Mô hình thương mại điện tử đã được Starbucks áp dụng rộng rãi trên thế giới và đây là lần đầu tiên quyết định mang đến Việt Nam, ra mắt ngay sau giai đoạn thị trường chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Hôm qua, 26/6, fanpage của Starbucks Việt Nam cập nhật thông tin chính thức ra mắt mô hình “e-store”, bán hàng trực tuyến tại Việt Nam.
“Khoảng cách không còn là giới hạn, dù ở tỉnh thành nào, bạn cũng có thể kết nối với Starbucks qua trang thương mại điện tử chính thức ra mắt từ hôm nay”, thông báo của Starbucks gửi đến khách hàng.
Tương tự các doanh nghiệp trong ngành F&B, Starbucks Việt Nam cũng chịu nhiều tác động tiêu cực trong thời gian cách li xã hội, như hầu hết cửa hàng phải tạm thời đóng cửa, doanh thu bị ảnh hưởng nặng nề, thậm chí, tác động đến cả kế hoạch mở rộng chuỗi trong năm nay.
Như vậy, với việc ra mắt mô hình “e-store”, đây được xem là bước đi mới nhất của “ông lớn” cà phê toàn cầu tại thị trường Việt Nam trong giai đoạn hậu COVID-19.
Trang thương mại điện tử của Starbucks tại Việt Nam bán gì?
Truy cập “trang thương mại điện tử” Starbucks Việt Nam trong ngày đầu tiên vận hành, gã khổng lồ chỉ bán các sản phẩm như li, bình giữ nhiệt dưới thương hiệu riêng của Starbucks, và tuyệt nhiên không có sản phẩm cà phê gói hoặc cà phê pha sẵn thường thấy ở cửa hàng.
Cụ thể, các sản phẩm được bán là li, tách, li giữ nhiệt, bình giữ nhiệt có giá bán dao động từ 270.000-590.000 đồng/sản phẩm. Đây là các sản phẩm thường thấy tại các cửa hàng Starbucks Việt Nam và giá cả cũng ở mức tương tự.
Để mua hàng, khách có thể hoặc không cần phải đăng kí tài khoản, chọn sản phẩm cần mua cho vào giỏ hàng, điền các thông tin liên quan, đặc biệt là địa chỉ nhận hàng.
Starbucks Việt Nam cho biết sẽ hỗ trợ khách thanh toán trả trước qua thẻ thanh toán nội địa, thẻ tín dụng, thẻ thanh toán quốc tế, ví điện tử lẫn thanh toán trả sau, tức sau khi khách nhận được hàng (COD).
Starbucks sẽ kết hợp với các đơn vị giao nhận để thực hiện vận chuyển, đưa hàng về tận tay người đặt. Cước phí vận chuyển tùy theo khu vực nhận hàng.
Như vậy, cách thức hoạt động, quy trình mua hàng, thanh toán, giao nhận hàng hoá trên “e-store” của Starbucks Việt Nam cũng tương tự như các sàn thương mại điện tử khác. Tuy nhiên, Starbucks chỉ bán li, bình giữ nhiệt mà không kinh doanh cà phê gói, hay nước uống như tại cửa hàng.
Starbucks Việt Nam làm gì hậu COVID-19?
Thực tế, mô hình thương mại điện tử đã được Starbucks áp dụng rộng rãi trên thế giới và đây là lần đầu tiên gã khổng lồ quyết định mang đến Việt Nam, thời điểm ra mắt ngay sau giai đoạn chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.
Tổng giám đốc Starbucks Việt Nam – bà Patricia Marques, cho biết với tình hình dịch Covid-19 như hiện tại, trong năm 2020, Starbucks sẽ phải chậm lại kế hoạch kinh doanh.
Theo kế hoạch, năm 2020, “ông lớn” này sẽ mở khá nhiều cửa hàng, trong đó, có cả việc mở rộng sang một thành phố mới là Nha Trang (Khánh Hòa) nhưng cuối cùng phải tạm hoãn vì Covid-19.
Tuy nhiên, Starbucks cho rằng mình sẽ không ngồi yên trong thời gian sau dịch, dự định sẽ mở mới cửa hàng vào thời điểm cuối năm.
Trong khi tình hình kinh doanh tại cửa hàng có phần giảm sút do mất khách du lịch, chuyên gia nước ngoài và việc mở rộng chuỗi chậm chạp hơn, Starbucks đã đưa mô hình thương mại điện tử vốn rất được yêu chuộng trên thế giới đến Việt Nam.
Với độ phủ hiện nay chưa đủ lớn, nhất là chỉ mới tập trung vào một vài thành phố, trang thương mại điện tử này sẽ là nơi phân phối các sản phẩm li, bình giữ nhiệt thương hiệu Starbucks đến người Việt trên cả nước vốn là “tín đồ” của gã khổng lồ này.
Tổng giám đốc Starbucks Việt Nam cũng cho rằng trước đây, khái niệm làm việc tại nhà khó được các doanh nghiệp chấp nhận, nhưng trong thời gian dịch bệnh lẫn sau dịch, mô hình này đã được ưa chuộng hơn. Do đó, trang thương mại điện tử của Starbucks Việt Nam cũng nhiều cơ hội sau giai đoạn hậu Covid-19.
Starbucks kinh doanh ra sao sau 7 năm vào Việt Nam?
Năm 2013, Starbucks chính thức đặt chân vào thị trường Việt Nam và nổi lên mạnh mẽ do là một gã khổng lồ trong ngành cà phê. Gã khồng lồ này chỉ cần quyết định đặt chân đến đất nước nào là sẽ có một lượng lớn cửa hàng cà phê Starbucks mọc lên dày đặc, và điều đó cũng đúng với các nước Đông Nam Á.
Tổng giám đốc Starbucks Việt Nam Patricia Marques, từng cho biết tại Malaysia, cứ 104.982 dân có 1 cửa hàng Starbucks, ở Thái Lan cứ 175.040 dân có 1 cửa hàng Starbucks; ở Campuchia cứ 913.862 người có 1 cửa hàng Starbucks.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, phải gần 1,7 triệu người thì Starbucks mới có một cửa hàng cà phê.
Sau đúng 7 năm, đến nay số lượng cửa hàng cà phê Startbucks tại Việt Nam cũng chỉ có khoảng 64, tốc độ mở rộng trung bình mỗi năm chưa đến 10 cửa hàng. Hiện Starbucks chỉ mới có mặt tại 4 thành phố lớn trên cả nước là TP HCM, Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng, trong đó, độ phủ của cửa hàng tập trung nhiều nhất tại TP HCM.
Nếu so với những chuỗi cà phê khác tại Việt Nam hiện nay như Trung Nguyên, Highlands Coffee, The Coffee House… số lượng cửa hàng của Starbucks vẫn khá khiêm tốn, dù “gã khổng lồ” này được các doanh nghiệp trong ngành rất dè chừng.
Tuy nhiên, Tổng giám đốc Starbucks Việt Nam nhiều lần khẳng định số lượng cửa hàng hiện có là hoàn toàn phù hợp với thị trường và Starbucks chưa có kế hoạch tấn công ồ ạt về việc mở rộng chuỗi tại Việt Nam.
Bà Patricia Marques cho rằng tầm nhìn về kinh doanh của Starbucks thường là 10-20 năm và mỗi năm đều xác định cụ thể hướng đi là gì. Bà cũng khẳng định cách đi của Starbucks với mỗi thị trường là khác nhau, do đó, không thể xem số lượng cửa hàng hiện có là khiếm tốn, mà có thể là thành tựu của Starbucks với những giá trị xây dựng 7 năm qua.