– Shark Phú: Các em đang quá quan tâm đến phần trăm cổ phần. Các em gom khu sản xuất nhưng bán hàng mới là quan trọng. Anh có 100 nhân viên đang bán hàng.
– Shark Hưng: Anh có 15.000 nhân viên bán bất động sản.
– Shark Phú: Bất động sản có liên quan gì đến kênh bán này đâu.
– Shark Hồng Anh: Bất động sản anh cũng đang bán.
– Ngọc Minh: Thực ra, em nhắm tới khách hàng là các hộ gia đình.
– Shark Phú: Anh đang kinh doanh thiết bị chiếu sáng.
– Shark Hưng: Mười mấy năm qua, có hàng trăm nghìn hộ gia đình và đã từng mua nhà của bọn anh.
Trên đây là một đoạn đối thoại giữa các Shark trong chương trình Shark Tank Việt Namp mùa 2 để tranh giành một startup sản xuất bình trữ điện đa năng MoPo do hai nhà sáng lập Ngọc Minh và Sơn Tùng của Power Centric mang đến chương trình để kêu gọi 500.000 USD cho 10% cổ phần, tối đa 1,5 triệu USD cho 30% cổ phần.
MoPo là một sản phẩm có thể thay thế được ắc quy, chì axit hiện hành, đang được sử dụng rất phổ biến trên các xe điện và những hệ thống lưu trữ năng lượng.
MoPo là một trong số ít các thương vụ lọt vào “mắt xanh” của cá mập Phạm Thanh Hưng. Không những thế, Shark Hưng còn phải chiến đấu, giành giật “deal” này với các Shark khác, mà sau này như chia sẻ, ông mô tả: ” Làm cho các Shark vừa hồi hộp lại rất cay cú để mà chiến đấu có bằng được cái thương vụ này” .
Cuối cùng, hai nhà sáng lập đã quyết định chọn Shark Hưng với cam kết đầu tư 1 triệu USD, trong đó 500.000 USD lấy 25% cổ phần, 500.000 USD là trái phiếu hoặc chuyển thành khoản vay.
Sau chương trình Shark Tank, tháng 7/2019, dự án pin thông minh MoPo trực thuộc công ty Power Centric của chàng Việt kiều Mỹ Nguyễn Minh Ngọc đã được CTCP Tập đoàn Thế Kỷ Cengroup công bố chính thức đầu tư (không công bố số tiền giải ngân cụ thể).
Quý III/2019, MoPo đã hoàn thành việc ra mắt đồng thời 4 sản phẩm chủ đạo gồm: Pin lithium-ion Mopo cùng phụ kiện như bộ chuyển điện, bộ sạc, app quản lý trạng thái pin; Tủ và trạm sạc đổi pin; Xe điện Xyndi; Tấm thu năng lượng dùng trong gia đình và di động.
Thời điểm đó, Shark Hưng cho biết, định hướng kinh doanh của startup này là đi theo cả hai hướng B2B và B2C, nhưng B2B sẽ là chiến lược mấu chốt. Với định hướng đó, sản phẩm được kỳ vọng của MoPo là cung cấp pin dạng ODM (Original Design Manufacture) cho các hãng phát triển xe điện, ô tô điện.
” Tôi đã làm việc với hầu hết các hãng xe lớn ở Việt Nam. Với VinFast, tôi cũng đã gặp CEO VinFast và đàm phán ở mức độ nhất định để làm sao có thể hợp tác được với nhau “, Shark Hưng chia sẻ.
Khách hàng B2B thứ hai Mopo nhắm tới là các nhà sản xuất năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, cung cấp giải pháp tổng thể cho những công trình sử dụng năng lượng mặt trời, tức cung cấp cả trạm thu và tích trữ năng lượng.
Với khách hàng B2C, MoPo hướng tới cung cấp pin lưu trữ năng lượng cho hộ gia đình, cung cấp sản phẩm dùng thay thế máy phát điện dự phòng hay sạc điện du lịch.
Cùng với đó là mục tiêu xây dựng hệ thống hàng ngàn trạm đổi/sạc bằng việc bắt tay với từng chị bán trà đá, anh bán tạp hóa,…
Phát biểu trong lễ công bố đầu tư năm 2019, Shark Hưng kỳ vọng: ” Team MoPo sẽ mở rộng thị trường, không chỉ ở Việt Nam mà còn ra cả Đông Nam Á, Châu Á, xa hơn nữa tiến tới khu vực toàn cầu. Đây là xu thế tất yếu, chắc chắn trong vòng 3-5 năm nữa, chúng ta sẽ nhìn được ứng dụng của MoPo, ứng dụng của pin điện cho các xe điện, trạm thu phát sóng,… và tại mỗi gia đình chúng ta sẽ trở nên phổ biến và rộng rãi.”
Sau khi công bố về việc hợp tác đầu tư và ra mắt sản phẩm, phía Cenland hay MoPo không thông tin thuyền thông thêm về thương vụ hợp tác.
Khoảng 4 năm sau khi bắt tay với Cengroup, không biết MoPo đã đi theo định hướng B2B tới đâu nhưng với mảng B2C, thậm chí cho dù người mua có nhu cầu về sản phẩm nhưng sẽ không tìm được website chính thức giới thiệu sản phẩm hay thông tin về các đại lý phân phối trên internet.
Một vài thông tin ít ỏi cho thấy sản phẩm từng được bán trên các trang TMĐT như Shopee hay Tiki nhưng đã hết hàng hoặc có thông tin người bán hiện đang tạm nghỉ
Theo tìm hiểu, Công ty PowerCentric do Nguyễn Ngọc Minh ban đầu hoạt động dưới hình thức công ty TNHH, được thành lập năm 2016. Chỉ mấy tháng sau khi thành lập, vốn điều lệ của PowerCentric tăng vọt từ 1 tỷ lên 110 tỷ đồng.
Tại thời điểm gọi vốn trong chương trình Shark Tank mùa 2 vào năm 2018, vốn điều lệ của công ty trên ĐKKD vẫn là 110 tỷ đồng. Tuy nhiên, vào 15/08/2019, trùng thời điểm với việc công bố đầu tư của Cenland, PowerCentric đã điều chỉnh vốn điều lệ về 11 tỷ đồng, con số này phù hợp hơn với quy mô và thực tế đầu tư của công ty.
Đến gày 14/07/2020, công ty TNHH PowerCentric chuyển đổi mô hình hoạt động kinh doanh thành Công ty cổ phần và tăng vốn điều lệ lên 111 tỷ đồng.
3 cổ đông sáng lập của công ty bao gồm:
+ Công ty TNHH Powernheat có địa chỉ tại Tầng 4, Lô I3B-1, đường N6, khu CNC phường Tân Phú, Quận 9, thành phố Hồ Chí Minh, chiếm 26,18% vốn góp.
+ Nguyễn Đức Nam, chiếm 1,5% vốn góp.
+ Nguyễn Ngọc Minh, chiếm 72,28% vốn góp.
Công ty Powernheat được thành lập vào tháng 1/2016, do ông Nguyễn Ngọc Minh làm giám đốc. Hiện tại, vốn điều lệ của công ty là 5 tỷ đồng, trong đó ông Nguyễn Ngọc Minh chiếm 65% vốn, ngoài ra một cá nhân khác tại TP Hồ Chí Minh chiếm 35% vốn còn lại.