Trong tập podcast mới đây mang tên “Tiền Không Tệ” do Spiderum thực hiện, ông Hoàng Nam Tiến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT, đã chia sẻ những quan điểm sâu sắc về tiền bạc, gắn liền với những kinh nghiệm thực tiễn thay vì chỉ lý thuyết.
Mở đầu câu chuyện, khi được hỏi về mục tiêu công việc, ông Tiến nhấn mạnh rằng mỗi người đều có những mục tiêu, ước mơ và sứ mệnh khác nhau, đó có thể là gia đình, sự nghiệp, hoặc trách nhiệm xã hội. Tuy nhiên, ông cho rằng một điều mà tất cả mọi người đều quan tâm đó là phải làm ra tiền.
Khi “host” Trần Việt Anh – nhà sáng lập & CEO Spiderum đề cập đến việc nhiều người có quan điểm “không muốn mắc nợ”, ông Tiến cho rằng tâm lý này rất là tệ bởi nhiều người vẫn nghĩ “một năm ở đợ bằng 3 năm tù”, nghĩa là “một năm mắc nợ người khác còn tệ hơn đi tù”.
Ông Hoàng Nam Tiến tham gia podcast “Tiền Không Tệ”
Ông phản biện bằng ví dụ một sinh viên mới ra trường có lương 10 triệu, cần mua xe máy 30-40 triệu thì việc đi vay trả góp trong 2 năm là hoàn toàn hợp lý. Ông nhấn mạnh rằng nguyên nhân sợ vay nợ chủ yếu đến từ sự thiếu tự tin vào bản thân mình.
Mặc dù có những thời điểm đáng lo như giai đoạn Covid, nhưng theo ông Tiến, nếu thực sự tự tin, tin vào khả năng vượt khó của mình, việc tìm kiếm khoản nợ bằng 1 năm lương không phải là vấn đề lớn.
Đối với doanh nghiệp, ông Tiến lấy ví dụ về chính Tập đoàn FPT, dù có nhiều tiền mặt nhưng vẫn đi vay tiền, do chi phí vay rẻ hơn.
Đi vào thực tế hơn, ông Tiến cho rằng một người 30 tuổi, bắt đầu lập gia đình và có 1 người con, nếu đặt mục tiêu có 3 tỷ để mua một căn nhà, thì đến 40 tuổi chưa chắc đã mua được nhà. Tuy nhiên, ở trường hợp khác, nếu đến 30 tuổi, tiết kiệm được 500 triệu hoặc vay mượn được 500 triệu để trả 20-30% giá trị căn nhà, sau đó vay số còn lại và đặt mục tiêu 10 năm tới sẽ trả hết thì hiển nhiên bạn đã có căn nhà từ năm 30 tuổi.
Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh rằng vay nợ có thể tạo ra động lực khiến chúng ta làm việc chăm chỉ hơn. “Nếu mà chúng ta nợ thì chúng ta sẽ có thái độ lao động nghiêm túc hơn”, ông Tiến cho hay.
Tiếp đó, ông cũng bật mí bí quyết dành cho các bạn trẻ trong việc tận dụng tối đa nguồn tài chính vay mượn đó là cần đi học về quản lý tài chính cá nhân, đây là việc liên quan đến cả đời. Thế hệ gen Z ngày nay suy nghĩ rất khác thế hệ trước, tiêu tiền có phần phóng khoáng.
Ông Tiến cũng chia sẻ về cách giáo dục con cái trong việc hiểu giá trị của đồng tiền. Ông giúp các con nhận thức rằng tiền không chỉ là thứ để mua sắm, mà là thành quả của lao động, cần được quý trọng và không lãng phí.
>>Ông Hoàng Nam Tiến: Đi du học nước ngoài đừng vội về nước ngay, sau 5 -10 năm hãy về với hành trang là kiến thức, quan hệ, tiền bạc
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/sep-fpt-hoang-nam-tien-so-no-nan-la-mot-tam-ly-te-151684.html