Bảo hiểm Xã hội TP. Hà Nội vừa công bố danh sách đơn vị sử dụng người lao động chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ-BNN từ 1 tháng trở lên trên địa bàn thành phố tháng 11/2023 (số liệu tính đến hết ngày 30/11/2023 theo C12-TS lấy ngày 5/12/2023).
Theo đó, có 53.622 doanh nghiệp nợ bảo hiểm từ hơn 1 triệu đồng đến 55,78 tỷ đồng. Đơn vị nợ bảo hiểm nhiều nhất vẫn là Anh ngữ Apax của shark Thủy với 45 tháng chậm đóng các loại bản hiểm với tổng số tiền gần 56 tỷ đồng.
Đáng chú ý, góp mặt trong danh sách này có Tổng CTCP Bảo hiểm Bưu điện (mã PTI, sàn HNX) với 01 tháng chậm đóng các loại bảo hiểm số tiền là hơn 1,1 tỷ đồng.
PTI được thành lập ngày 01/08/1998 với cổ đông sáng lập gồm Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (sau giao cho Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam quản lý); Tổng Công ty Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam và các Tập đoàn kinh tế lớn trong nước.
Đến tháng 12/2021, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VN Post) đã hoàn tất đấu giá thoái vốn toàn bộ 22,67% vốn điều lệ sở hữu tại PTI. Sau khi VN Post thoái vốn, PTI có 2 nhóm cổ đông lớn nhất là CTCP Chứng khoán VNDirect và các cổ đông theo ủy quyền (chiếm 42,33%) và Công ty Bảo hiểm DB – Hàn Quốc (chiếm 37,32%).
Từ tháng 3/2022 đến nay, bà Phạm Minh Hương – Chủ tịch HĐQT của VNDirect đã chính thức trở thành Chủ tịch Bảo hiểm PTI.
Về tình hình kinh doanh quý III/2023, PTI ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 1.075,6 tỷ đồng, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm trước; trong đó doanh thu phí bảo hiểm đạt 1.233,3 tỷ đồng, giảm gần 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế 39 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ tới 167,2 tỷ đồng.
Luỹ kế 9 tháng năm 2023, PTI đạt 3.732 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 124 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 348 tỷ đồng.
Năm 2023, PTI đặt mục tiêu doanh thu đạt 5.730 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 112 tỷ đồng. Như vậy, hết 9 tháng, công ty đã hoàn thành 65,1% kế hoạch doanh thu và 111% kế hoạch lợi nhuận năm.
Tại ngày 30/9/2023, tổng tài sản của PTI tăng thêm 275,4 tỷ đồng so với hồi đầu năm, lên 8.650 tỷ đồng. Các khoản đầu tư tài chính vẫn chiếm phần lớn tài sản của PTI với hơn 4.821 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn và dài hạn, chiếm gần 56% tổng tài sản. Trong đó, có 3.215,2 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng; 1.533,2 tỷ đồng đầu tư trái phiếu và 65 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi; 7,3 tỷ đồng đầu tư dự án kinh doanh BĐS qua CTCP Bất động sản Bưu Điện.
Cuối quý III/2023, nợ phải trả của PTI tăng 2,3% lên 6.715 tỷ đồng. Trong kỳ, công ty phát sinh thêm 327,5 tỷ đồng khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn trong khi cùng kỳ năm trước khoản này không được ghi nhận.