Hơn 1 tiếng trước thời điểm ông Gabor Fluit bước vào cuộc họp bầu cử chủ tịch mới Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), chúng tôi đã có cuộc trò chuyện ngắn với vị lãnh đạo đáng mến của De Heus – tập đoàn sản xuất thức ăn chăn nuôi (TĂCN) đang vận hành hơn 80 nhà máy sản xuất ở trên 20 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Được biết, cuộc họp diễn ra trong bối cảnh ông Gabor Fluit sắp rời Việt Nam để trở về Hà Lan, chính thức đảm trách vị trí Tổng giám đốc De Heus Toàn cầu vào tháng 1/2025.
Trong quan điểm cố hữu của nhiều người Việt, ngành nông nghiệp Việt Nam có phần lạc hậu so với các quốc gia trong khu vực. Là một trong những người tiên phong đặt nền móng cho sự phát triển vượt bậc của De Heus tại Việt Nam, ông nhận thấy ngành nông nghiệp Việt Nam đã phát triển như thế nào trong hơn 15 năm qua?
Tôi đang hồi tưởng lại bức tranh nông nghiệp Việt Nam cách đây 15 năm, để có cái nhìn tổng quan nhất trước khi đưa ra câu trả lời. Không thể phủ nhận thời điểm 2009, nông nghiệp Việt Nam vẫn còn chậm chân so với Đông Nam Á nói riêng và châu Á nói chung. Tuy nhiên trong 15 năm vừa qua, ngành nông nghiệp Việt Nam đã “lớn nhanh như thổi”.
Riêng về lĩnh vực chăn nuôi, tôi khẳng định mảng gà công nghiệp, heo, bò sữa, thủy sản của Việt Nam không kém cạnh các nước trong khu vực. Các trang trại lớn của nước ta hiện có tỷ lệ tự động hóa và công nghiệp hóa rất cao. Song, tôi thừa nhận Việt Nam có phần hụt hơi ở phân khúc chăn nuôi nhỏ lẻ. Thế nhưng nhìn toàn cảnh, chăn nuôi nhỏ lẻ năm 2024 cũng đã khác rất nhiều so với 15 năm trước.
Xuyên suốt hành trình 15 năm, ông nghĩ đóng góp lớn nhất của De Heus với ngành nông nghiệp Việt Nam là gì?
Có mặt tại Việt Nam vào 15 năm trước, chúng tôi không đi theo hướng của doanh nghiệp cùng ngành. Mô hình chúng tôi khác biệt ở chỗ không tự mở trại chăn nuôi, thay vào đó liên kết với các đối tác trong chuỗi giá trị theo mô hình 3F (Feed, Farm, Food) và tập trung sản xuất thức ăn cho các loại vật nuôi. Việc không tham gia phân khúc chăn nuôi phần nào chứng minh De Heus là đối tác, không phải đối thủ của người nông dân.
Điều tiếp theo mà tôi muốn nhắc đến đó là tâm huyết của De Heus trong việc đồng hành với người dân Việt Nam. Bên cạnh cung ứng sản phẩm TĂCN chất lượng cao, De Heus luôn tìm cách hỗ trợ người chăn nuôi cải thiện con giống, tăng năng suất và tiếp cận công nghệ tiên tiến. Chúng tôi đưa đối tác sang châu Âu để học hỏi kinh nghiệm thực tiễn từ các trang trại quy mô; mời chuyên gia từ nước ngoài về hỗ trợ; triển khai các khóa học ngắn hạn… Đích đến của chúng tôi là nước ngoài có gì, Việt Nam cũng có thể bắt kịp như vậy.
Suy cho cùng, điều mà De Heus mong muốn đó là góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp Việt Nam phát triển nhanh chóng và bền vững. Nhìn về lịch sử, Hà Lan đã trải qua 60 năm miệt mài vun đắp để hoàn thiện nền nông nghiệp của mình trước khi trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu về kinh tế nông nghiệp trên thế giới. Nhưng Việt Nam có thể rút ngắn thời gian này nhờ sự quyết tâm mạnh mẽ, tinh thần ham học hỏi và dám thử nghiệm những điều mới của con người nơi đây. Bên cạnh đó, việc áp dụng các mô hình tiên tiến và kỹ thuật nông nghiệp công nghệ cao đã giúp Việt Nam thành công bắt kịp xu hướng phát triển toàn cầu một cách nhanh chóng.
Nói riêng về mảng TĂCN – lĩnh vực chính mà De Heus làm được và làm rất tốt tại Việt Nam, đóng góp nào khiến ông tự hào nhất?
Tầm nhìn của De Heus đó là mang đến những sản phẩm dinh dưỡng chất lượng tối ưu và đạt hiệu quả cao nhất cho vật nuôi. Để hiện thực hóa cam kết này, chúng tôi không ngừng đầu tư nghiên cứu công nghệ cũng như thiết bị kiểm soát chất lượng TĂCN. De Heus hiện đang vận hành 18 nhà máy TĂCN trang bị dây chuyền công nghệ tự động hóa tiên tiến và được giám sát vận hành sản xuất bởi các chuyên gia quốc tế theo tiêu chuẩn ISO 22000 và Global GAP.
Nhìn vào bức tranh toàn cảnh, bạn có thể thấy phần nhiều doanh nghiệp FDI có xu hướng đầu tư nguồn lực R&D ở quốc gia sở tại, thay vì triển khai ở Việt Nam. De Heus chọn hướng đi khác, đó là không ngừng mở rộng các trung tâm nghiên cứu ở Việt Nam như trung tâm nghiên cứu thủy sản ở Vĩnh Long, nghiên cứu gia cầm ở Đồng Nai, nghiên cứu heo ở Sóc Trăng… Qua đó nghiên cứu và phát triển những sản phẩm phù hợp với thị trường địa phương.
Ngoài ra, De Heus hoạt động theo mô hình liên kết với các đối tác trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp. Trong chuỗi này, bên cạnh cung cấp con giống và TĂCN, chúng tôi nỗ lực hỗ trợ để các trang trại có đầu ra.
Chẳng hạn gà công nghiệp, với đặc điểm thời gian nuôi ngắn nhưng chi phí đầu tư nhiều. Nếu không có đầu ra ổn định, người nông dân sẽ không thể tham gia chuỗi. Đi từ việc nhận thức được điều đối tác cần, chúng tôi xây dựng thành công mô hình liên kết ở miền Nam, qua đó giúp họ yên tâm sản xuất. Tuy nhiên ở miền Bắc, chúng tôi cần làm thêm một bước nữa – xây dựng nhà máy giết mổ và chế biến gà ở Hà Nội với thương hiệu Green Chicken. Nói câu chuyện này để thấy ở mỗi địa phương, chúng tôi cần nhận thức được phân khúc đang yếu, đang thiếu, từ đó bổ sung hoặc thiết lập lại các mắt xích đang bị đứt gãy trong chuỗi cung ứng.
Sản lượng của De Heus Việt Nam chiếm khoảng 25% tổng sản lượng của De Heus toàn cầu. Con số này cho thấy điều gì thưa ông?
Nơi chúng ta đang ngồi trò chuyện – Văn phòng De Heus Việt Nam – cũng chính là “căn cứ địa” của De Heus châu Á, và là một trong hai cơ sở chính của tập đoàn với một số bộ phận đang giữ vai trò toàn cầu. Tôi nói điều này để cho thấy tầm quan trọng của thị trường Việt Nam trong chiến lược phát triển dài hạn của De Heus, điều vốn được định vị rõ từ 2-3 năm trước.
Sau thương vụ M&A mảng thức ăn chăn nuôi của Masan MEATLife, dường như doanh nghiệp đang lên kế hoạch đầu tư mạnh hơn vào mảng thức ăn thuỷ sản. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về định hướng này?
Không ngẫu nhiên De Heus toàn cầu đặt trụ sở chính mảng thủy sản ở Việt Nam – quốc gia mạnh về lĩnh vực thủy sản, cả nguồn lực con người lẫn nguồn lực tự nhiên. Một trong những tham vọng mà De Heus ấp ủ đó là trở thành công ty sản xuất TĂCN hàng đầu thị trường cho cả thủy sản nước mặn và nước ngọt.
Hiện, chúng tôi tự tin đứng đầu ở Việt Nam về mảng cá tra. Với tôm, dù “tham chiến” sau nhiều đơn vị khác, De Heus vẫn nỗ lực củng cố vị thế chiến lược trên thị trường đầy tiềm năng này. Bước đầu tiên là đầu tư nhà máy chuyên biệt sản xuất thức ăn cho tôm tại tỉnh Vĩnh Long, với công suất 50,000 tấn/năm. Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiến đến nghiên cứu giống thủy sản thông qua việc bắt tay với các đối tác.
Về thủy sản nước mặn, tổng sản lượng nuôi biển năm 2023 của nước ta đạt 789,8 nghìn tấn, tăng 10,1% so với năm 2022. Con số này cho thấy tiềm năng của thủy sản nuôi biển tại Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên, bà con ngư dân đang bị thiếu nguồn thức ăn công nghiệp nên phần lớn các trại nuôi biển quy mô vừa và nhỏ phải sử dụng cá tạp làm thức ăn, dẫn đến thiếu dinh dưỡng cho cá nuôi, đặc biệt không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhìn về lâu dài, hình thức cho ăn này có thể gây khan hiếm nguồn cá tạp tự nhiên và hiệu quả nuôi không cao.
Để góp phần đưa nghề nuôi biển trở thành ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn và bền vững hơn, De Heus đã nghiên cứu, cung cấp các giải pháp dinh dưỡng tối ưu. Đây là một trong những hướng đi mà chúng tôi đặt nhiều tâm huyết, chung sức hiện thực hóa mục tiêu của Chính phủ là nâng tổng sản lượng nuôi biển lên 1,5 triệu tấn năm 2030.
Vậy với những phân khúc khác, De Heus đang ấp ủ kế hoạch gì để nâng tầm tên tuổi Việt Nam trên thị trường quốc tế?
Chúng tôi đang tính toán những bước đi dài hơi trong mảng gia cầm, với “mắt xích” trọng tâm là mảng giết mổ. De Heus đang chạy nước rút cho cột mốc ngày 18/5 năm nay với sự kiện khánh thành trung tâm gà giống Bel Gà mới ở huyện Tân Châu, Tây Ninh; thông báo khởi công nhà máy giết mổ – chế biến ở Trảng Bàng; công bố vùng chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh – ATDB theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới đầu tiên ở Tây Ninh, một minh chứng cho việc hợp tác hiệu quả để xây dựng chuỗi giá trị cùng các đối tác Việt Nam như Tập đoàn Hùng Nhơn. De Heus kỳ vọng 1-2 năm tới có thể xuất khẩu gia cầm đến các nước khác, đặc biệt là các thị trường khó tính mà Việt Nam chưa thể chinh phục.
Cũng tiết lộ thêm là vào năm ngoái, chúng tôi đã hợp tác sản xuất giống vịt Orvia với liên doanh 3 bên gồm Hà Lan – Pháp – Việt Nam. Quyết định này ra đời trong bối cảnh thị trường tiêu dùng đang dần chuộng thịt vịt hơn, nhu cầu tăng kéo theo tiềm năng sản xuất tăng. Hợp tác với Orvia và Lan Chi là những đối tác hàng đầu về nghiên cứu và phát triển nguồn giống vịt cũng như dày dặn về chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn tại thị trường Việt Nam, De Heus hướng đến cung cấp giống vịt chất lượng cao, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường.
Sự lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu TĂCN nhập khẩu là một trong nhiều “nút thắt” của ngành chăn nuôi ở Việt Nam. De Heus giải bài toán này thế nào?
Nhằm từng bước chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất TĂCN, De Heus đã ký kết biên bản hợp tác với Bộ NN&PTNT về việc nghiên cứu, phát triển vùng sản xuất nguyên liệu TĂCN dựa trên quy hoạch phát triển các vùng nguyên liệu theo mô hình hợp tác xã kiểu mới.
Trong năm 2023, từ các vùng sản xuất nguyên liệu TĂCN ở Việt Nam, chúng tôi thu được 60.000 tấn nguyên liệu bắp, chiếm 6-7% tổng nguồn nguyên liệu bắp nhập. Con số này không quá lớn nhưng là tín hiệu khởi sắc, tiền đề để ngành TĂCN phát triển bền vững hơn, giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.
Phát triển kinh tế xanh, nông nghiệp xanh là định hướng của Bộ NN&PTNN nhằm hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Với vị thế dẫn đầu trong thị trường TĂCN độc lập, De Heus đang nỗ lực như thế nào để đồng hành cùng Việt Nam đạt mục tiêu này?
Tầm quan trọng của phát triển bền vững, tôi nghĩ chắc không cần chia sẻ nhiều. Bộ NN&PTNN Việt Nam đã định vị rất rõ định hướng này trong các chiến lược gần đây. Tôi chỉ muốn chia sẻ câu chuyện sát sườn hơn về lý do nông nghiệp Việt Nam cần có những bước đi bền vững ngay từ bây giờ.
Năm 2023, EU nhiều lần đưa ra cảnh báo vi phạm với các mặt hàng nông sản Việt khi xuất khẩu vào thị trường này. Vấn đề quan trọng mà chúng tôi quan sát được chính là thị trường châu Âu có sự quan tâm đặc biệt đến tính bền vững của chuỗi cung ứng, bao gồm trách nhiệm xã hội và yếu tố môi trường sinh thái. Tuân theo xu hướng này, trong 10 – 15 năm tới, nếu nông nghiệp Việt Nam đi chậm hoặc không thay đổi kịp thời sẽ dễ có nguy cơ “cấm cửa” một số sản phẩm nông sản chủ lực.
Nhận thức rõ bức tranh này là tiền đề để De Heus nỗ lực cùng các đối tác cải thiện tính bền vững trong các mắt xích của chuỗi cung ứng, trong đó có con giống chất lượng cao, sản xuất thịt sạch có truy xuất nguồn gốc và đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Và như đã chia sẻ, chúng tôi kết hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT nghiên cứu và phát triển vùng sản xuất nguyên liệu TĂCN để giải quyết bài toán nguyên liệu thô về lâu dài.
Được biết định hướng đến năm 2025 – 2030 của De Heus là giúp các thành viên trong chuỗi liên kết và nhà cung cấp trong nước xây dựng lộ trình thực hiện sản xuất xanh. Ông có nghĩ tham vọng này quá sức với De Heus?
Dưới góc nhìn của chúng tôi, phát triển bền vững chính là chiến lược mang tầm quốc gia, cần đi từng bước nhỏ, mỗi một cá nhân đơn lẻ không thể nào đảm đương hết. Do đó, điều tiên quyết là sự chung tay của các bên.
Về phía De Heus, chúng tôi đang đẩy mạnh chiến lược “điện sạch”, gồm điện mặt trời và điện gió ngoài khơi. Tháng 3/2023, De Heus đã ký kết đối tác liên quan để phát triển dự án điện mặt trời áp mái với công suất lên đến 20 MWp tại toàn bộ hệ thống nhà máy và trang trại tại 19 tỉnh thành trên khắp Việt Nam. Hệ thống điện mặt trời tại nhà máy sẽ giúp cắt giảm 470 tấn CO2 hàng năm, đồng thời giúp người nông dân có điện sạch để sử dụng trong chăn nuôi, về lâu dài có thể cung ứng ngược cho Chính phủ, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Sắp tới, trong vai trò Tổng giám đốc De Heus toàn cầu, ông chuẩn bị những sáng kiến/định hướng mới nào để đồng hành cùng nông nghiệp Việt Nam tiến xa hơn trên trường quốc tế?
Tôi nghĩ phần lớn chia sẻ ở trên đã nói lên được lộ trình cụ thể mà tôi vạch sẵn cho thị trường Việt Nam trong những năm tới. Quan trọng nhất, đường xa mới biết ngựa hay. Những “viên gạch” đầu tiên của De Heus Việt Nam đã được thiết lập vững vàng sau 15 năm. Phần còn lại là đội ngũ lãnh đạo tài năng và tâm huyết. Ông Johan van den Ban, Tổng giám đốc De Heus Việt Nam, sẽ đảm nhiệm thêm vai trò giám sát Campuchia, Myanmar và Ấn Độ. Tôi rất yên tâm và tin tưởng Johan cùng đội ngũ lãnh đạo tài ba và dày dặn kinh nghiệm tại Việt Nam. Cùng với sự hỗ trợ của đội ngũ lãnh đạo châu Á, tôi tin tưởng De Heus Việt Nam và Châu Á sẽ tiếp tục tiến đến nấc thang mới trên hành trình đồng hành cùng với người nông dân, đối tác, cam kết phát triển bền vững cũng như nâng cao năng suất chuỗi giá trị. Với riêng tôi, Việt Nam không chỉ có vai trò trọng yếu khi là một trong những thị trường lớn nhất của Tập đoàn De Heus, mà còn là nơi cất giấu nhiều tình cảm. Do đó, dù trở về Hà Lan đảm trách vai trò mới, tôi vẫn sẽ hướng về Việt Nam bằng cả trái tim. Và chắc chắn tôi sẽ trở lại để sinh sống lâu dài khi có thể.
Tìm hiểu thêm thông tin về De Heus Việt Nam tại đây!
Hương Xuân
Theo Tổ Quốc
Copy link
Lấy link!
Nguồn tin: https://cafef.vn/ong-gabor-fluit-duoc-bo-nhiem-tong-giam-doc-de-heus-toan-cau-nong-nghiep-viet-nam-lon-nhanh-nhu-thoi-sau-15-thap-ky-18824040809214754.chn