ông “nhạy hơn với thị trường, mình “ăn đòn” nhiều nên khôn hơn”.
Bức ảnh tỷ phú Phạm Nhật Vượng thời trẻ chụp cùng nghệ sĩ Xuân Hinh cách đây hơn 30 năm, khi đó Chủ tịch Vingroup mới chỉ khoảng 23 tuổi
>> Tỷ phú Phạm Nhật Vượng ‘rót’ tiếp 1 tỷ USD tài trợ cho VinFast, khẳng định ‘sẽ đầu tư cho đến khi hết tiền thì thôi’
Năm 1993, sau khi tốt nghiệp và kết hôn với người bạn gái đại học, Phạm Nhật Vượng cùng vợ chuyển tới Kharkov, Ukraine. Tại đây, họ mở một nhà hàng mang tên Việt Nam Thăng Long. Nhà hàng nhanh chóng trở nên nổi tiếng với đồ ăn ngon và giá cả phải chăng, thu hút không chỉ người dân địa phương mà cả du khách đến thành phố này.
Vào những năm 1990, khủng hoảng kinh tế khiến các siêu thị ở Kharkov trống rỗng, và người dân phải mua hàng bằng tem phiếu. Nhận thấy cơ hội, ông Vượng mua dây chuyền sản xuất mỳ ăn liền từ Việt Nam và mang sang Ukraine, bắt đầu sản xuất mỳ hiệu Mivina. Dù sản phẩm này mới mẻ với người Ukraine, nhưng nhanh chóng được đón nhận. Technocom, công ty do ông thành lập vào ngày 8/8/1993, ngày 8/8 sau này cũng được chọn là ngày thành lập tập đoàn Vingroup.
Để khởi nghiệp, ông Vượng mạo hiểm vay 10.000 USD từ bạn bè với lãi suất 8%/tháng, và tiếp tục vay từ Ngân hàng Châu Âu với lãi suất 12% để mở rộng sản xuất. Sản phẩm mỳ Mivina ra mắt năm 1995 đúng thời điểm, nhanh chóng trở nên phổ biến, với doanh số vượt 1 triệu gói trong năm đầu tiên và đạt mức tiêu thụ kỷ lục vào năm 2004 khi 97% người dân Ukraine sử dụng sản phẩm này. Thừa thắng, ông Vượng mở rộng nhà máy, tiếp đó đưa thương hiệu Mivina tới hơn 30 quốc gia khác trên toàn thế giới như Estonia, Litva, Latvia, Moldova, Ba Lan, Đức, Israel…
Sau khi thành công tại Ukraine, Phạm Nhật Vượng bắt đầu chuyển hướng đầu tư về Việt Nam từ năm 2000. Ông thành lập Vinpearl và Vingroup, mở ra một kỷ nguyên mới trong ngành bất động sản và du lịch tại Việt Nam.
Giai đoạn này ông Vượng vẫn bay qua bay lại giữa Việt Nam và Ukraine, bất ngờ tới năm 2009 ông quyết định bán Technocom Ukraine. Chia sẻ trên Forbes Việt Nam, ông nói: “Khoảng 2008 có vụ máy bay Airbus của Air France bị rơi xuống biển không tìm được. Tôi nghĩ, mình cũng bay suốt như vậy, nhỡ máy bay rơi không tìm được thì có phải khổ vợ con không? Lúc ấy trong nước cũng nhiều việc. Tôi muốn làm hẳn mọi việc đến đầu đến đũa”.
Tới 2010, ông Vượng bán Technocom – công ty mẹ của Mivina cho tập đoàn Nestlé của Thụy Sỹ với mức giá không được tiết lộ và trở về tập trung cho việc kinh doanh tại Việt Nam.
Ông được Forbes nêu tên trong danh sách tỷ phú thế giới lần đầu tiên vào năm 2013 ở vị trí 974.
Những năm 1997-1998, khi ông Phạm Nhật Vượng từng nghĩ, kiếm được 2 triệu USD sẽ ngừng kinh doanh về hưu. Thời điểm đó, cũng không ai đoán được rằng chàng sinh viên kinh tế địa chất năm nào sẽ trở thành ‘tỷ phú đô la’ đầu tiên trên sàn chứng khoán Việt Nam với tổng tài sản 1,5 tỷ USD, đồng thời lọt vào danh sách tỷ phú thế giới do tạp chí Forbes công bố năm 2013. Đến hiện tại, Tập đoàn Vingroup của ông thống trị thị trường bất động sản và tác động đến hầu hết các khía cạnh trong cuộc sống của người dân thông qua các lĩnh vực tiêu dùng, bất động sản, trung tâm thương mại và trường học.
Không dừng lại, với tham vọng ghi tên ô tô Việt trên bản đồ ô tô thế giới, vào 20h30 ngày 15/08/2023 (giờ Việt Nam), cổ phiếu VFS của VinFast đã trở thành cổ phiếu của doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên niêm yết trên sàn Nasdaq (Mỹ). Đây tiếp tục là một cột mốc quan trọng trong sự nghiệp của ông Phạm Nhật Vượng , truyền cảm hứng và mở ra nhiều cơ hội cho các thương hiệu Việt Nam cùng tiến ra thế giới.
>> Lý do Ấn Độ từ chối đề xuất đầu tư 1 tỷ USD của BYD nhưng đồng ý cho Vinfast xây nhà máy 500 triệu USD
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/tuoi-20-cua-ty-phu-pham-nhat-vuong-toi-chi-la-mot-nguoi-binh-thuong-thoi-151790.html