Ngày 2/8/2023, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Tân Hiệp Phát (Tập đoàn Tân Hiệp Phát) đã đăng ký bổ sung thêm 33 ngành nghề kinh doanh, nâng tổng số ngành nghề từ 46 lên 79 ngành.
Đáng chú ý, doanh nghiệp bổ sung thêm ngành Kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.
Ngành nghề kinh doanh chính vẫn giữ nguyên là sản xuất đồ uống không cồn, nước khoáng.
Người đại diện pháp luật doanh nghiệp là bà Phạm Thị Nụ (vợ ông Trần Quí Thanh) – giữ chức Tổng giám đốc và ông David Riddle – giữ chức Phó giám đốc.
Hiện tại, Tân Hiệp Phát có vốn điều lệ 276 tỷ đồng. Trong đó, bà Phạm Thị Nụ góp 150,4 tỷ đồng (chiếm 54,49% vốn điều lệ), bà Trần Uyên Phương góp 81,1 tỷ đồng (chiếm 29,38% vốn điều lệ), bà Trần Ngọc Bích góp 44,5 tỷ đồng (chiếm 16,12% vốn điều lệ).
Tân Hiệp Phát từng lập hơn 10 công ty BĐS hàng chục nghìn tỷ rồi đột ngột giải thể
Từ năm 2018, gia đình ông Trần Quí Thanh và Tập đoàn Tân Hiệp Phát đã có những động thái mạnh mẽ để tham gia vào lĩnh vực bất động sản.
Tháng 6/2018, ông Thanh trở thành thành viên trong ban chấp hành câu lạc bộ BĐS TP.HCM với ý định sẽ dùng nguồn tiền dồi dào của mình để cùng hỗ trợ các thành viên trong câu lạc bộ khi họ thiếu vốn cho các dự án BĐS.
Khi đó đại gia nước giải khát tiết lộ, thời gian tới sẽ chọn TP.HCM và Bình Dương là 2 nơi để phát triển các dòng sản phẩm BĐS. Đặc biệt, Tân Hiệp Phát không hạn chế phân khúc sản phẩm và vai trò doanh nghiệp trong lĩnh vực này mà tất cả là theo nhu cầu và cơ hội của thị trường.
Ông Thanh khá tự tin với lĩnh vực mà doanh nghiệp chuẩn bị “dấn thân”. Ông khẳng định, nguồn vốn và quỹ đất là 2 lợi thế lớn nhất hiện nay mà Tân Hiệp Phát đang nắm giữ. Còn kinh nghiệm và kiến thức ở lĩnh vực BĐS theo ông Thanh là bản thân đang tích lũy dần, thời cơ chín muồi sẽ “nhảy” sang.
Trong khoảng thời gian từ 18-24/4/2019, có 10 công ty được thành lập với cùng vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng và cùng cơ cấu sở hữu: bà Trần Uyên Phương nắm giữ 99,9%, bà Trần Ngọc Bích nắm giữ 0,05% và bà Phạm Thị Nụ nắm giữ 0,05%.
Đến ngày 14/5/2019, thêm CTCP Đầu tư và Bất động sản Lộc Điền được thành lập với vốn điều lệ lớn hơn hẳn, đạt 3.830 tỷ đồng nhưng cơ cấu sở hữu vẫn không thay đổi.
Chỉ trong chưa đầy 1 tháng, có ít nhất 11 công ty có ngành nghề kinh doanh chính là bất động sản đã được thành lập với tổng vốn điều lệ đăng ký lên đến 18.830 tỷ đồng. Ông Trần Quí Thanh rất ít khi đứng tên sở hữu phần vốn góp trong các công ty thuộc hệ thống Tân Hiệp Phát mà hầu hết do vợ – bà Phạm Thị Nụ và 2 con gái Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích đứng tên.
Bên cạnh những công ty có vốn tương đối lớn được thành lập gần đây, từ đầu năm 2018 đến nay gia đình ông Thanh cũng thành lập cả chục công ty khác. Một số cái tên đáng chú ý như Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Đầu tư Quang Vinh có vốn 1.200 tỷ đồng, CTCP Đầu tư Bất động sản Century Bay Đà Nẵng (772 tỷ đồng), CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản TQT (50 tỷ đồng)…
Tuy nhiên điều bất ngờ là chỉ vài tháng sau khi thành lập, vào tháng 8-9/2019, hầu hết các công ty trong số này đã đột ngột công bố giải thể với cùng lý do là “Không có dự án để đầu tư, phát triển và về việc duy trì hoạt động của doanh nghiệp không có hiệu quả”.
Cuộc “lùm xùm” với Kim Oanh
Theo Bộ công an, trong quá trình điều tra đến nay có đủ căn cứ xác định hành vi của ông Trần Quí Thanh cùng các con gái Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích đủ yếu tố cấu thành tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Theo báo Người Lao động, vào tháng 3/2021, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án do có đơn tố cáo của ông Lê Văn Lâm, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Kim Oanh Đồng Nai, cùng một số người khác tố cáo bà Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích (cùng giữ chức phó tổng giám đốc của Tân Hiệp Phát) cùng một số cá nhân thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, là các dự án bất động sản có giá trị đặc biệt lớn tại TP HCM và Đồng Nai.
Theo đơn tố cáo, một số người trong gia đình ông Thanh cùng một số người liên quan có hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, trốn thuế thông qua việc chuyển nhượng dự án, cổ phần doanh nghiệp, gây thiệt hại cho Công ty cổ phần đầu tư phát triển Kim Oanh hơn 1.000 tỉ đồng.
Tháng 11/2022, do hết hạn điều tra, cần làm rõ giám định thiệt hại liên quan đến những vấn đề tố cáo, Cơ quan cảnh sát điều tra của Bộ Công an đã tạm đình chỉ vụ án liên quan này.
Theo thông tin từ Bộ Công an, từ ngày 08/4/2023 đến ngày 10/4/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra các Quyết định khởi tố bị can đối với Trần Quí Thanh, Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích thuộc Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Tân Hiệp Phát; thi hành Lệnh bắt tạm giam đối với Trần Quí Thanh, Trần Uyên Phương.
Thông báo của Bộ Công an cho biết: ông Trần Quí Thanh cùng các con gái Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích và một số cá nhân khác bị tố cáo đã thực hiện hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, “Trốn thuế”, “Cưỡng đoạt tài sản” là các dự án, bất động sản có giá trị đặc biệt lớn tại tỉnh Đồng Nai và TP. Hồ Chí Minh từ tháng 11/2020.